Giáo sư Từ Thị Loan: 'Cần nghiêm khắc nhưng cũng tạo cơ hội để nghệ sĩ làm lại cuộc đời'
Thời gian gần đây, vấn đề nghệ sĩ Việt vướng vào tệ nạn ma túy đã gây chấn động dư luận. Để có cái nhìn sâu hơn về hiện tượng này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Giáo sư Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Nguyên nhân khiến nghệ sĩ sa lầy vào ma túy
Theo Giáo sư Từ Thị Loan, ngành giải trí vốn là một môi trường đầy áp lực, nơi nghệ sĩ không chỉ phải khẳng định tài năng mà còn phải duy trì hình ảnh trước công chúng.
Giáo sư Loan nhận định: “Giới nghệ sĩ thường xuyên chịu áp lực về công việc và danh tiếng. Họ phải chạy show liên tục, sáng tạo không ngừng, và luôn giữ được phong độ cao. Điều này dẫn đến việc một số người tìm đến ma túy như một cách giải tỏa tạm thời hoặc để duy trì năng lượng”.
Giáo sư Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên, ma túy không chỉ làm suy kiệt sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến thần kinh và danh tiếng. Sự lầm tưởng rằng ma túy giúp sáng tạo hay xua tan căng thẳng khiến nhiều nghệ sĩ bị rơi vào vòng xoáy nghiện ngập mà không hay biết.
“Ngoài áp lực công việc, một số nghệ sĩ trẻ bị cuốn vào ma túy vì tò mò, muốn trải nghiệm cảm giác lạ hoặc bị bạn bè rủ rê. Một khi đã thử, họ dễ bị cám dỗ bởi cảm giác ‘thăng hoa’ mà nó mang lại, dẫn đến lệ thuộc lâu dài”, Giáo sư Loan chia sẻ.
Ca sĩ Chi Dân bị cáo buộc Tổ chức sử dụng ma túy trái phép
Ngành công nghiệp giải trí là một trong những môi trường nhạy cảm, nơi nghệ sĩ dễ bị tổn thương về tâm lý. Giáo sư Từ Thị Loan chỉ ra rằng áp lực danh tiếng và sự soi mói của công chúng qua mạng xã hội có thể khiến họ sa ngã. Những trường hợp như An Tây hay Trúc Phương là minh chứng rõ ràng.
Khi những sai lầm bị phơi bày, họ đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ xã hội. Sự mất mát danh tiếng, sự nghiệp tan vỡ khiến họ rơi vào khủng hoảng, đôi khi điều này cũng khiến họ tìm đến ma túy như một cách giải thoát.
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi
Phân tích về vai trò của mạng xã hội đối với vấn nạn này, Giáo sư Loan cho rằng mạng xã hội vừa là nơi đưa thông tin đến công chúng nhanh chóng, nhưng cũng là “con dao hai lưỡi”. Một scandal có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt, làm mất đi tất cả những giá trị mà nghệ sĩ đã dày công xây dựng.
Người mẫu An Tây bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và Tàng trữ trái phép chất ma túy
Mạng xã hội là kênh phổ biến thông tin, nhưng đồng thời cũng làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Nó lan truyền nhanh chóng các tin tức tiêu cực, từ đó vừa kích thích tò mò của nghệ sĩ về ma túy, vừa nhanh chóng “dìm chết” danh tiếng của họ nếu dính líu đến tệ nạn.
Qua đó, Giáo sư Loan cũng nhấn mạnh: “Nếu không có biện pháp hỗ trợ hoặc đường lối đúng đắn, việc nghệ sĩ tiếp tục rơi vào ma túy sau khi bị công khai đời tư là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Cách ứng xử của mạng xã hội đối với nghệ sĩ vướng vào scandal là vấn đề cần suy ngẫm. “Nếu nghệ sĩ không được hỗ trợ tái hòa nhập sau scandal, họ rất dễ tiếp tục sa lầy. Chúng ta cần một thái độ công bằng, vừa nghiêm khắc nhưng cũng tạo cơ hội để họ làm lại cuộc đời", Giáo sư Loan chia sẻ.
Hiện tượng nghệ sĩ dính líu đến ma túy không chỉ làm tổn hại danh tiếng cá nhân mà còn gây ảnh hưởng đến hình ảnh toàn ngành giải trí và giá trị văn hóa mà nghệ sĩ đại diện.
KOLs Trúc Phương nổi tiếng với hình ảnh làm từ thiện nhưng đã bị bắt vì vướng vào ma túy
"Nghệ sĩ là hình mẫu của công chúng. Khi họ vướng vào ma túy, nó không chỉ làm mất đi lòng tin của khán giả mà còn khiến giới trẻ, những người thường thần tượng nghệ sĩ cũng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực", Giáo sư Loan nói và lấy trường hợp của KOL Trúc Phương làm ví dụ: "Cô ấy từng được yêu mến nhờ hình ảnh làm từ thiện. Nhưng khi scandal nổ ra, tất cả sự nghiệp và danh tiếng gây dựng bấy lâu đều sụp đổ. Đây là cái giá quá đắt và gần như không thể phục hồi."
Chia sẻ về giải pháp để ngăn chặn tình trạng nghệ sĩ trẻ dính đến tệ nạn xã hội trong đó có ma tuý, Giáo sư Loan cho biết cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía.
Đầu tiên đó là từ chính phía nghệ sĩ, họ cần nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình. Họ không chỉ là người sáng tạo mà còn là hình mẫu đạo đức, thẩm mỹ. Ý thức tự rèn luyện, tránh xa cám dỗ, và tìm đến các kênh hỗ trợ khi cần thiết là điều kiện tiên quyết.
Song song đó, về phía quản lý ngành giải trí nên xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh hơn cho nghệ sĩ. Các trung tâm tư vấn tâm lý và các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho nghệ sĩ cũng cần được triển khai mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, về phía xã hội cũng cần nhìn nhận hiện tượng này một cách toàn diện. Ngoài việc nghiêm trị theo pháp luật, cũng cần tạo điều kiện để nghệ sĩ tái hòa nhập, phục hồi danh tiếng và cuộc sống.
Theo Giáo sư Loan, cần có cách tiếp cận nhân văn hơn với những trường hợp này. Họ có thể sai, nhưng nếu được giúp đỡ đúng cách, họ sẽ là những người kể lại bài học đắt giá cho xã hội.
"Việc xây dựng một môi trường lành mạnh, an toàn và trách nhiệm là giải pháp cốt lõi. Nghệ sĩ không chỉ cần được bảo vệ mà còn phải tự bảo vệ mình trước những cám dỗ nguy hại”, nữ Giáo sư cho hay.
Cuộc chiến chống ma túy trong giới nghệ sĩ không chỉ nằm ở việc ngăn chặn mà còn ở việc tạo cơ hội để họ làm lại từ đầu, vì chỉ khi đó, văn hóa nghệ thuật mới thực sự trở thành một nguồn lực tích cực, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân, người mẫu An Tây, KOLs Nguyễn Đỗ Trúc Phương do tổ chức sử dụng ma túy.