Ngày trước, lúc chưa có cái dép, người Bahnar đi chân đất nên hay bị con kiến, con rết cắn. Làng cũng toàn đường đất, mùa mưa rất bẩn. Vì vậy, ông bà xưa làm ra đôi cà kheo để đi lại cho thuận tiện.
Ngày trước, lúc chưa có cái dép, người Bahnar đi chân đất nên hay bị con kiến, con rết cắn. Làng cũng toàn đường đất, mùa mưa rất bẩn. Vì vậy, ông bà xưa làm ra đôi cà kheo để đi lại cho thuận tiện.
Cà kheo trước đây như một công cụ hỗ trợ đời sống sinh hoạt thường ngày, tựa "đôi chân nối dài" của bà con một số nơi ở Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Ở một số vùng đất của Tây Nguyên, người dân từng sử dụng cà kheo như một công cụ hỗ trợ trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tựa "đôi chân nối dài". Từ tập quán xa xưa này, đến nay cà kheo được biến hóa thành bộ môn thể thao hấp dẫn.
Làng của những "đôi chân dài"
Đến làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), khách phương xa ai cũng ngỡ ngàng trước những ngôi nhà rông truyền thống đồ sộ được dựng hoàn toàn bằng tranh tre nứa lá. Tại Gia Lai, không nhiều ngôi làng còn lưu giữ được những nét bản sắc như thế.
Đặc biệt, hầu như già trẻ, lớn bé ở 9 làng trong xã Hà Tây đều biết đi cà kheo. Trong số đó, người làng Kon Măh được biết đến nhiều nhất với kỹ năng sử dụng "đôi chân thứ 2" một cách hết sức thành thục. Đây cũng là nơi có nhiều "kiện tướng cà kheo" nhất.
Chúng tôi ghé Kon Măh khi chiều chầm chậm thả xuống đường làng cái nắng xiên xiên ngày cuối năm. Giữa khoảnh sân rộng rãi, bằng phẳng trước nhà rông vang lên tiếng cười đùa của những đứa trẻ đang tụ tập đá bóng, đạp xe và chơi cà kheo. Vừa chỉ dạy vài em nhỏ cách bước đi trên 2 cây sào tre, anh Tham - một người dân trong làng - vừa vui vẻ chuyện trò khi được hỏi về nguồn gốc đôi cà kheo, tiếng Bahnar gọi là "xing xơng".
Cũng như ông cha mình, lũ trẻ làng Kon Măh cứ thoăn thoắt đi lại trên đôi cà kheo như thể người ta dạo chơi. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc.
Anh Tham nói anh nghe người già trong làng kể lại: "Ngày trước, lúc chưa có cái dép, người Bahnar toàn đi chân đất nên hay bị con kiến, con rết cắn. Làng cũng toàn đường đất, mùa mưa thường rất bẩn. Vì vậy, ông bà xưa làm ra đôi cà kheo để đi lại cho thuận tiện".
Ngoài ra, theo anh Tham, tương tự thói quen làm nhà sàn để đề phòng thú dữ, đôi cà kheo cũng giúp người làng tránh được những cuộc "đụng độ" với bọn chúng lúc có việc phải ra khỏi nhà vào buổi tối.
Để làm ra "đôi chân thứ 2", bà con sẽ vào rừng chọn những cây tre già, đặc ruột rồi chặt về, sau đó dùng dây cao su buộc thêm 2 cái nấc cũng bằng tre làm bàn đạp để đứng lên. Ngày trước, bàn đạp cà kheo ngang bằng với độ cao từ mặt đất đến sàn nhà; từ nhà bước ra là leo thẳng lên "đôi chân" nối dài, rất hữu dụng.
Hình dung tới cảnh người làng Kon Măh lênh khênh cách mặt đất 1-1,5 m, chúng tôi không khỏi thán phục và… hồi hộp thay. Phải nói rằng họ là bậc thầy về nghệ thuật giữ thăng bằng, không khác gì làm xiếc.
Không có gì khó khăn với lũ trẻ làng Kon Măh khi đi trên đôi chân thứ 2 này, chúng có thể đá bóng thuần thục. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc.
Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, đường làng ngõ xóm quang quẻ, đôi cà kheo không còn được sử dụng như công năng ban đầu. Tuy vậy, chúng không rơi vào quên lãng mà được người làng giữ lại, biến thành một trò chơi tập thể, vừa thể hiện sự khéo léo, vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar.
Thêm vào đó, hiện nay trong các cuộc thi thể thao dân tộc thiểu số không thể thiếu bộ môn đi cà kheo. Để đảm bảo an toàn và phù hợp với yêu cầu thi thố, độ cao bàn đạp được hạ xuống, còn cách mặt đất chỉ khoảng nửa mét. Với sự sáng tạo không ngừng, đôi cà kheo luôn có chỗ đứng nhất định trong đời sống của người dân nơi đây.
Cũng như ông cha mình, lũ trẻ làng Kon Măh cứ thoăn thoắt đi lại trên đôi cà kheo như thể người ta dạo chơi. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng chúng còn vừa đi vừa gõ nhịp 2 đầu cà kheo vào nhau, tạo âm thanh vui tai. Càng sửng sốt khi chứng kiến các em rượt đuổi nhau ngoạn mục như… trên phim, cũng bằng "đôi chân thứ 2" ấy.
Nhỏ nhất trong số những đứa trẻ đang tập cà kheo trước sân nhà rông là em Ngâp (8 tuổi). Dáng người bé hạt tiêu khiến Ngâp trông cứ như đứa trẻ mới lên 5, nhưng em lại nhanh nhẹn, khéo léo lạ lùng. Thoắt cái Ngâp đã leo lên đôi cà kheo có vẻ hơi quá khổ nhưng em thuần thục di chuyển, chẳng biết sợ là gì.
Anh Tham - "kiện tướng" cà kheo của làng đang dạy bọn trẻ đá bóng với đôi chân đặc biệt. Ảnh: PD.
Thậm chí, khi chúng tôi thử ra "bài toán khó" là chơi bóng đá bằng cà kheo, Ngâp và các bạn lại vô cùng thích thú. Thì ra, với bọn trẻ làng, đây chẳng phải là thử thách gì mới lạ. Những "đôi chân" lêu nghêu thi nhau rượt đuổi theo trái bóng tròn, tranh nhau dẫn bóng rồi sút thẳng vào cầu môn trong tiếng reo hò, giữa bụi đất tung mù mịt.
Những "kiện tướng" cà kheo
Chuyện trò một lúc, anh Tham đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi biết anh chính là vận động viên nhiều thành tích nhất của làng Kon Măh ở bộ môn cà kheo.
Đã chứng kiến anh Tham chạy như gió bằng sự điềm tĩnh đến khó tin trên đôi sào tre, vậy mà khi về nhà anh, chúng tôi vẫn hết sức bất ngờ trước bộ huy chương "đếm không hết" của kiện tướng này. Gian phòng khách đơn sơ của gia đình anh không có gì khác ngoài…huy chương, bằng khen, giấy khen treo kín gần nửa bức tường gạch. Có tổng cộng 31 huy chương các loại qua 10 năm anh tham gia hội thao các dân tộc thiểu số, cả ở Gia Lai và toàn quốc.
Trong số này có đến 17 huy chương vàng; 12 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Chừng đó đủ thấy thành tích “khủng” của vận động viên cà kheo năm nay vừa chạm mốc 30 tuổi.
Đôi cà kheo không còn được sử dụng như công năng ban đầu, nhưng chúng không rơi vào quên lãng, mà được người làng biến thành trò chơi tập thể. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc.
Không lợi thế ở cự ly 100 m, song ở các cự ly đòi hỏi sức bền và ý chí như 400 m, 800 m thì anh Tham gần như không có đối thủ. Anh nói đáng nhớ nhất là lần tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ IX, khu vực II năm 2015, tổ chức tại TP Kon Tum. Lần đó, anh xuất sắc giành huy chương vàng ở cự ly 800 m trong sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả.
Nhưng khoảng 2 năm trước, anh bị té xe máy gãy tay, phải mổ bắt vít nên tạm thời ngừng thi đấu. Và một trong những lứa em út ở làng đang kế cận anh là Đêm, sinh năm 2002.
Chưa xong việc ruộng rẫy, nhưng Đêm vẫn tranh thủ gặp chúng tôi. Đêm tạt qua nhà, gom số huy chương của mình mang sang nhà anh Tham để cùng hàn huyên. Đêm nói trước kia, chưa bao giờ mình nghĩ đôi cà kheo đơn sơ lại có ngày đưa mình vượt khỏi làng, để đến các sân chơi thể thao lớn. Nhưng những chiếc huy chương anh Tham mang về đã khơi lên trong Đêm bao mơ ước.
Tuy chỉ mới tham gia thi đấu môn cà kheo vài năm trở lại đây, nhưng Đêm đã kịp "bỏ túi" 8 huy chương vàng trong tổng số 11 huy chương Đêm có ở bộ môn này. Gần đây nhất, tại nội dung thi cà kheo ở Tuần lễ hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) vào tháng 11/2022, Đêm lại giành huy chương vàng. Trước đó, tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII, khu vực II diễn ra ở TP Quảng Ngãi vào tháng 6/2022, Đêm cũng mang về thành tích cao nhất ở cự ly 400 m.
"Xing xơng" - một nét văn hóa độc đáo gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Bahnar xưa đang được nhiều người trẻ giữ gìn. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc.
"Đi thi vui lắm, được gặp gỡ nhiều dân tộc anh em, học hỏi nhiều kinh nghiệm nữa", Đêm nở nụ cười thật tươi, dù cũng từng vài bong gân khi tập luyện bộ môn đầy mạo hiểm.
Có tình yêu đích thực nào lại nặng màu toan tính?
Ông Phạm Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Chư Pah, cho biết huyện Chư Pah giờ chỉ có người dân xã Hà Tây duy trì phong trào chơi cà kheo. Trong số đó, Kon Măh là làng giàu thành tích nhất ở bộ môn này. Các vận động viên đạt giải cao như anh Tham, Đêm đã nhiều lần được đưa vào đội tuyển của tỉnh tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc.
Dù phải đọ sức với không ít vận động viên cũng có thế mạnh về cà kheo đến từ các tỉnh Tây Nguyên, đoàn Gia Lai thường xuyên mang về giải cao, dù việc tập luyện chỉ mang tính tự phát chứ chưa có đội, nhóm hoặc chế độ hỗ trợ cụ thể.
"Kiện tướng" cà kheo của làng Kon Măh và bộ sưu tập huy chương sau 10 năm tham gia thi đấu môn thể thao đặc biệt. Ảnh: PD.
Bây giờ, ở nhà anh Tham có đến 4 đôi cà kheo để dạy lũ trẻ trong làng. Dạy xong, anh cẩn thận cột lại, gác lên xà nhà, thỉnh thoảng lại mang ra buộc lại dây cao su cho chắc chắn. Anh nói nếu không vì đam mê thì mình khó mà dứt việc ruộng rẫy, nhất là khi vào mùa thu hoạch, để tham gia tập luyện, thi đấu với thời gian có khi đến nửa tháng trời.
Có tình yêu đích thực nào lại nặng màu toan tính? Tham trầm ngâm. Nhưng một thời gian nữa, nếu không có sự quan tâm, động viên xứng đáng, e rằng "xing xơng" - môn thể thao độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa này rồi sẽ mai một.
Huấn luyện viên Trần Thanh Duy - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai - cho biết hiện nay, phong trào chơi cà kheo vẫn đang được người dân một số huyện ở Gia Lai như Đức Cơ, Chư Păh, Đak Pơ, Phú Thiện, TP Pleiku lưu giữ. Tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc những năm gần đây, địa phương đều tuyển chọn vận động viên từ các huyện này này tham gia thi đấu chạy cà kheo. Và Gia Lai luôn dẫn đầu các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên ở môn này.