Đại úy Nguyễn Viết Chiển: Chúng ta chiến đấu bằng lý tưởng, bằng tinh thần và sự quả cảm vì nước, vì dân
Trò chuyện cùng thạc sĩ Chế Dạ Thảo trong chương trình Vali Cảm Xúc, Đại úy Nguyễn Viết Chiển kể lại thời kỳ kháng chiến kiên cường của dân tộc ta.
Trong tập 53 chương trình Vali Cảm Xúc vừa lên sóng với sự dẫn dắt của Thạc sĩ tâm lý Chế Dạ Thảo, khách mời đặc biệt đến với chương trình tuần này là Đại úy Nguyễn Viết Chiển, ông tham gia chiến đấu từ năm 18 tuổi, bên trong vali mang đến chương trình là một chiếc balo người lính đã cũ, cùng những kỷ vật gắn với lịch sử, mang nhiều kỷ niệm với ông.
Đại úy Nguyễn Viết Chiển trò chuyện trong chương trình Vali Cảm Xúc
Huân chương Kháng chiến Hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng ngay sau giải phóng chính là kỷ vật được Đại úy Nguyễn Viết Chiển luôn trân trọng. Thạc sĩ Chế Dạ Thảo xúc động và có chút bồi hồi khi được cầm trên tay món kỷ vật ý nghĩa. Ông Chiển chia sẻ: “Tôi hạnh phúc, hãnh diện vì đã hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân của mình đối với Đất nước, Nhân dân”. Đại úy Nguyễn Viết Chiển cho hay, còn nhiều đồng chí đồng đội khác có độ tuổi trẻ hơn ông. Thậm chí đến khi họ hy sinh thì mới biết được họ chưa tới 18 tuổi đã tình nguyện vào miền Nam chiến đấu.
Thạc sĩ Chế Dạ Thảo xúc động khi cầm kỷ vật của Đại úy Nguyễn Viết Chiển
“Tôi đi vào năm Mậu Thân 1968, đi tàu lửa từ Hà Nội vào đến Quảng Bình. Rồi chúng tôi đi bộ sang Lào vào đến Đông Nam Bộ là mất 6 tháng. Thời đó chúng tôi phải cắt rừng mà đi vì không có đường mòn, có khi băng suối, băng đồng mà đi. Lúc đó bộ đội ta dùng đồ nilon để lội suối, băng đồng không lo bị ướt, băng suối đi bộ khoảng 15 phút là quần áo khô ngay. Đường Trường Sơn mưa nhiều lắm, có nhiều muỗi và vắt. Cuộc kháng chiến của mình vô cùng vất vả, gian nan và những hi sinh không thể đếm được”, Đại úy Nguyễn Viết Chiển chia sẻ.
Đại úy cho biết thêm, trong những năm kháng chiến, có ngày ông phải đào công sự đến 3 lần để địch không phát hiện; phải liên tục thay đổi để tránh kẻ thù ném bom hoặc pháo bầy (bắn đồng loạt mấy trăm quả). Nhiều lần bộ đội hy sinh khi đối diện với B52 của kẻ địch. “15 phút rải bom một lần. Trận Bình Long năm đó hy sinh rất nhiều, ai cũng ở độ tuổi rất trẻ. Khi đó chung tôi còn đang học Đại học thôi. Tôi muốn gửi gắm tuổi trẻ sau này rằng luôn luôn phải biết ơn, luôn phải ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để Đất nước được thanh bình như ngày hôm nay”, Đại úy chia sẻ thêm.
Đại úy Nguyễn Viết Chiển
Những món đồ đặc biệt trong chiếc balo người lính khiến Chế Dạ Thảo liên tục xúc động. Nhắc lại một thời chiến đấu oanh liệt, Đại úy Nguyễn Viết Chiển cho biết ông và đồng đội không chỉ phải đối diện với kẻ thù, mà còn với thời tiết khắc nghiệt, cùng những cơn đói phải ăn lá rừng vì đội tiếp tế chưa kịp đến. Nhớ đến 3 lần tham gia chiến đấu, Đại úy cho biết cả 3 lần ông đều bị thương. Và cả 3 lần ông đều khóc rất nhiều vì phải chứng kiến đồng đội lần lượt hy sinh.
“Kẻ thù thì có vũ khí hiện đại, còn mình thì chiến đấu bằng những gì? Mình chiến đấu bằng lý tưởng, bằng tinh thần và bằng sự quả cảm. Mình vì Đất nước, vì Nhân dân mà chiến đấu”, Đại úy Nguyễn Viết Chiển khẳng định.
Chưa dừng lại những cống hiến, thời bình, sau khi về hưu thì Đại úy Nguyễn Viết Chiển tiếp tục trên hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đến nay, Đại úy đã xây được 1 nhà bia liệt sĩ cùng với 3 bia tưởng niệm tại 3 địa phương, mỗi bia có hơn 200 liệt sĩ. Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền lương của mình đều được Đại úy Nguyễn Viết Chiển dành cho các liệt sĩ. “Đó là cái tâm của tôi, ngày nào tôi còn sống là ngày đó tôi còn lo cho anh em”, Đại úy nói.
Chương trình Vali Cảm Xúc phát sóng lúc 19h30 Thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Công ty Truyền thông Bee thực hiện, với sự đồng hành của nhãn hàng vali, balo, túi xách cao cấp Sakos và được bảo trợ truyền thông bởi Trang thông tin điện tử Saobiz.vn.