Chút kỷ niệm với nhà văn Xuân Đài

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 16/2, nhà văn Xuân Đài lặng lẽ giã biệt cõi đời tại quê nhà. Biết rằng qui luật “Sinh, bệnh, lão, tử” nghiệt ngã nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng, thương tiếc.

Tôi biết nhà văn Xuân Đài qua cô Bội Trâm (1932-2010) vào năm 2007. Tôi mê Phùng Quán (1932 - 1995), mê chất thơ lẫn khí phách hào nghĩa của ông. Vài lần dự các buổi tiếp xúc, gặp gỡ của ông với công chúng, tôi chỉ dám mon men đứng gần và hóng chuyện. Nhà thơ thường mặc bộ đồ nâu, guốc mộc, chòm râu bạc như một tượng đài sống.

Mấy năm sau khi ông mất, qua Phạm Xuân Nguyên, tôi có điện thoại cho cô Bội Trâm, vợ nhà thơ và biết địa chỉ gia đình. Mỗi lần đi tour ra Hà Nội, tôi thường tranh thủ ghé nhà, thắp hương trước bàn thờ Phùng Quán. Có lần, tôi mạo muội thưa với bà Bội Trâm và trước bàn thờ, xin phép ông cho sửa lại một chút câu kết của bài thơ Hoa Sen mà tôi rất tâm đắc.

Bài thơ được kết bằng câu “Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!”. Tôi nghĩ, hoa sen không có lỗi, tác giả của mấy câu ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen…” cũng không có lỗi. Nhưng không ai cấm độc giả suy ngẫm, liên tưởng và phê phán hoa sen “phản trắc, dám chê bùn hôi, dù sen sinh ra, lớn lên và được bùn nuôi dưỡng”.

Tôi xin phép thay câu kết cực đoan của ông bằng câu 4 của bài ca dao phổ biến. Câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, thay bằng “Nhờ bùn nuôi dưỡng ngát thơm hương đời”. Nghe vậy, bà Bội Trâm chỉ cười và bảo “Cháu viết cũng có lý”. Vì mê Phùng Quán, tôi mê luôn những người luôn gắn bó, chia sẻ với những tháng năm bão giông của cuộc đời ông.

Nhà văn Xuân Đài là một trong 4 người dự “đám cưới” của Phùng Quán – Bội Trâm vào năm 1962. Qua cô Bội Trâm, tôi biết ông đang ở chung cư Nguyển Biểu, phường 1 quận 5; chung phường với tôi, cách văn phòng công ty Lửa Việt chỉ vài trăm mét. Tôi mang chút quà đến thăm, làm quen và trở thành người bạn nhỏ của ông.

Chút kỷ niệm với nhà văn Xuân Đài - 1

Nhà văn, nhà báo Xuân Đài (1936-2022)

Ông ở một mình. Căn phòng nhỏ nhưng tươm tất. Ngạc nhiên và ấn tượng nhất là bàn thờ gia tiên trang trọng ngay phòng khách. Ngoài ông bà, cha mẹ; bàn thờ có những người thân đặc biệt của ông như Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang (1913 - 2007), Phùng Cung (1928 - 1997), Tuân Nguyễn (1933 - 1983). Sau năm 2010, có thêm Vũ Bội Trâm.

Ngạn ngữ Anh có câu “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào?”. Ông ít nói về mình mà kể nhiều về những bạn bè ông tôn kính, quí mến. Ông bảo họ chết, chứ không mất, vẫn tồn tại và phù trợ ông trong nhiều tình huống. Giọng nhỏ nhẹ mà dứt khoát, phảng phất nhiều tâm tư, nụ cười đôn hậu, dáng nhanh nhẹn, đẹp lão của tuổi ngoài 70.

Ông nhận mình là nhà báo, trước khi nghỉ hưu làm ở đài Tiếng nói Việt Nam. Ông hăng hái tham gia các chương trình “Dã ngoại báo chí” của Lửa Việt, khám phá những điểm đến mới lạ. Cánh nhà báo trẻ rất quí “ông già gân” với những bài viết thực tế. Có mấy bạn tìm đến tận nhà, gọi ông là thầy vì được ông tận tình chỉ vẽ, hướng dẫn nghiệp vụ báo chí từ kinh nghiệm bản thân.

Trước mỗi bữa ăn, ông thường xin phép được uống 1 lon bia cho dễ tiêu. Ông ăn ít; chủ yếu là chuyện trò với người chung bàn. Ông luôn là người lớn tuổi nhất nhưng không câu nệ cách xưng hô. Mấy bạn trẻ gọi ông là chú, là thầy. Tôi gọi ông là anh, anh Cả; ông xem tôi như em út. Mỗi lần gặp ông là có thêm bao chuyện thú vị về làng văn, làng báo, về thời cuộc.

Chút kỷ niệm với nhà văn Xuân Đài - 2

Cuốn sách Phùng Quán và tôi của Xuân Đài là những ghi chép lâu nay về tình bạn thân thiết giữa ông và Phùng Quán

Dù ở gần nhà nhưng công việc lu bu nên có khi năm bảy tháng mới ghé thăm ông. Đôi lúc, ông tạt qua văn phòng, thăm anh em Lửa Việt. Có bận ông dời nhà lên Biên Hòa (Đồng Nai), bặt tin. Mấy năm không thể ghé nhà nhưng thi thoảng vẫn điện hỏi thăm. Năm 2019, ông lại dọn về chung cư Nguyễn Biểu. Sức khỏe giảm sút, đi lại hơi khó khăn, phải nhờ đứa cháu gái phụ dọn dẹp, cơm nước.

Hỏi thăm bạn bè mới hay cuộc đời ông cũng bão giông, lận đận. Từ những năm 1960, ông từng có thơ in chung với Tố Hữu, Chế Lan Viên. Ông từng đi Thanh niên xung phong, học lớp Báo chí khóa 1 (1961), làm báo nhiều nơi. Tôi tìm thấy ở ông nguồn tư liệu vô giá, tin cậy về văn học sử, về những người mình hết sức ngưỡng mộ, mà vì nhiều lý do, thông tin chính thống nhiều khi mờ mờ ảo ảo.

Hai năm nay, ông nói chuyện qua điện thoại khó khăn hơn. Mấy cuộc phỏng vấn đường xa, từ nước ngoài không thể thực hiện. Tôi vẫn nợ ông bài viết về bàn thờ gia tiên có một không hai trong phòng ông.

Biết rằng bánh xe thời gian nghiệt ngã và qui luật sinh tử không thể dừng lại nhưng tin ông rời cõi trần, về với tổ tiên, với những bạn bè chí cốt vẫn làm những người biết và yêu quý ông bàng hoàng. Ông chết nhưng không mất, vẫn để lại cho đời những đứa con tinh thần như Tuổi thơ kiếm sống, Hai người đàn ông và người đàn bà ở phố Hàng Đào, Ba người trong hẻm đuôi voi… Tôi thích nhất là các tác phẩm Chuyện cà kê và Tạ tội (thơ).

Tiếc là từ nay, đời vắng bóng một nguồn tư liệu sống, nhiều thông tin giá trị chưa kịp phổ biến. Đến cuối đời, tận lúc nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn sống cô độc, thanh đạm, nghèo khó, chịu đựng và lạc quan, không một lời than vãn. Biết trước mình không qua khỏi, ông chọn về quê nhà Hương Sơn, Hà Tĩnh yên nghỉ.

Dịch bệnh và đường xa cách trở, không thể đến tiễn ông lần cuối. Xin bái vọng từ xa. Mong ông về chốn vĩnh hằng thanh thản.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ

CLIP HOT