Chạy 42km dưới 2 giờ: Giới hạn của con người đã bị phá vỡ như thế nào?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 12/10/2019, Kipchoge trở thành người đầu tiên trong lịch sử chạy cự ly marathon dưới 2h, cụ thể là 1:59:40 để chứng minh một điều rằng No human is limited – Con người không có giới hạn.

Eliud Kipchoge sinh năm 1984 là một vận động viên chạy bộ người Kenya, người chiến thắng nội dung marathon tại Olympic Rio vào năm 2016, mới đây nhất là giữ vững thành tích Huy chương vàng tại Olympic Tokyo 2021 và là người giữ kỉ lục marathon thế giới với thời gian 2:01:39.

Kipchoge đã ba lần chiến thắng tại cả giải London Marathon và Berlin Marathon trong khoảng thời gian từ 2015 tới 2018. Được mô tả là “vận động viên marathon vĩ đại nhất của thời hiện đại”, và “vận động viên marathon vĩ đại nhất cho đến nay”.

Bộ phim Kipchoge – The last milestone 2021 (tạm dịch Kipchoge - Cột mốc cuối cùng) là một bộ phim tài liệu do Ridley Scott Creative Group sản xuất, dài 90 phút. Nội dung bộ phim tái hiện lại quá trình từ lúc tập luyện đến khi chinh phục cột mốc 1:59 ở Ineos 1:59 Challenge tại Vienna của Kipchoge vào tháng 10/2019.

Tuy nhiên, nếu như khi xem cuộc đua diễn ra, bạn chỉ biết đến một Kipchoge, thì khi xem bộ phim Kipchoge - The Last Milestone 2021 sẽ hiểu tường tận phía sau một cá nhân còn cả một đội ngũ các pacemarker, huấn luyện viên, nhà sản xuất, đơn vị tổ chức Ineos 1:59 Challenge…

Trên thực tế, tại Vienna vào ngày 12/10/2019, Kipchoge trở thành người đầu tiên trong lịch sử chạy cự ly marathon dưới 2h, cụ thể là 1:59:40, nhưng nỗ lực này không tạo thành Kỷ lục thế giới mới do thiết lập cụ thể của thử thách. Thứ nhất, đây không phải là một sự kiện mở.

Thứ hai, có quá nhiều can thiệp của công nghệ đến thử thách này: có một xe ô tô dẫn tốc sẽ chạy phía trước các runner, chiếu vạch sáng lazer xanh xuống đường để chỉ vị trí Kipchoge cần đuổi kịp để phá rào cản 2 giờ. Vạch sáng này cũng chia đường chạy cho các vận động viên pacemarker chạy dẫn tốc trong một đội hình được thiết kế để giảm sức cản của gió và tối đa hóa hiệu quả.

Chạy 42km dưới 2 giờ: Giới hạn của con người đã bị phá vỡ như thế nào? - 1

Xe ô tô chiếu lazer dẫn đường và dẫn tốc, cùng đội pacemarker xếp theo hình chữ Y giúp Kipchoge cản gió

Theo như bộ phim tài liệu này thì đội dẫn tốc của Kipchoge là một đội Elite tinh nhuệ đến từ nhiều quốc gia: 15 vận động viên Kenya, 7 người Mỹ, 6 người Uganda, ngoài ra còn có chân chạy đến từ Úc, NaUy, Ethiopia, Nhật. Tất cả họ tập trung hết kỹ năng chạy, sức mạnh và mọi thứ có thể, đoàn kết vì một người đàn ông mang tên Kipchoge.

Trong suốt quá trình chạy, đội hình của các pacemarker được dàn theo hình chữ Y. Tại sao lại là chữ Y mà không phải chữ V – đó là kết quả của một nghiên cứu khoa học vật lý về nguyên lý khí động học – theo đó đội hình chữ Y giúp lực cản của không khí tác động lên Kipchoge ở mức thấp nhất. Nguyên lý này thường được áp dụng trong bộ môn xe đạp, giờ đây được áp dụng vào đường chạy của Kipchoge, giúp anh cải thiện thành tích dù chỉ vài giây nhưng cũng cực kỳ giá trị.

Theo dõi đường chạy của Kipchoge trong Ineos 1:59 Challenge ở bộ phim tài liệu này còn cho khán giả biết thêm về nhiều yếu tố khác giúp anh giành chiến thắng như: đôi giày Nike được sản xuất riêng cho anh, chưa từng được sử dụng cho bất cứ vận động viên nào khác.

Hay chính con đường đua ở Vienna cũng là một con đường đạt mức lý tưởng nhất khi mỗi vòng đua dài khoảng 8km trên một đại lộ thẳng tắp đi qua một vòng xuyến để quay đầu. Chỗ vòng xuyến này cũng được Ban tổ chức cải tạo đạt độ nghiêng lý tưởng, giúp tiết kiệm thời gian vài giây khi chạy ở khúc cua.

Hay việc đổi người của đội dẫn tốc cũng phải cực kỳ cẩn thận, chuyên nghiệp để vẫn đảm bảo việc giữ tốc độ cho Kipchoge, không để xảy ra sai sót dẫn đến chấn thương. Hoặc như việc tiếp năng lượng cho Kipchoge cũng phải tính toán tỉ mỉ đến từng miligam, có một người đạp xe theo suốt quãng đường để đưa nước, đồ ăn dinh dưỡng cho anh ấy, đồng thời nhặt về từng vỏ chai để cân đo đong đếm xem tiếp theo cần bao nhiêu năng lượng.

Đó là lý do mà kỷ lục của Eliud Kipchoge không được công nhận là kỷ lục thế giới. Nhưng bất chấp tất cả, những gì Kipghoge làm được đã chứng tỏ một điều: No human is limited - Con người không có giới hạn.

Thành tích của Kipchoge là điều mà người ta dự đoán sau 50-70 năm nữa con người mới có thể thực hiện được. Dựa trên những phân tích khoa học, các chỉ số về thành tích chạy bộ… Nhưng Kipchoge đã làm được nhờ sự giúp đỡ của nhiều người mà trên hết là chính sự nỗ lực, kỷ luật của bản thân anh.

Tại sao lại là kỷ luật? Vì đoạn đầu phim tài liệu đã dành một thời lượng dài nói về thời gian 2 năm mà Kipchoge cùng các elite dành ra trong trại tập huấn Kaptagat ở Kenya, tập đi tập lại các bài tập cùng đội và huấn luận viên – cũng chính là thần tượng của anh từ bé: Patrick Sang. Họ tập, ăn uống, ngủ nghỉ theo giáo án, giữ kỷ luật tập luyện và quyết tâm suốt 2 năm trời.

Chạy 42km dưới 2 giờ: Giới hạn của con người đã bị phá vỡ như thế nào? - 2

Kipchoge cùng các elite tập luyện trong trại tập huấn Kaptagat ở Kenya

“Tôi luôn tâm đắc với một triết lý - đó là triết lý về việc leo cây: Chúng ta leo từng cành từng cành. Khi qua được một cành, chúng ta phải nắm lấy cành tiếp theo và thử xem cứng hay không rồi mới leo tiếp. Tất cả các giải đấu đã qua đều cho tôi những bài học quý giá. Phá kỷ lục marathon thế giới, Huy chương vàng Olympic, nhưng những điều tốt đẹp vẫn còn ở phía trước. Đó chính là lý do tôi khao khát chạy marathon dưới 2 giờ”

Eliud Kipchoge

Cuộc chạy marathon Ineos 1:59 Challenge của Kipchoge được truyền hình trực tiếp ở Vienna, ở quê nhà Kenya, ở gần 160 quốc gia trên thế giới, hàng trăm ngàn người đã có mặt ở đường đua Vienna trực tiếp xem và cổ vũ anh.

Chạy 42km dưới 2 giờ: Giới hạn của con người đã bị phá vỡ như thế nào? - 3

Kipchoge chuẩn bị về đích ở Ineos 1:59 Challenge

Bộ phim tài liệu Kipchoge - The last milestone 2021 mãn nhãn khán giả bởi cảnh quay đẹp được thực hiện tại Kenya và Vienna, đồng thời mang đến vô số thông tin xung quanh thử thách có một không hai của Kipchoge: quá trình tập luyện, đội hỗ trợ, huấn luyện viên, cách rèn luyện tâm lý của Kipchoge…

Chạy 42km dưới 2 giờ: Giới hạn của con người đã bị phá vỡ như thế nào? - 4

Khoảnh khắc vinh quang và xúc động khi cán đích

Phim sử dụng âm nhạc tạo ra cảm xúc tuyệt vời, tạo được sự đồng cảm cho người xem. Đặc biệt tôi tin rằng những ai yêu thể thao, đặc biệt là các runner yêu chạy bộ đều sẽ tìm thấy động lực to lớn khi xem bộ phim này – một sự xúc động khó mà giải thích được – giống như tôi, bất giác rơm rớm nước mắt khi nhìn Kipchoge chuẩn bị bước vào cuộc đua.

Cùng với quyển sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của nhà văn – kiêm runner Haruki Murakami, thì bộ phim tài liệu Kipchoge - The last milestone 2021 sẽ là hai bảo bối mà tôi nghĩ bất kì ai cũng nên đọc/xem lại nhiều lần để có thêm động lực, thêm cảm xúc để chinh phục nhiều thử thách mới trên con đường theo đuổi bộ môn chạy bộ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT