Câu chuyện sống động về Sài Gòn xưa
“Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” tập hợp những bài viết của nhà báo Cù Mai Công về TP.HCM trong hai thời kỳ: đô thành Sài Gòn phồn hoa trước năm 1975 và Gia Định thời “rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch”.
Mỗi bài viết trong “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” như một kết hợp giữa tạp bút và biên khảo, khi kỷ niệm riêng của những cá nhân được đan xen với tư liệu lịch sử dày dặn, sắc nét. Từng bài viết về đường phố, khu chợ, hàng cây… là một mảnh ghép ký ức sinh động, thấm đẫm hơi thở cũ xưa và cảm giác hoài niệm về Sài Gòn - Gia Định một thuở.
Trong phần 1, “Sài Gòn là thương”, tác giả kể về Sài Gòn trong giai đoạn Pháp thuộc cho đến trước năm 1975. “Sài Gòn đối với thế hệ trước 1975 là bánh mì chợ Cũ, là hình ảnh tà áo dài thướt tha trên con đường Duy Tân ‘cây dài bóng mát’, là thanh âm của những bản nhạc bolero trên đài phát thanh hằng đêm, là giờ giới nghiêm khi thành phố chìm vào tĩnh lặng”, tác giả mở đầu cuốn sách.
Nhiều địa danh, nhân vật lịch sử và văn hoá của thành phố giai đoạn này được tác giả điểm qua thật sự sinh động và hấp dẫn. Đó là ngôi chợ Bến Thành bao lần long đong dời đổi, có lúc bị hủy diệt, là Chợ Cũ hơn một thế kỷ sầm uất trên… vỉa hè với thịt quay bánh mì, cơm thố và cà phê dĩa; đó là đường Catinat (nay là Đồng Khởi), Charner (nay là Nguyễn Huệ) - “đại lộ cà phê”, “phố bánh mì” đầu tiên của Sài Gòn,; hay các trường Kiến trúc, Luật khoa cũ với “khung trời đại học” nổi tiếng trong thi ca…
Còn trong phần 2, “Gia Định là nhớ”, tác giả lùi mốc thời gian về xa hơn, thời điểm 300 năm trước, “một thời mà nơi đây vẫn còn là rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch”. Để từ đây, bạn đọc như chiêm ngưỡng những thước phim lịch sử hấp dẫn về những biến động thuở vùng đất mới hình thành: những cơn binh lửa hồi thế kỷ 18; trận chiến bi tráng chống Pháp tại thành Gia Định năm 1859…
Bản đồ Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn
Sách còn trình bày về công tác quy hoạch vùng Gia Định qua các thời kỳ: Từ những nét vẽ trục lộ đầu tiên của một người Việt; các thách thức quy hoạch mà người Pháp từng đối mặt; cho đến việc Sài Gòn đã không còn theo ý muốn của nhà quy hoạch từ giữa thập niên 1960 ra sao.
Tại sao giữa khu trung tâm được người Pháp quy hoạch vuông vức lại có những con đường không theo trật tự nào? Từ khi nào mà những khu ổ chuột xuất hiện bên cạnh những công trình hoa lệ của “hòn ngọc Viễn Đông”? Bạn đọc sẽ hiểu được phần nào nguồn cội lịch sử cho các vấn đề hạ tầng mà thành phố ngày nay phải đối diện.