ĐƯỜNG TA, TA CỨ ĐI
Nét mực thẳng ắt đau lòng gỗ
Lời nói ngay, trái lỗ tai người
(Ca dao)
Mấy chục năm hoạt động âm nhạc, ngồi thống kê lại, mới cảm thấy mình là một trong những Nhạc sĩ đạt nhiều giải thưởng âm nhạc, từ ca khúc, hợp xướng đến những công trình sưu tầm và nghiên cứu dân ca.
Nếu tham dự những cuộc thi thì phải chấp nhận: Học tài thi phận. Ông bà ta đã từng nói:
Nếu ai hạng nhất thì tôi hạng nhì
Còn ai hơn nữa thì tôi hạng ba
Chưa hay thì nhận giải ca ca (khuyến khích)
Không may bị loại đừng có la om sòm!
Có một vài trường hợp, ca khúc mình dự thi thế nào cũng được chấm giải cao, nào ngờ bị “giáng” xuống giải thấp lè tè. Trái lại có những bài mình góp mặt cho vui thì lại đoạt giải cao. Cho nên, ở đời, chớ có “thần thánh hóa” mấy ông Hội đồng Giám khảo, có khi họ thẩm định sai tuốt tuồn tuột. Bởi vì, họ vẫn là “người phàm mắt tục”, giống như mấy ông trọng tài bóng đá, thổi còi, rút thẻ vàng, thẻ đỏ có lúc đúng, lúc sai… làm xoay chiều kết quả của một trận đấu!
Không mấy ai dám đoán trước rằng những bài đoạt giải cao sẽ sống dai dẳng lâu bền, còn những bài đoạt giải khiêm tốn thì sẽ… chết yểu. Chỉ có thời gian mới kiểm nghiệm một cách tương đối rõ ràng. Hai bài hát được đánh giá giải ba, nhưng trải qua hàng chục năm vẫn được phổ biến rộng khắp. Đó là Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ (của Triều Dâng) và Dấu chân phía trước (thơ: Hồ Thi Ca, nhạc: Phạm Minh Tuấn).
Ngày 10 tháng 12 năm 1998, tôi nhận được thư mời của Ban Tổ chức xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam vui mừng báo tin: tác phẩm ca khúc Bài ca Đất Phương Nam (lời: Lê Giang) của nhạc sĩ đã trúng Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1998. Trân trọng kính mời Nhạc sĩ tới dự Lễ trao giải thưởng tổ chức tại 81, Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh, hồi 14 giờ ngày 20.12.1998
Tôi mừng húm, được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì “oách” lắm đấy! Nhưng sao tôi còn lưỡng lự, nghĩ tới nghĩ lui để rồi vội vàng viết một lá đơn:
Kính gửi: NS – GS. Trọng Bằng, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1998.
Theo đề nghị của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp – Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng xét giải thưởng Văn học Nghệ thuật của TP.Hồ Chí Minh… tôi xin rút lại tác phẩm “Bài ca Đất Phương Nam” ra khỏi diện xét giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, để có thể dự xét giải thưởng nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh.
Do quy định của UBND TP.HCM chỉ xét giải thưởng cho những tác phẩm chưa hề được giải ở bất kỳ địa phương nào, kể cả Trung ương!?
Thành thật xin lỗi cùng Ông Chủ tịch Trọng Bằng. Mong ông thông cảm, chấp nhận ý kiến của tôi, bởi tôi là cư dân TP.HCM.
Ngày 15.12.1998
Mấy ngày sau, tôi nhận được quyết định tặng giải thưởng âm nhạc năm 1998 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho những tác giả và tác phẩm, trong đó có Bài ca Đất Phương Nam của tôi (lời: Lê Giang) được Giải Nhì.
Có người khuyên tôi hãy nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam vì nó có giá trị và vinh dự hơn. Và có nhiều người động viên tôi nên nhận giải thưởng của TP.Hồ Chí Minh, vì đây là lần đầu tiên 5 năm mới có một lần. Nhạc sĩ P.H.Đ., thành viên của Ban Giám Khảo, tiết lộ “bí mật”: Mình phải đấu tranh quyết liệt, bảo vệ quan điểm đến cùng mới đạt giải nhì Bài ca Đất Phương Nam.
Không phải chúng tôi ham tiền giữa 5 triệu với 20 triệu, mà có lẽ chạm tự ái chăng?
Đến năm 2001, cùng với 42 Nhạc sĩ, tôi được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về Văn học nghệ thuật, với hai ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn và Bài ca Đất Phương Nam; ba cuốn sách: Dân ca người Việt Nam ở Nam Bộ, Dân ca Đồng Tháp và 250 Điệu lý quê hương.
Bấy giờ mỗi giải thưởng được 15 triệu, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh tặng thêm 3 triệu nữa. Tôi nghĩ rằng đây là phần thưởng xứng đáng đối với một đời sáng tác, chớ có mộng mơ gì nữa!
Hãy gắng sức cống hiến cho đời được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nào ngờ, cuối tháng 11 năm 2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi cho Lư Nhất Vũ, Quang Hải, Phạm Minh Tuấn… thư mời và Thông báo tiêu chí nhằm hoàn thiện hồ sơ tham dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh(!?), trong chục ngày phải gửi ra Hội nào là sơ yếu lý lịch, tóm tắt quá trình hoạt động âm nhạc, thống kê các tác phẩm trong mấy chục năm qua, chạy ra, chạy ra Phường công chứng các quyết định Bằng khen, Huy chương, Huân chương, Bằng chứng nhận các giải thưởng của địa phương và trung ương, các tổng phổ, các CD, DVD, các công trình đã in thành sách (từ 2005 về trước). Mỗi thứ gửi ra làm bốn bộ. Tôi phải gửi ra nhiều đợt bằng mấy thùng tài liệu, tốn hết 3 triệu đồng. Thôi thì coi như có dịp để mình tổng kết một giai đoạn sáng tác và nghiên cứu. Chứ những quy định bắt buộc của cấp trên như vậy thì không khéo sẽ hành hạ, tra tấn những tác giả tham dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước!?
Theo quy định, ai đã nhận Giải thưởng Nhà Nước năm 2001 mà năm nay (2010) muốn tham dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh thì chỉ tính những tác phẩm đã công bố từ năm 2005 trở về trước, và phải “loại trừ” 5 tác phẩm đã nhận Giải thưởng Nhà Nước cách đây 10 năm. Quy định này rất hài hước và thiếu khoa học! Tôi dư định tham dự đăng ký 5 tác phẩm như sau:
- Hò trong dân ca Người Việt (2004)
- Hát ru Việt Nam (2005)
- Nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác (1972) và Hòn Khoai (1974)
- Hợp xướng Khởi Nghĩa Nam Kỳ (2005)
- Chùm ca khúc: Lời ru của Mẹ (1976), Hãy yên lòng, Mẹ ơi (1978), Bên tượng đài Bác Hồ (1978), Lời ru sau cơn giông (1991), Bình Dương nơi mẹ sinh ta (1998).
Thế nhưng, Ban Thư ký của Hội đồng cơ sở chọn ra 5 tác phẩm
- Hò trong dân ca Người Việt (647 trang)
- Hát ru Việt Nam (569 trang, gồm 24 tôc người – Giải Nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam)
- Lời ru của Mẹ (thơ: Vũ Ngàn Chi – Giải Nhất về đề tài thống nhất đất nước, do Hội Văn nghệ Giải Phóng tổ chức)
- Mẹ gánh nước (thơ Nguyễn Lan Dung – Giải nhì – Không có giải Nhất , do Đài TH. TP HCM tổ chức)
- Về thăm lại Điện Biên (Giải nhất do báo SGGP tổ chức)
Ngày 19.12.2010, ba thành viên của Hội đồng cơ sở bay ra Hà Nội để làm việc. Đó là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Ca Lê Thuần và Trần Long Ẩn. Ngày 21.12.2010, tôi và nhạc sĩ Thế Bảo cũng bay ra Hà Nội để chấm Giải thưởng Âm nhạc 2010 về chuyên ngành Nghiên cứu – Lý luận. Chúng tôi đều ở nhà khách của Quốc Hội, cùng ăn tại quán cơm tấm Mộc, sáng sáng cùng nhâm nhi tách cà phê xứ sở Hà Thành. Vì nguyên tắc bí mật, nên chúng tôi chẳng hề trao đổi gì về kết quả chấm giải. Thật buồn tình là giữa ba thành viên này đối với tôi và Thế Bảo dường như vùa quen quen vừa xa lạ(!?)
Đến đầu năm mới 2011, tôi nhận được thư báo tin do Ông Chủ tịch Hội đồng cơ sở ký tên. Nội dung dại khái như vầy:
“Hội đồng cơ sở đã làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công tâm tuyệt đối, công khai trao đổi, tiến tới đồng thuận nghiêm túc, không thành kiến, tị hiềm… rồi mới tiến hành bỏ phiếu kín. Rất tiếc là số phiếu của nhạc sĩ không đạt ¾ nên bị loại, do đó không được chuyển hồ sơ lên Hội đồng cấp trên được. Chúc nhạc sĩ và gia đình sức khỏe và hạnh phúc. Năm mới có nhiều tác phẩm hứa hẹn hơn”…
Ở đời cái chuyện “lên voi xuống chó” đã trở thành bình thường. Mình thi rớt đã đành, vẫn còn hy vọng Quang Hải và Phạm Minh Tuấn. Không ngờ hai ông này cũng như mình đều trớt quớt kèo dù. Rồi rộ lên ì xèo vụ khiếu kiện của 5 nhạc sĩ ở Hà Nội. Bàn tới bàn lui, người ta chỉ chấp nhận nhạc sĩ Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê, và loại các Nhạc sĩ Doãn Tiến, Thập Nhất, Phi Liệt. Không giải quyết đơn khiếu kiện của 3 Nhạc sĩ: Thế song, Đoàn Bổng và Lê Việt Hòa.
Lại thêm 5 Nhạc sĩ như Triều dâng, Trần Viết Bính, Trương Tuyết Mai, Văn Thành Nho và Phan Long…cùng đến tòa soạn Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ để bày tỏ nỗi bức xúc của mình. Họ cho rằng Hội đồng cơ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm việc mờ ám, tắc trách và thiếu tôn trọng tác giả (!?) Cái vụ lùm xùm này rồi cũng trôi qua.
Tôi rất “tâm phục khẩu phục” Hội đồng này chỉ cần 3 ngày thôi mà đã thẩm định hơn 70 hồ sơ để đi đến phán quyết, chọn ra 28 tác giả chuyển lên Hội đồng cấp trên xét duyệt. Đặc biệt 2 cuốn sách của chúng tôi là Hò trong dân ca Việt (dày 647 trang) và Hát ru Việt Nam (dày 569 trang), vị chi là 1.261 trang, vậy mà họ đọc một cái vèo, rồi sổ toẹt tuốt tuồn tuột khiến chúng tôi vô cùng “bái phục”.
Tôi thiết nghĩ nếu tác giả nào đã nhận Giải thưởng Nhà Nước rồi, thì một thời gian sau (khoảng 5 hoặc 10 năm) mà đăng ký tham dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, thì phải tính tất cả các tác phẩm trong một đời hoạt động âm nhạc của họ, những tác phẩm đã từng gắn bó, tạo nên tên tuổi của từng nhạc sĩ.
Nói tóm lại, đội ngũ “đi thi” vừa gồm những Nhạc sĩ: Quang Hải, Hoàng Hà, Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn, Trần Viết Bính, Triều Dâng, Thế Bảo, Hà Sâm, Trương Tuyết Mai, Văn Thành Nho, Phan Long, Thập Nhất… đáng lý ra họ trở thành “Lục Vân Tiên”, ai dè biến thành những Bùi Kiệm trên dặm đường ra Kinh Kỳ…
Thôi thì… nghĩ sao nói vậy, chớ “Những người Nghệ sĩ vốn dòng hào kiệt”, cho nên tốt nhất là “Đường ta, ta cứ đi!”
Lưu Nhất Vũ
(Trích tự truyện: Lưu Nhất Vũ: “Ngày ấy đã qua rồi” – NXB Trẻ ấn hành và phát hành quý IV/2012)