Du lịch tuột dốc vì “chặt chém”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chuyện “chặt chém” du khách đang là câu chuyện nóng tại nhiều địa phương trong cả nước, không chỉ ảnh hưởng đến du lịch của các địa phương mà còn làm xấu hình ảnh quốc gia.

Du lịch tuột dốc vì “chặt chém” - 1

Làm thế nào để chống “chặt chém” du khách là một trong những nội dung của hội thảo “Môi trường du lịch TP Vũng Tàu” do Hội Nhà báo, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức sáng 11-5. Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện của riêng địa phương này khi số lượng du khách tố cáo bị “chặt chém” ngày càng nhiều.

“Thượng đế” thiệt thòi, bức xúc

Tại hội thảo, ông Trần Tuấn Việt, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thừa nhận nạn “chặt chém” tại TP Vũng Tàu đã và đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận. Ông Việt đã chỉ ra những chiêu trò, thủ đoạn của các quán ăn “chặt chém”. Trước hết là những quán ăn này không niêm yết giá hoặc niêm yết giá một cách chung chung. Đến khi khách ăn xong thì giá thực tế phải trả cao gấp nhiều lần so với thực đơn. Khi cự nự, du khách được chủ quán hay nhân viên quán “chặt chém” giải thích với hàng chục lý do khác nhau và tùy thuộc vào “mặt” khách. Ngoài ra còn có các chiêu trò cân điêu, ăn gian trọng lượng hải sản.

Những quán ăn “chặt chém” còn tung ra một đội ngũ “cò mồi” chạy xe máy, phát tờ rơi và mời gọi nhiệt tình. Đội ngũ này cùng với đội ngũ taxi, xe ôm đưa khách đến quán “chặt chém” sẽ được chủ quán chi hoa hồng đến 20-30%. “Quán “chặt chém” được tiền, “cò mồi”, tài xế taxi, xe ôm cũng có tiền, cuối cùng sự thiệt thòi và bực tức dành cho những thượng đế - du khách” - ông Việt kết luận.

Các đại biểu cũng nêu ra thực trạng một số khách sạn, nhà nghỉ tư nhân lấy giá phòng cao gấp nhiều lần vào dịp lễ, tết so với ngày thường. Chưa hết, sự cạnh tranh giữa các khu du lịch cũng dẫn đến tình trạng giành giật khách không lành mạnh. Đó là việc những khu du lịch chi hoa hồng hậu hĩnh cho tài xế khi họ chở du khách đến nghỉ ngơi, ăn uống. “Ở đây có một phần do sự quản lý lỏng lẻo hay chưa xử lý đến nơi đến chốn nên làm các cơ sở kinh doanh kiểu chụp giật bị lờn thuốc” - ông Việt chỉ ra. Một đại biểu khác nói thẳng nếu không có biện pháp quyết liệt và hữu hiệu, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phải đối mặt với thực tế: du khách quay lưng, bất lực đứng nhìn ngành du lịch tuột dốc.

Nên đóng cửa các cơ sở “chặt chém”

Tại hội thảo, ông Vũ Hoàng - tổng biên tập tạp chí Du Lịch TP.HCM - đưa ra giải pháp chống “chặt chém” bằng cách nêu lên ví dụ điển hình tại TP Hội An (Quảng Nam). Theo ông Hoàng, sở dĩ du khách đến với đô thị cổ này như được về nhà mình, được cư dân địa phương giúp đỡ, đường phố thân thiết, mọi người đều vui cười, lạc quan là bởi người dân địa phương đồng tình cùng chính quyền địa phương. Theo ông Hoàng, mối quan hệ hữu cơ, thân thiết giữa chính quyền, người dân sở tại và du khách. Từ đó, ông Hoàng kiến nghị để lấy lòng du khách, TP Vũng Tàu cần cập nhật thông tin cho nhiều cơ quan, tạo ra sức mạnh, sự đồng thuận của toàn xã hội. Đồng thời, phải kịp thời xử lý những doanh nghiệp vi phạm.

Ông Trần Tuấn Việt cũng đưa ra đề xuất là phải xác định được hàng hóa, dịch vụ với giá cao đến mức nào thì bị quy là “chặt chém”. Ngoài ra, phải xử lý một cách kiên quyết, triệt để buộc chủ cơ sở kinh doanh đóng cửa vài năm hoặc vĩnh viễn mới có tính răn đe. Nghiêm trọng hơn thì cần truy tố chủ quán về hành vi lừa đảo khách hàng. “Trước vấn nạn đã đến mức báo động đỏ đối với ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rất cần sự kiên quyết, dám nghĩ, dám làm của những người có trách nhiệm” - ông Việt nói.

Bà Trương Thị Hường, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết sau khi báo chí phản ánh các vụ việc du khách bị “chặt chém”, TP đã siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra và làm nhiều việc để chống “chặt chém”. Cụ thể, TP đã dựng panô công bố số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ảnh khi bị lấy giá cao; bêu tên những cơ sở, quán ăn “chặt chém”.

Theo bà Hường, từ bảy quán nằm trong địa chỉ “đen” nay Vũng Tàu chỉ còn hai quán và từ hai, ba năm trở lại không phát sinh thêm quán “chặt chém” nào. Tuy nhiên, bà Hường thừa nhận thực trạng này vẫn còn những tiềm ẩn tiêu cực, do đó đòi hỏi chính quyền và các ngành, các cấp tiếp tục kiểm tra, giám sát mạnh mẽ.

“Mỗi dịp lễ, tết, Vũng Tàu đón hàng trăm ngàn du khách và có rất nhiều địa chỉ du lịch tin cậy. Một vài quán “chặt chém” chỉ là những hạt sạn, những con sâu làm rầu nồi canh. TP và những ngành chức năng kiên quyết xử lý triệt để những quán ăn kiểu này” - bà Hường nói. Trong khi đó, theo ông Việt, trước thực trạng đáng báo động về nạn “cò mồi”, “chặt chém” du khách, nếu những người làm du lịch chân chính, cơ quan quản lý nhà nước không tìm ra hướng đi đúng, hướng giải quyết triệt để thì ngành du lịch địa phương này chắc chắn sẽ bị tuột dốc.

Trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, TP Vũng Tàu đã xử phạt 101 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng, trong đó bảy địa chỉ “đen” có dấu hiệu gian lận, “chặt chém” như báo chí phản ánh bị phạt hơn 80 triệu đồng.

ĐÔNG HÀ

(Báo Tuổi trẻ Chủ nhật, 12.5.2013)

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT