TỊ NẠN GIỐNG NHƯ ĐI…DU LỊCH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vấn nạn người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi đã trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo mang tính toàn cầu. Người tị nạn chạy từ nước này sang nước khác như đi…du lịch.

 TỊ NẠN GIỐNG NHƯ ĐI…DU LỊCH - 1

 Không quan tâm đến thảm hoạ của những cận tôn giáo, chủng tộc?

Chờ mãi mới thấy một tỉ phú Ả-rập sẵn sàng mở rộng vòng tay đón người nhập cư Trung Đông dù đề xuất của ông ta khó khả thi. Ngày 1.9, tỉ phú Naguib Sawiris, người Ai Cập đưa lên mạng xã hội Twitter lời hứa sẽ tìm mua một hòn đảo ở Hy Lạp hay Ý để làm nơi tiếp nhận người nhập cư và biến nó thành quê hương mới của mình mà không bắt họ phải thanh toán một khoản tiền nào cả. Thậm chí ông còn đề nghị thành lập một “công quốc tí hon” tạm thời có tên Hope cho đến lúc các công dân của nó có cơ hội trở về đất nước mình. Phản ứng trên mạng xã hội đối với sáng kiến hào phóng của Sawiris đa phần là tích cực. Vì có ai dám chỉ trích một công dân thế giới giàu có sẵn sàng mở vòng tay đón nhận những người cơ nhỡ trong khi nhiều chính phủ do dự không biết phải làm gì để tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng người tị nạn mà điểm dừng không thể dự báo. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng và giới ngoại giao có một câu hỏi quan trọng hơn: Các nước Ả-rập đứng ở vị trí nào trong suốt cuộc nội chiến Syria khiến hàng triệu người phải đào thoát sang các nước láng giềng? Chỉ có hai nước Ả-rập duy nhất tiếp nhận họ. đó là Jordan và Lebanon với nền kinh tế yếu và khả năng tài chính rất giới hạn.

TỊ NẠN GIỐNG NHƯ ĐI…DU LỊCH - 2

Trong khi đó, các nước Ả-rập giàu có chỉ cung cấp viện trợ cho dân tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon. Ngoài ra, họ hầu như không có không có kế hoạch lớn nào để tạo ra sự khác biệt lớn. Hãy thử cân đo sức mạnh tài chính của “5 ông lớn” dầu hoả ở Trung Đông: Saudi Arabia, Kuwait, Các tiểu vương Ả rập Thống nhất (UAE), Qatar và Bahrain. GDP cộng lại của 5 ông là 2.000 tỉ USD/năm cho một dân số cộng dồn có 55 triệu người! Thu nhập hàng năm tính theo đầu người của nước “nghèo” nhất nhóm, Bahrain đạt hơn 21.000 USD và của nước giàu nhất nhóm, Qatar, là 90.000 USD. Thật không khó để tưởng tượng rằng chỉ cần 5% GDP của “5 ông lớn” cộng lại, tức 100 tỉ USD cũng đủ để đảo ngược cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay. Với số tiền này họ có thể tạo ra nơi cư trú an toàn cho người tị nạn trên mảnh đất họ kiểm soát hoặc chuyển cho các nước cưu mang người tị nạn thay họ. Khi hàng ngàn người Syria và nước khác đổ vào Áo, người ta bắt đầu so sánh tiềm năng của Áo và UAE. Hai nước cùng dân số, khoảng 10 triệu và GDP xấp xỉ 400 tỉ USD. Áo là một nước giàu tại châu Âu với GDP đầu người là 50.000 USD, cao hơn 43.000 USD của UAE. Nhưng Áo đã cho người tị nạn không cùng chủng tộc và tôn giáo vào nhà mình, trong khi chưa có ông lớn nào trong “top 5” trên cho người tị nạn Syria bước qua biên giới của họ. Hy vọng vào việc mở cửa nhà có thể là quá lớn vì trong quá khứ chưa có người Syria, Iraq hay Li-băng nào được “top 5” này cấp visa tạm thời đến làm việc tại đất nước họ. Tuy nhiên họ không bị chỉ trích nhiều mà đa phần chỉ trích nhắm vào các nước phương Tây. Đặt toan tính của các chính phủ sang một bên, hãy nhìn lại phản ứng chung của các tổ chức phi chính phủ và nhân đạo về cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay. Trong khi ở phương Tây, có khá nhiều tổ chức và công dân áp lực chính phủ hãy đón nhận người tị nạn thì tại các nước giàu Ả-rập, người ta không hề thấy có cuộc biểu tình nào hay tiếng nói nào để hối thúc chính phủ tiếp nhận những người cùng tôn giáo hay cận chủng tộc với mình. Kêu gọi viện trợ và tìm ra các giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề cũng không. Nhiều chính phủ Ả rập không sợ công nhân nhập cư Ấn Độ và Pakistan vì họ được xem là “người nước ngoài”, không cùng ngôn ngữ; nhưng đón nhận người tị nạn Trung Đông có thể dẫn đến các vấn đề lớn sau này, thậm chí mất đất và mất tài sản. Bảo vệ quyền lực và tài sản khỏi thất thoát vào tay người nhập cư Trung Đông là ưu tiên số 1 của nhóm nước giàu Ả rập. Trong trường hợp này, ổn định chính trị được ưu tiên hơn lòng nhân đạo và vị tha tôn giáo. Một xã hội mỏng manh như Saudi Arabia rất lo sợ mất ổn định. Nếu thừa nhận những mối lo này là đúng, có người vẫn tự hỏi tại sao 5 ông lớn với tổng GDP 2.000 tỉ USD lại không thể trích ra một khoản đáng kể để giúp tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tị nạn? Câu trả lời là tiền có thể rơi vào những kẻ khủng bố đối lốt tị nạn để sau này chúng quay về tấn công chính phủ đã cưu mang chúng.

TỊ NẠN GIỐNG NHƯ ĐI…DU LỊCH - 3

Toan tính của nước Đức

Nhưng không chỉ có các nước giàu Ả-rập mới so đo trên sinh mệnh người tị nạn mà châu Âu nói riêng và phương Tây cũng thế. Mỗi nước có phương án riêng, và yếu tố nhân đạo thường chỉ chiếm một hàm lượng khiêm tốn. Lý do chính vẫn là sợ đưa khủng bố về nhà và sợ mất công ăn việc làm của người dân. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker đã công bố dự thảo gây tranh cãi kêu gọi phân bổ người tị nạn khắp 28 nước châu Âu. Dù Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho biết nước ông có thể đón nhận 500.000 người nhập cư mỗi năm trong nhiều năm tới thì các các lãnh đạo Đức và Thuỵ Điển vẫn tiếp tục áp lực các nước EU khác noi gương mình, ít ra là cân bằng với dân số và sự giàu có.

Trong khi hàng trăm người Đức cầm tấm biển “Chào đón Người tị nạn” thì điều đó không có nghĩa là họ vì lòng nhân đạo đơn thuần. “Đức là nước duy nhất đón nhận chúng tôi một cách vô điều kiện” - Alalie, 37 tuổi, một người nhập cư đến từ Damascus, Syria nói khi anh cùng hàng người tị nạn đến nhà ga xe lửa chính của thành phố Munich. Gần như tất cả họ đều đến từ Hungary, đất nước có chính sách kiểm soát chặt chẽ người tị nạn vì muốn bảo vệ triệt để tinh thần Cơ đốc giáo, dù dân số giảm dần nên rất cần thêm lao động nhập cư. Rõ ràng, châu Âu bị phân chia lớn trong cuộc khủng hoảng người tị nạn mà nguyên nhân đầu tiên là dân số chứ không phải lòng hảo tâm. Nước Đức đang rơi vào tình trạng lão hoá nhanh nên cần thêm nhiều công nhân đến từ bên ngoài, kể cả lao động phổ thông được đào tạo sau. Những nước ít áp lực về dân số lão hoá, cánh cửa sẽ không mở hoặc mở hẹp hơn nhiều đối với người tị nạn. Bản đồ dân số châu Âu đã cho thấy nước nào cần đến người tị nạn cho phát triển tương lai. Theo ước tính, đến năm 2060, sẽ chỉ còn từ 68-73 triệu người sống ở Đức so với 81 triệu hiện nay. Hãng sản xuất xe hơi Volkswagen AG cho biết doanh lợi của hãng bị giảm 16% trong Quí 2/2015 vì không tuyển được công nhân. Hiện nay nước Đức thiếu rất nhiều công nhân có tay nghề và trẻ. Các công ty không thể tuyển hàng trăm ngàn lao động vì không có người xin việc. Ông Dieter Zetsche, giám đốc hãng chế tạo xe hơi Daimler nói với một tờ báo: “Đa phần người tị nạn có học thức và khát khao lao động để nuôi sống mình và gia đình. Họ chính là những người chúng tôi muốn tìm”. Tính bình quân, cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu trẻ hơn 8 năm so với các cộng đồng khác tại châu Âu (khào sát của Pew Research Center). Daimler và các công ty chế tạo Đức “thèm khát” người tị nạn đến nỗi đã cử người đến tận các trại tị nạn để tìm lao động vì sợ “chậm chân sẽ hết”. Một trang web đầu tiên tuyển dụng người nhập cư Trung Đông  đã được thành lập để người tuyển dụng và người cần việc có thể đến với nhau. Tiếp nhận người tị nạn cũng có lợi cho xã hội Đức như một tổng thể. Hệ thống an sinh xã hội hào phóng nhất của nước này có nguy cơ phả sản vì cứ 3 người trong độ tuổi lao động có khả năng đóng thuế lại phải nuôi một người về hưu! Đến năm 2060, tỉ lệ này sẽ là 2 nuôi 1 (khảo sát của EC). Trong một bào cáo mới đây, Astrid Ziebarth, giám đốc công ty nghiên cứu và tham vấn German Marshall Fund xem phản ứng nhanh nhạy của Đức trước vấn đề người tị nạn là dựa vào “thực tế chứ không phải lý tưởng”. Cũng có nhiều người Đức muốn cưu mang người tị nạn về lý do đạo đức nhưng lý do kinh tế vẫn chiếm vị trí quan trọng trong những cuộc tranh luận chính trị tương lai, đặc biệt là khi lượng người tị nạn đạt đến mức đủ để chiếm mất công ăn việc làm của người Đức. Khi đó có người lo sợ là “thảm hoạ Do Thái mới” sẽ được lập lại, ví nói gì thì nói, ý thức “thuần chủng” của người Đức vẫn còn rất cao.

Và phản ứng của các nước khác

Thuỵ Điển cũng là nước châu Âu đón nhận sớm người tị nạn nhưng lý do không giống Đức. Nếu chia người tị nạn cho dân số, Thuỵ Điển nhận nhiều người tị nạn nhất châu Âu dù dân số Thuỵ Điển không giảm. Là nước có lịch sử chào đón người tị nạn nên phản ứng của chính phủ Thuỵ Điển là có thể hiểu được. Dù chính phủ cho phép người tị nạn làm việc ngay nhưng cơ hội để họ có một việc làm lâu dài là rất thấp. Gần phân nửa người Thuỵ Điển sinh ở nước ngoài tuổi từ 25-64 đang thất nghiệp. “Chúng tôi không có đủ công việc cho lao động phổ thông” - Tino Sanandaji, nhà kinh tế Thuỵ Điển làm việc cho Viện Nghiên cứu Kinh tế Công nghiệp (RIIE) phát biểu trên kênh TH Al Jazeera tiếng Anh. Trái lại, đa số công việc nước Đức cần là tại các xưởng máy không đòi hỏi kiến thức nhiều và dễ đào tạo. “Muốn xin việc tại Thuỵ Điển bạn phải nói tiếng Thuỵ Điển thông thạo và tốt nghiệp các trường hạng cao tai châu Âu” – một nhà quan sát nói. Vương quốc Anh thuộc số nước có thành phần dân số đa dạng và ổn định nhất châu Âu. Tiên đoán đến năm 2060 Anh sẽ là nước đông dân nhất châu Âu nhờ lượng người nhập cư (không chỉ có tị nạn) được tiếp nhận đều đặn và có sinh suất cao hơn các nước láng giềng. Bất chấp các nỗ lực của Đức để thu hút người tị nạn và sự do dự của nước Anh, theo EC, đến năm 2060, nước Anh sẽ có 14% dân số là người nhập cư so với 9% của Đức. Tuần đầu tháng 9 khi có 20.000 dân tị nạn Syria đến Munich thì tại Anh cũng có số người như thế nộp đơn xin định cư trong 5 năm tới. Phản ứng đối với khủng hoảng tị nạn của chính phủ Anh được đa số dân chúng tán đồng vì họ lo sợ cạnh tranh công việc. Pháp là nước khá thận trọng trong việc tiếp nhận người nhập cư và là một trong vài nước châu Âu có dân số tiếp tục tăng nhờ sinh suất cao và có nhiều người xin định cư. Xã hội Pháp đang chịu nhiều xung đột, đặc biệt là tại những khu vực có đông người nhập cư nghèo. Xung đột chủng tộc luôn là cảnh báo của nước Pháp khi cảnh sát và binh lính vẫn phải tuần tra thường xuyên trong nhiều tháng qua để đề phòng phá hoại. Việc tấn công các giáo đường, siêu thị Do Thái và toà soạn một tờ báo biếm là ví dụ. Chính phủ chưa thể xoá tan được nghi ngờ giữa cộng đồng nhập cư ngày một đông và đa số người da trắng. Dù người Hồi giáo chỉ chiến 7,5% dân số Pháp nhưng chính trị gia bảo thủ Jean-Francois Cope, hiện là chủ tịch đảng lớn UMP party, từng cảnh báo vào năm 2012: “Tại Pháp có những nơi trẻ con không thể ăn chocolate vì tháng chay Ramadan của người theo đạo Hồi”. Nhiều người nhập cư cảm thấy bị bỏ rơi như “công dân hạng 2”. Những chương trình hành động giúp đỡ con cái người nhập cư thoát nghèo khó thực hiện tại Pháp hơn tại Mỹ vì thống kê của Pháp không hiển thị, chủng tộc, tôn giáo của công dân nên rất khó sàng lọc. Trái với nước Pháp, nhiều nước Đông Âu đối mặt với việc suy giảm dân số nhưng vẫn từ chối nhận thêm người tị nạn, như Hungary chẳng hạn. Thủ tướng Hungary tuyên bố thẳng thừng là ông kiên quyết bảo vệ người Thiên chúa giáo châu Âu trước dòng thác tị nạn Hồi giáo. Ông cảnh báo về hệ quả tương lai nếu châu Âu cứ đối phó với người tị nạn một cách thiếu khôn ngoan. Tiên đoán đến năm 2030, dân số Hungary sẽ giảm 5,8% và Hungary thuộc số nước có đà suy giảm dân số nhanh nhất châu Âu. Những nước khác như Slovakia còn tệ hơn với lời cảnh báo: “Ngày Slovakia phải trông cậy chủ yếu vào lao động nước ngoài sắp đến!”. Tuy nhiên, Slovakia chỉ chấp nhận người tị nạn Thiên chúa giáo. Estonia và Bulgaria cũng hạn chế người tị nạn Hồi giáo dù dân số giảm. Ngày 10.9, Đan Mạch đã cho đóng cửa các tuyến xe lửa và đường nối với Đức để ngăn chặn hàng trăm người tị nạn không muốn sống ở Đức mà tìm đường vào Thuỵ Điển. Trong khi đó tại Mỹ đang có lời kêu gọi từ các tổ chức và cá nhân về việc tăng thêm số người tị nạn Syria vào Mỹ. Hiện Mỹ giới hạn người tị nạn Syria được nhập cư vào Mỹ là 1.500/năm, quá nhỏ so với hàng triệu người phải trốn khỏi đất nước. Ông Josh Earnest, bí thư Nhà trắng tuyên bố: “Cộng đồng thế giới đang muốn Mỹ có những bước đi cần thiết để giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Đề nghị này sẽ được đáp ứng”. Uỷ ban Di trú và Tị nạn Mỹ (USCRI) phi chính phủ muốn Tổng thống Barack Obama nâng số người tị nạn Syria vào Mỹ lên 100.000 người Syria trong năm tới và tạo thêm cơ hội cho những người tị nạn khác. Hiện phía Mỹ đã cung cấp 4 tỉ USD (khoản tiền hiến tặng lớn nhất của một nước) để cải thiện điều kiện sinh sống của người tị nạn tại các trại tạm cư ở châu Âu và đang xem xét rót tiền thêm nữa. Quay sang Úc, Thủ tướng Tony Abbott (đã mất chức) hứa sẽ nhận thêm 12.000 người tị nạn Syria từ các cộng đồng bị ngược đãi, tăng nhiều so với 13.750 dự trù cho năm 2015. Tại Canada chính phủ của Thủ tướng đảng Bảo thủ Stephen Harper sắp mãn nhiệm cũng đang chịu áp lực phải nhận thêm người tị nạn nữa thay vì chỉ 20.000 người mỗi năm vào năm 2020.

LÊ TÂY SƠN

Theo The New York Times và The Economist 9.2015)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT