SÀI GÒN - XỨ SỞ ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Nhớ lại đêm Sài Gòn tấp nập trong dịp Kỷ niệm 300 năm hồi 1998, tôi ngồi quán nước trên sân thượng khách sạn Rex nhìn xuống đường phố đông, người xe nườm nượp, không hiểu sao tự nhiên có cái tâm trạng của một người vừa như muốn cho phép mình hòa nhập vào bầu không khí lễ hội, nhưng vừa e ngại muốn đứng bên lề. Hình ảnh đêm Giáng sinh tưng bừng của Sài Gòn ba mươi mấy năm trước đó và cậu học trò tỉnh lẻ lần đầu tiên lạc loài trong thành phố mênh mông bỗng dưng hiện lên trong trí tưởng. Trải mấy chục năm rồi giờ đây bản thân mình đã hãnh diện được thuộc về Sài Gòn yêu mến, nhưng liệu Sài Gòn đã chịu “thuộc về” mình chưa? Và tôi không tìm ra được một cơ sở nào để thuyết phục mình tự tin bộc lộ tình cảm trân trọng và tha thiết ấy. Chỉ ngồi nghĩ lan man đến những câu thơ Nguyên Sa trong “Tám phố Sài Gòn”, hay lời nhạc Y Vân “Sài Gòn đẹp lắm”, thế thôi
Mãi lâu về sau mới nhớ ra, vậy mà tính đến ngày hôm lễ hội mình đã gắn bó với thành phố này được hơn mười phần trăm lịch sử của nó rồi! Đành hẹn lại, sẽ có ngày chuộc lỗi cho sự vô tâm đó! Đến nay, tính ra cũng chẵn ngày chẵn tháng – bước sang năm 2013 là Sài Gòn được 315 năm - bèn viết mấy dòng coi như “nhàn đàm” về một miền đất nghĩa tình.
Ở đâu thì không biết, chứ đối với người Quảng Nam, từ lâu rồi, Sài Gòn xa xôi đã trở nên gần gũi cũng giống như một miền quê ngoại: trong suy nghĩ của những con người nghèo khó nhưng đầy ý chí của quê tôi có lẽ ai cũng có cùng một hướng để nhìn, một nơi để đến, khi nuôi dạy con cái hình như bậc cha mẹ nào cũng thường nghĩ đến Sài Gòn - miền đất hứa - như đã ngầm bảo “Cố gắng học đi con, rồi lớn lên cha mẹ sẽ gửi về nhà ngoại.” Thật vậy, biết bao thế hệ khi lớn lên thì từ miền Trung vào Sài Gòn học hành, lập nghiệp. Không phải vì “Sài Gòn cám dỗ anh chưa muốn về” như tâm sự (!) của thi sĩ Bùi Giáng, mà vì Sài Gòn đã bảo bọc, chở che cho họ có cuộc sống vững vàng, nhiều cơ hội thăng tiến. Cách đây hai mươi năm, một bạn trẻ, tốt nghiệp bằng đỏ ở Đại học Huế, có thể ở lại trường làm giảng viên, nhưng xác định phải sống ở Sài Gòn mới có cơ hội phát triển được, lúc ấy vào nhờ tôi xin làm chân sửa bài cho một tờ tuần tin, vậy mà nay là một tiến sĩ, đã làm chủ một trường cao đẳng lớn, có sự nghiệp nghe nói đến vài trăm tỷ! Xưa chỉ có địa bàn Bảy Hiền là một cộng đồng rặt dân Quảng Nam, còn sau này ở khu vực nào, lãnh vực nào cũng có, và các quán mì Quảng, cơm gà thì mọc lên nhan nhản! Có thời kỳ một tờ tuần báo số phát hành lớn nhất, nhìn đi ngó lại toàn “đồng hương của tôi” đến nỗi có người gọi đùa ở đó là Quảng Nam “xứ”, lại có tờ nhật báo lớn mà anh em nói đùa muốn xin vào làm thì ngoài các loại bằng cấp thông thường, còn phải kèm Chứng chỉ C tiếng… Quảng, nếu không sẽ gặp tình trạng bất đồng ngôn ngữ!
Mà nào phải chỉ đối với dân Quảng hay người gốc miền Trung, Sài Gòn không hề từ chối một ai! Trong lịch sử gần thôi, Sài Gòn đã đón bao nhiêu đợt “Nam tiến”. Những người gốc miền Bắc đổ vào làm ăn từ 1930, sau đó là thời điểm đất nước tạm chia đôi 1954, rồi đến một cột mốc khác là ngày thống nhất 1975. Hàng hàng lớp lớp người từ phía Bắc đã vào đây! Lạ một điều là số lượng người đến bao nhiêu Sài Gòn cũng đều dung nạp hết, mà đã ở đây rồi thì “bén rễ xanh cây” cũng không ai chịu về! Trong khi đó người Sài Gòn ít thấy ai bỏ đi chỗ khác làm ăn, đặc biệt là ít có ai đi trở ra Trung, ra Bắc. Dễ nhận ra nhất là ngay ở thủ đô Hà Nội cũng thật khó tìm thấy cơ nghiệp kinh doanh nào của người Sài Gòn.
Không có ý trách ai, nhưng tôi trộm nghĩ đối với một Sài Gòn hào hiệp, một Sài Gòn bao dung như thế, mà ngược lại những kẻ ăn nhờ ở đậu lắm khi lại quá vô tình! Tuy đã đến ở là không chịu về, nhưng ít ai nghĩ mình đã thành người bản địa, trong khi người ta lại luôn tự hào hay tưởng nhớ về một quê hương khác, hình như sang trọng hơn, hay chí ít cũng lãng mạn, tao nhã hơn!
Như những đồng hương của tôi ngoài chuyện tự hào về tinh thần hiếu học, tinh thần đấu tranh - đâu phải nơi khác không hiếu học, không đấu tranh - vẫn luôn hãnh diện nhắc nhở về quê mình như là nơi sản sinh ra “vô thiên lũng” những người có khả năng viết báo, làm thơ, thậm chí cả ca hát nữa, và điều sau cùng này thật hết sức bất ngờ: người Quảng Nam đang sở hữu những giọng ca hạng vơ-đét đối với đủ loại đối tượng công chúng khác nhau, từ Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ, Lê Cát Trọng Lý… Xin mở ngoặc đơn nói thêm hai điều, thứ nhất là đối với quê tôi không có khái niệm người Đà Nẵng, chỉ có người Quảng Nam đang sống trên địa giới hành chánh Đà Nẵng thôi! Và điều thứ hai để góp phần lý giải hiện tượng “bất ngờ” ở trên có thể nhắc đến một ý kiến... bất ngờ: tiếng Quảng Nam nói dở và quê quá nên muốn có người nghe mình thì phải hát, do đó mà có nhiều người hát hay!
Còn với người Huế chẳng hạn, cũng ở đây rất nhiều, nhất là trước 1975, nhưng những người con quý phái của đất thần kinh cũng không dễ dàng gì hội nhập, vì cái nguyên quán cố đô có lẽ vẫn phân biệt họ với những con người cởi mở khoáng đạt ở miền đất mới này một khi họ còn cảm thấy trong “lòng ta là những hàng thành quách cũ”. Và dù có đang sống xa quê nhà thì họ vẫn luôn lớn lên trong điệu hát: “Huế là thơ, Huế là mơ” hay trong âm hưởng “tiếng xưa” cùng “non nước Hương Bình... lưu luyến bao tình”!
Nhưng đáng nói nhất là với bao thế hệ người Hà Nội. Hình ảnh Tháp Rùa, Thê Húc, cũng như bao ngõ ngách của ba sáu phố phường đã vào đây từ thời tiền chiến, đã âm thầm làm thành một phần cái nền mơ mộng cho ngay cả dân bản địa rồi, thì làm sao ngăn được những tình hoài hương, những hồi ức ấu thời, khi phải “rời xa thành đô yêu dấu”. Họa hoằn lắm mới thấy một hình ảnh quen thuộc như “Chim én vẫn bay đầy trời trên đường phố Sài Gòn” trong thơ Thanh Tâm Tuyền, hay mới được nghe Phạm Duy qua một chi tiết đầy ước lệ: “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.
Phải chăng trước hết là tại vì cái thành phố thân yêu này không có được vẻ thơ mộng đủ sức làm rung động cho ngay cả những tâm hồn nhạy cảm nhất là hạng văn nghệ sĩ. Đôi khi nghĩ về Sài Gòn tôi chợt liên tưởng tới cái khuôn mặt “đầy đặn” tròn trịa của cô Thúy Vân hạnh phúc, suốt đời không trải qua bão tố, thành ra cũng ít được quan tâm hơn nếu đem so sánh với bao cảnh gian truân của cô Thúy Kiều sắc sảo, hay với nỗi u sầu thê thiết khiến nàng cung nữ đẹp não lòng người của Ôn Như còn run sợ hơn là đối đầu cùng gươm giáo[1]. Như vậy, có phải vì khuôn mặt Sài Gòn thiếu cả hai yếu tố thông thường để thành tựu cho người ta một nguồn cảm xúc hoặc một niềm ngưỡng mộ: Sài Gòn đã “phi sơn thủy” mà cũng lại “bất phong sương”?[2]
Hay còn tại vì cái yếu tố tâm lý phổ biến là người ta vẫn thường chỉ nghĩ đến, nhớ về những gì mình đang mơ ước hoặc ngược lại đã đánh mất đi, chứ ít khi dành những tình cảm xứng đáng cho những gì đang nằm trong tầm tay, hoặc cho những gì sở hữu lâu ngày khiến đã thành một chuyện đương nhiên. Vì thế trong kho tàng văn chương - chỉ nói ở Việt Nam thôi cho dễ - giữa cơ man nào những bài thơ ca ngợi tình yêu, ta không ngạc nhiên khi chỉ thấy mỗi mình Trần Tế Xương có một bài thơ “Thương vợ”!
Tôi nghĩ về Sài Gòn đẹp đẽ, hào hiệp, xưa nay đã luôn cưu mang, bảo bọc tôi, đồng hương tôi, và những đồng bào ngụ cư khác, bằng sự ghi nhận sâu sắc giống như khi cụ Tú Xương một hôm bỗng nhận ra công đức âm thầm mà lớn lao biết mấy của vợ mình. Nhưng có điều chỉ xin cụ Tú miễn cho sự đồng cảm trọn vẹn với cái câu thúc - câu thứ 7 - trong bài bát cú đó[3] vì dẫu cho có áy náy, ân hận về sự vô tình đến mức bạc bẽo của bản thân thì cụ cũng không nên vì vậy mà thác lời bà Tú thể hiện nỗi lòng oán trách sâu cay đối với mình, để làm cho người ta nghĩ sai về tính cách của bà, người vợ suốt đời rộng lượng, bao dung. Giống như hình ảnh Sài Gòn rộng lượng, bao dung của tôi vậy.
L.N.Đ
(Ảnh: Hữu Long - Hoàng Thái Sơn)
-----------------------------------------------
1. Giết nhau chẳng cái lưu cầu
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa? (Nguyễn Gia Thiều)
2. Văn phi sơn thủy vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài. (Trần Bích San)
3.Cha mẹ thói đời ăn ở bạc! (Trần Tế Xương)