Những người săn sư tử cuối cùng
Với những người Maasai, giết sư tử được xem như cách thể hiện lòng dũng cảm. Dù vậy, nhiều yếu tố tác động đã khiến truyền thống này không còn mạnh mẽ như xưa.
Khi Meiteranga Kamunu Saitoti còn nhỏ, anh đã mơ được tự tay giết một con sư tử. Saitoti lớn lên ở miền Nam Kenya, nơi sinh sống chủ yếu của những người Maasai. Thời ấy, sư tử ở khắp nơi.
Những người Maasai định cư trong khu vực công viên quốc gia Amboseli, nơi nổi tiếng là điểm quan sát cuộc sống hoang dã tốt nhất thế giới. Sư tử, voi và đủ loại động vật khác tự do di chuyển trong khu vực. Không có rào chắn nào ngăn cách chúng với vùng đất nơi Saitoti sinh sống.
Cuộc sống không ranh giới
Bên trong Amboseli, đàn voi đắm mình trong những đầm lầy xanh thẳm. Những con mèo lớn, linh cẩu rình rập linh dương đầu bò, trâu rừng. Xa hơn, đàn sư tử quanh quẩn ở nơi sống của những người Maasai.
Đây là cảnh tượng quen thuộc ở Amboseli cũng như nhiều vùng nông thôn khác ở châu Phi. Sư tử và những kẻ săn mồi khác không phân chia ranh giới với con người. Cuộc sống như vậy không thể tránh khỏi những lần đổ máu.
Amboseli là nơi những người Maasai sống cùng động vật hoang dã suốt nhiều thế kỷ.
Từ nhiều thế kỷ trước, người Maasai đã chia sẻ vùng đất này với sư tử. Họ không run sợ trước loài vật được xem là chúa tể rừng xanh. Người Maasai tự nhận mình giống sư tử - cao quý, mạnh mẽ và đáng sợ. Ngoài ra, họ cũng xem sư tử là thước đo tối thượng cho lòng dũng cảm.
Khi người đàn ông Maasai đến tuổi trưởng thành, anh ta cần chứng minh mình là chiến binh thực thụ. Để làm điều đó, anh ta sẽ giết chết một con sư tử.
Saitoti hiểu rõ điều đó từ khi còn trẻ. Người trong gia đình thường kể anh nghe về những chiến binh săn sư tử. Họ đặt kỳ vọng lớn lên đôi vai Saitoti. Cha, chú của anh từng giết được 15 con sư tử. Không lý gì Saitoti không thể làm điều đó.
Năm 19 tuổi, Saitoti giết được con sư tử đầu tiên. Nó là một con sư tử cái. Anh cùng một đội chiến binh rình rập nó trong bụi rậm trước khi kết liễu bằng giáo ở cự ly gần.
Saitoti giết con sư tử đầu tiên khi 19 tuổi.
Cuộc chiến của người Maasai không giống trò chơi săn thú trong giới nhà giàu - những người giữ mình an toàn và bắn chết sư tử bằng súng. Họ, những người Maasai, chiến đấu với chúa sơn lâm bằng tay không. Điều đó đòi hỏi lòng can đảm không phải ai cũng sở hữu.
Những cuộc săn sư tử của người Maasai không diễn ra thường xuyên. Do đó, những con sư tử họ giết không thực sự ảnh hưởng đến số lượng sư tử nói chung.
Từ lần đầu năm 19 tuổi, Saitoti đã giết thêm 4 con sư tử nữa. Anh được xem là một trong những chiến binh Massai giỏi nhất trong thế hệ này. Người dân Massai coi Saitoti như người hùng thực thụ. Việc tranh giành sự sống với sư tử đã trở nên quen thuộc với Saitoti. Anh không nghĩ tới và cũng chẳng muốn một thế giới nơi sư tử không còn tồn tại.
"Nếu ngày đó xảy ra, thật sự sẽ rất tồi tệ. Tiếng gầm của sư tử là phước lành của tự nhiên", anh nói.
Từ kẻ đi săn trở thành người bảo vệ
Năm 2006, dân số Massai trong khu vực Amboseli tăng lên 35.000 người. Tuy nhiên, số sư tử chỉ còn vỏn vẹn 100 con.
Không còn không gian hoạt động, động vật hoang dã cũng bớt dần, sư tử bắt đầu giết gia súc của người Maasai nhiều hơn bao giờ hết. Đáp lại, những chiến binh Maasai cũng đứng lên tiêu diệt chúng. Riêng trong năm 2006, người Massai đã giết chết 42 con sư tử. Lượng sư tử bị giết quá cao khiến chính quyền chú ý.
"Hồi tôi còn nhỏ, sư tử rất nhiều. Sau này, chúng tôi gần như đã xóa sổ chúng", Saitoti nói.
Dù vậy, vào thời điểm đó, Saitoti không quan tâm nhiều đến thế. Bất chấp văn hóa săn sư tử của người Massai đã tồn tại nhiều thế hệ, chính quyền Kenya không cho phép điều đó. Từ năm 1977, việc giết sư tử và các hoạt động săn bắn khác bị xem là bất hợp pháp ở Kenya.
Đội "hộ vệ sư tử" của người Maasai.
Sau khi giết con sư tử thứ 4 vào năm 2006, Saitoti bị bắt và nộp phạt 70.000 shilling Kenya (khoảng 650 USD). Anh ngồi tù trong thời gian ngắn rồi được thả. Một thời gian sau, Saitoti phát hiện vài con bò của mình đã "không cánh mà bay". Anh khẳng định chúng bị sư tử giết.
Saitoti lại vác giáo đi trả thù chúng. Anh theo dõi 2 con sư tử trong bụi rậm. Sau vài giờ, Saitoti tiến sát chỗ con sư tử đực đang ngủ và dùng giáo đâm xuyên ngực nó. Anh mổ bụng nó để tìm bằng chứng đây là con sư tử đã giết bò của mình. Dù vậy, kết quả đã khiến Saitoti thất thần: trong bụng con sư tử trống rỗng.
Biết mình đã giết nhầm con sư tử vô tội, Saitoti quay lại nói với những người Maasai trẻ khác mình không muốn ăn mừng. Bờm, đuôi sư tử là những chiến tích quan trọng. Chỉ cần đem chúng về, Saitoti sẽ càng được mọi người trọng vọng. Tuy nhiên, trong lòng anh chỉ có sự thất vọng đang siết chặt. Saitoti để xác con sư tử trong bụi cây, chán nản bước về nhà mà không nói với ai một lời.
Từ lần đó, Saitoti không còn muốn cầm giáo lên chiến đấu với sư tử. Khi những người Massai trẻ vác giáo đi săn, anh chọn cách ở nhà. Lâu dần, Saitoti từ người hùng trở thành trò cười trong mắt cộng đồng. Họ gọi anh là kẻ hèn nhát. Dù đau lòng, Saitoti vẫn nhất quyết không cầm giáo lên thêm lần nào nữa. Anh biết mình đã giết con sư tử cuối cùng trong đời.
Trong thời gian này, Saitoti biết đến chương trình bảo tồn động vật hoang dã ở Amboseli có tên "Người bảo vệ sư tử". Những người tổ chức muốn chính những chiến binh Maasai trẻ từng giết sư tử bảo vệ chúng cũng như cộng đồng Maasai. Saitoti đã đi phỏng vấn và được chọn.
Khi nhận hồ sơ từ Saitoti, những người đứng đầu biết họ đã tìm được gương mặt sáng giá. Một chiến binh nổi tiếng với kinh nghiệm săn sư tử như anh sẽ đưa chiến dịch đến thành công.
Họ sử dụng kỹ năng để bảo vệ cộng đồng cũng như sư tử.
Giờ đây, thay vì sử dụng kỹ năng theo dõi để giết sư tử, Saitoti dùng những gì mình biết để bảo vệ chúng. Một đội như Saitoti sẽ theo dõi những con bò và người chăn gia súc bị lạc để giúp đỡ họ. Saitoti cũng cảnh báo những người khác tránh xa khu vực có sư tử. Anh vẫn bảo vệ cộng đồng Maasai của mình như trước. Chỉ khác ở chỗ, thay vì dùng giáo giết sư tử, Saitoti giờ giúp người Maasai tránh xa chúng.
"Ngăn chặn một cuộc săn sư tử khó hơn nhiều so với việc đối mặt với sư tử", anh chia sẻ.
Con sư tử cái đặc biệt
Trong lần nhận nhiệm vụ đầu tiên với tư cách người bảo vệ, Saitoti khiến nhiều người khó hiểu khi tập trung vào một con sư tử cái. Không ai hiểu vì sao anh lại quan tâm nó đến thế. Buổi đêm hôm đó, anh cùng bạn đồng hành Dolrenry đã gắn cho con sư tử một chiếc vòng định vị trước khi thả nó đi.
Theo truyền thống của người Maasai, khi chiến binh giết được con sư tử đầu tên, họ sẽ nhận một "cái tên sư tử" đi theo suốt cuộc đời. Tên sư tử của Saitoti là Meiteranga (nghĩa là người đầu tiên). Giờ đây, thay vì đặt tên cho người giết sư tử, Saitoti và những người Maasai khác lại đặt tên cho sư tử.
"Các cộng đồng dần thương tiếc những con sư tử hơn. Chúng đều có tên riêng và cả câu chuyện đằng sau", anh nói.
Số lượng sư tử ngày một tăng và những vụ giết sư tử cũng ít đi.
Con sư tử cái Saitoti đeo vòng định vị cho được đặt tên là Nosieki. Sau này, anh mới kể Nosieki chính là con của con sư tử đầu tiên Saitoti giết khi mới 19 tuổi. Anh đã giết mẹ của Nosieki và giờ thề sẽ bảo vệ con gái nó.
Saitoti tâm sự: "Trước đây, tôi giết sư tử vì truyền thống, để chứng minh mình là chiến binh thực thụ. Giờ đây, tôi cũng hạnh phúc khi cứu những con sư tử như lúc cầm giáo giết chúng".
Các "hộ vệ sư tử" như Saitoti đã đem lại nhiều dấu hiệu tích cực trong khu vực. Từ năm 2007 khi chiến dịch bắt đầu với chỉ 5 người, đến nay, các vụ giết sư tử đã giảm đi nhanh chóng. Trong năm 2018, không có con sư tử nào bị giết trong khu vực những hộ vệ này hoạt động. Ở các khu vực không có hộ vệ, số sư tử bị giết là 15.
Ngoài ra, số người làm việc như Saitoti cũng tăng lên đáng kể. Hiện nay, họ có 40 hộ vệ và tổng số sư tử cũng tăng 3 lần. Với Saitoti, sau khoảng một thập kỷ rưỡi làm nghề, anh đã quyết định nghỉ hưu và ở nhà chăn nuôi gia súc. Saitoti vẫn truyền lại kiến thức cho những lớp chiến binh Maasai trẻ để thay mình tiếp tục bảo vệ đàn sư tử ngoài kia.
Với hệ sinh thái phong phú, cảnh quan hùng vĩ, bề dày lịch sử văn hóa cùng các khu nghỉ dưỡng thời thượng, châu Phi đang...