Giữa thành phố sôi động bậc nhất cả nước, làng nghề đan lát xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi dần trở nên vắng lặng và có nguy cơ mai một
Từ xa xưa, làng nghề đan lát mây, tre Thái Mỹ ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đã rất phát triển. Hơn 100 năm qua, làng nghề này được xem là cái nôi của các sản phẩm làm từ tre, trúc. Ở thời kỳ đỉnh cao, làng nghề có hơn 100 hộ dân với hàng ngàn người lao động thành thạo các kỹ năng đan lát các sản phẩm từ mây, tre, trúc.
Để có nguyên liệu sản xuất, người dân tận dụng những khoảnh đất trống quanh nhà, sau vườn, ngoài đồng để trồng tre, trúc. Khi cây trưởng thành, họ chặt về làm nguyên liệu đan với rất nhiều công đoạn khác nhau như cưa, róc tre thành từng phần nhỏ theo chiều dọc, rồi chẻ nan và đan.
Tre được phơi nắng trong vài ngày sau khi được chẻ thành từng thanh nhỏ. Thay vì phương pháp thủ công trước kia, người dân trong làng giờ đây đã ứng dụng máy móc, tăng năng suất sản phẩm.
Vành thúng, sọt được mang phơi khô trước khi đan. Trải qua nhiều năm tháng, dù làng nghề mây, tre đan có nhiều thăng trầm nhưng vẫn luôn phát triển sản phẩm mây, tre đan mang đậm nét văn hóa Việt.
Một sản phẩm mây, tre đan từ đơn giản đến phức tạp đều phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trong ảnh: Tre được kết nối trong những công đoạn đầu tiên
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông thôn làm cho những làng nghề có nhiều biến đổi. Cùng với quá trình đô thị hoá, tre, nứa dần nhường chỗ cho nhà cửa. Muốn làm nghề phải nhập tre từ vùng khác tới. Đồng thời, sự thay đổi về thị hiếu, nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm đan lát, các hộ dân cũng dần chuyển đổi sang nghề nghiệp khác.
Bấm đinh cho sản phẩm được bền chắc.
Giỏ cần xé đã làm thành phẩm chờ ghe và xe tải vận chuyển đưa ra thị trường tiêu thụ
Nghề truyền thống dần bị thu hẹp, mai một, những hộ, cơ sở còn theo nghề, giữ nghề, những năm gần đây lại đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất do thiếu đơn hàng. Đây không chỉ là khó khăn riêng của nghề đan lát tại Thái Mỹ mà là tình trạng chung của nhiều ngành nghề truyền thống khác trên địa bàn TP.HCM.