Trải qua nửa thế kỷ kể từ ngày thống nhất, TP.HCM đã khoác lên mình tấm áo mới, hiện đại và năng động. Trong bức tranh phát triển toàn diện ấy, những cây cầu không chỉ là huyết mạch giao thông mà còn là những nét vẽ kiến trúc duyên dáng.
Những chiếc cầu nối đôi bờ không chỉ kết nối giao thông mà còn mang những hình dáng đặc trưng, toát lên vẻ đẹp riêng biệt. Từ những cây cầu thân thuộc, gắn liền với đời sống người dân như cầu Sài Gòn, cầu Kiệu, cầu Mống, cầu Điện Biên Phủ... đến những biểu tượng hiện đại như cầu Phú Mỹ, cầu Ánh Sao, cầu Ba Son... hay cả hầm vượt sông Sài Gòn và hệ thống cầu vượt khắp thành phố, tất cả đều góp phần tạo nên một diện mạo đô thị sinh động. Đặc biệt, khi đêm về, từ trên cao nhìn xuống, những cây cầu hiện lên lấp lánh sắc màu, kết nối đôi bờ sông và tạo thành những hình ảnh vô cùng đẹp mắt, ấn tượng.
Tầm quan trọng của những cây cầu thể hiện rõ nhất ở việc kết nối các khu vực khác nhau của thành phố, giảm thiểu thời gian di chuyển và tăng tính linh hoạt trong giao thông, điều đặc biệt cần thiết cho một đô thị có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt như TP.HCM. Về mặt kinh tế, sự thuận tiện này thúc đẩy mạnh mẽ việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, góp phần nâng cao hoạt động thương mại, công nghiệp và du lịch. Không chỉ vậy, nhiều cây cầu còn là điểm nhấn kiến trúc, làm đẹp cảnh quan và trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố. Việc di chuyển thuận lợi cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, giải trí, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả cộng đồng.
Là cây cầu huyết mạch của thành phố, cầu Sài Gòn dài 1km nối đôi bờ sông Sài Gòn, giải quyết điểm nghẽn giao thông ở cửa ngõ Đông Bắc. Khi thành phố lên đèn, cầu Sài Gòn hiện lên vững chãi như một dải lụa sáng, nối liền đôi bờ trong dòng xe cộ hối hả. Xa xa, tòa Landmark 81 vươn cao kiêu hãnh, cùng cây cầu tạo nên một khung cảnh đêm hoa lệ, biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc của thành phố.
Khánh thành vào dịp lễ 30/4/2022, cầu Ba Son với chiều dài gần 1,5km và 6 làn xe đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng mới. Nổi bật với sắc đỏ rực rỡ trong đêm, cầu Ba Son như một cánh buồm căng gió, mang khát vọng vươn ra biển lớn. Thiết kế dây văng cùng trụ tháp cao 113m với biểu tượng hình đầu rồng không chỉ kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm với phường Sài Gòn mà còn tô điểm cho vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2010, cầu vượt ngã ba Cát Lái là lời giải cho bài toán giao thông trên Xa lộ Hà Nội và đường Mai Chí Thọ, tuyến đường quan trọng bậc nhất ở cửa ngõ phía Đông. Dưới ống kính nhiếp ảnh, cây cầu không còn là một công trình bê tông đơn thuần mà biến thành những dòng sông ánh sáng uốn lượn kỳ ảo. Những vệt đèn xe vẽ nên một bức tranh giao thông đầy năng động, cho thấy sức sống mãnh liệt của thành phố.
Nằm trên Quốc lộ 1A, cầu vượt Bình Chánh là cửa ngõ giao thông trọng yếu, kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Từ trên cao, cây cầu uốn lượn mềm mại, dẫn lối cho những dòng xe hối hả, thắp sáng cả một vùng cửa ngõ sầm uất.
Không chỉ là một công trình giao thông, cầu Phú Mỹ còn là một điểm nhấn kiến trúc và được xem là "cây cầu dây văng lớn nhất" của thành phố với chiều dài hơn 2.000m. Về đêm, cây cầu trông như một cây đàn hạc khổng lồ đang tỏa sáng giữa màn đêm. Ánh đèn vàng ấm áp từ trụ cầu và những dây văng mạnh mẽ không chỉ soi sáng cho dòng xe ngược xuôi mà còn thắp lên vẻ đẹp công nghiệp hiện đại cho khu Nam Sài Gòn.
Là cầu vượt thép thứ hai tại TP.HCM, cầu vượt ngã tư Hàng Xanh là giải pháp hiệu quả cho tình trạng ùn tắc tại một trong những giao lộ phức tạp nhất thành phố. Từ trên cao nhìn xuống, cây cầu như một nét cọ thanh thoát vắt ngang qua giao lộ luôn tấp nập. Những dòng xe hối hả ngược xuôi tạo thành những vệt sáng đan xen, minh chứng cho vai trò quan trọng của nó.
Khiêm tốn bắc mình qua dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Lê Văn Sỹ là một nhịp nối quan trọng, kết nối giao thông giữa đường Trần Quốc Thảo và đường Lê Văn Sỹ. Dù không đồ sộ như những cây cầu khác, nhưng về đêm, cầu Lê Văn Sỹ lại mang một vẻ đẹp riêng, ấm cúng và bình yên, đặc biệt khi soi bóng bên ngôi chùa Pháp Hoa rực rỡ ánh đèn, tạo nên một khung cảnh thơ mộng giữa lòng đô thị.
Từng được gọi tên là cầu Phan Thanh Giản, cầu Điện Biên Phủ là một chứng nhân lịch sử, bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để nối liền các khu vực quận 1 cũ với thành phố Thủ Đức trước đây trên tuyến đường huyết mạch cùng tên. Cầu không chỉ là một trong những cây cầu nội thành quan trọng, mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ với vòng xoay sầm uất ngay dưới chân cầu. Về đêm, vòng xoay này tựa như một đóa hoa ánh sáng khổng lồ đang bung nở, với những dòng xe cộ hối hả vẽ nên những vệt sáng rực rỡ, tất cả cùng nhau tô điểm cho nhịp sống sôi động không ngừng của thành phố.
Khác với chức năng của những cây cầu thông thường, cầu Ánh Sao ở đô thị Phú Mỹ Hưng chỉ dành riêng cho người đi bộ ngắm cảnh và là cầu bộ hành hiện đại đầu tiên của TP.HCM. Khi đêm về, cây cầu như một dải ngân hà lấp lánh vắt ngang mặt hồ bán nguyệt, với ánh sáng đổi màu liên tục và những tia nước lung linh, tạo nên một không gian lãng mạn, yên bình giữa lòng đô thị phồn hoa.
Nằm trên Quốc lộ 13, cầu vượt Bình Triệu là một nút giao thông quan trọng, giúp kết nối và lưu thông thông suốt tại các khu vực thuộc thành phố Thủ Đức cũ. Từ trên cao, hệ thống cầu vượt và các nhánh rẽ đan xen phức tạp, tạo nên những đường cong mạnh mẽ. Về đêm, dòng xe cộ biến thành những dải lụa ánh sáng, cho thấy sự nhộn nhịp của một trong những cửa ngõ chính dẫn vào trung tâm thành phố.
Việc xây dựng các cầu vượt trên những tuyến đường huyết mạch là giải pháp chiến lược của TP.HCM để giải tỏa tắc nghẽn giao thông đô thị. Cầu vượt tại Khu công nghệ cao là một minh chứng điển hình cho điều đó. Từ trên cao nhìn xuống, những đường cong của cầu và các nhánh rẽ uốn lượn hài hòa giữa mảng xanh của cây cối. Xa xa, tuyến metro trên cao băng qua, cùng nhau vẽ nên một bức tranh hạ tầng giao thông đa tầng, hiện đại, thể hiện tầm nhìn quy hoạch cho tương lai của thành phố.
Là một trong những cây cầu có lịch sử lâu đời nhất thành phố, cầu Kiệu trầm mặc bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kết nối các khu vực thuộc quận 1 và quận 3 cũ trước đây. Từ trên cao, cây cầu cùng con đường ven kênh uốn lượn như một bức tranh thủy mặc, nơi nhịp sống hiện đại hòa quyện cùng nét xưa cũ, bình yên.
Ở cửa ngõ phía Nam thành phố, Cầu Chữ Y với kiến trúc ba nhánh độc đáo tỏa ra, tạo thành một trục giao thông quan trọng kết nối các khu vực thuộc quận 5 và quận 8 cũ. Cùng với cây cầu "hàng xóm" là Nguyễn Văn Cừ, hai công trình này như những cánh tay lớn, vươn ra nối liền khu trung tâm với các khu đô thị phía Nam, góp phần tạo nên sự kết nối liền mạch và thúc đẩy sự phát triển của cả một khu vực rộng lớn.
Nằm ở vị trí trang trọng ngay cửa ngõ sông Sài Gòn, cầu Khánh Hội bắc qua kênh Bến Nghé. Với tầm nhìn hướng thẳng ra Bến Nhà Rồng và cột cờ Thủ Ngữ, cây cầu không chỉ mang giá trị giao thông mà còn là một chứng nhân lịch sử, nơi chứng kiến những màn pháo hoa rực rỡ mỗi dịp lễ lớn, thắp sáng niềm tự hào của thành phố.
Nhìn chung, những cây cầu không chỉ kết nối giao thông mà còn góp phần tô điểm thêm diện mạo trẻ trung và hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh.
SanDisk là thương hiệu Mỹ hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực giải pháp lưu trữ dữ liệu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, SanDisk mang đến các sản phẩm lưu trữ hiệu năng cao như thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD… được tin dùng bởi hàng triệu người dùng cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và các chuyên gia sáng tạo trên toàn thế giới. Dòng sản phẩm SanDisk Creator Series là lựa chọn lý tưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung và làm phim, kết hợp giữa tốc độ vượt trội, độ bền cao và thiết kế hiện đại, giúp bạn ghi lại mọi khoảnh khắc sáng tạo một cách mượt mà và đáng tin cậy. Trân trọng cảm ơn thương hiệu SanDisk đã đồng hành cùng cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao"! |