NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hừng đông ló dạng đằng sau bốn bề đại thụ trăm năm tuổi, những giọt sương sớm tinh khiết hãy còn đọng lại trên các khóm hoa đủ sắc, khẽ bị lay động bởi sự viếng thăm của các chú ong thợchăm chỉ tìm mật, tiếng ve kêu râm ran trên đầu những ngọn cây cao chót vót như thúc giụcmùa hè chóng tới… Cả khu rừng lúc này như bừng tỉnh, đón chào một ngày mớilại đến

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 1

Đoàn khách theo chân người hướng dẫn tiến sâu vào rừng

Sau khi dùng điểm tâm sáng tại nhà hàng với các món ăn kiểu thành thị như phở, bánh mì ốp la quen thuộc, đoàn chúng tôi lại tiếp tục chuỗi chương trình khám phá rừng Cát Tiên. Cảm giác về chuyến thám hiểm tối qua vẫn còn lâng lâng trong người, tôi tự hỏi không biết điều thú vị nào đang chờ đợi mình ở những điểm tham quan tiếp theo.Rạng danh thế giới với danh xưng “Khu dự trữ sinh quyển quốc tế” được chính UNESCO công nhận, vườn quốc gia Cát Tiên chứa đựng bên trong nó những bí ẩn về hệ sinh thái động – thực vật cũng như những truyền thuyết dân gian kỳ ảo.Đúng 7 giờ 30 phút, chúng tôi ai nấy đều đã chuẩn bị xong mọi vật dụng cần thiết để đi rừng, trong đó nhất thiết phải có thuốc chống côn trùng cắn, nước uống cùng vài thứ khác như máy ảnh, ống nhòm để tiện cho việc tham quan. Với từng chiếc ba lô gọn nhẹ trên vai, chúng tôi trật tự theo bước người hướng dẫn tiến sâu vào rừng.

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 2

Con đường mòn dẫn vào rừng Bằng Lăng

Điểm đầu tiên mà chúng tôi đến là Rừng Bằng Lăng. Trên đường đi, hướng dẫn viên kể cho đoàn chúng tôi nghe nhiều thông tin thú vị về vườn quốc gia. Chẳng hạn như vì sao nơi này lại có tên gọi là “Cát Tiên”. Truyền thuyết về danh thắng “Cát Tiên” vẫn được đồng bào Mạ lưu truyền cho đến hôm nay, vốn dân tộc này có địa bàn cư trú sinh sống quanh địa phận rừng Cát Tiên. Tương truyền, một chàng thợ săn người Mạ, trong lúc đi săn bắn, đã vô tình tìm thấy một khối trụ đầy màu sắc, hình thù bắt mắt vô cùng. Sẵn tính tò mò, chàng bèn giương cung bắn vào khối trụ thì bất thình lình, một dòng nước chảy mạnh như thác đổ từ đâu xuất hiệnlao về phía chàng. Hoảng sợ, chàng thợ săn liền bỏ chạy nhưng càng chạy nhanh bao nhiêu thì dòng nước dữ càng theo chân chàng nhanh bấy nhiêu. Trong lúc màn rượt đuổi tưởng chừng như không hồi kết thì chàng thợ săn bỗng dừng lại, dòng nước hung hãn kia cũng dừng lại theo. Chàng nhìn thấy nhiều tiên nữ đang vui đùa trên bãi cát rộng và mịn màng gần bờ suối, cảnhđẹp đến nao lòng. Từ đó, địa danh “Cát Tiên” được ra đời.

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 3

Rừng Bằng Lăng có rất nhiều những giống cây to lớn, quý hiếm, riêng có ở vùng Đông Nam Bộ

Đoàn người nối đuôi nhau, mất khoảng gần chục phút đi bộ trên con đường mòn phủ đầy cành lá hoai mục dày cộm, mãi đến khi những gót chân dường như đã bắt đầu thấm mệt thì trong tầm mắt chúng tôi bỗng hiện ra một không gian kỳ vĩ với vô số cây rừng tồn tại đã nhiều thế kỷ vây kín xung quanh.Giống Bằng lăng nơi đây hầu như thuần chủng, đặc biệt có cây lại có đến 6 ngọn.Không chỉ có Bằng lăng mà xung quanh còn có rất nhiều những giống cây khác to lớn, quý hiếm, đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ, như cây Căm xe 300 năm tuổi, cây Thiên tuế, cây Trung quân với đặc điểm lá không bắt lửa nên trong thời chiến, bộ đội và người dân thường dùng lá này để lợp nhà. Lá cây Trung quân còn có tác dụng chữa đau nhức xương.Nổi bật trong số đó là cây Tung 400 năm tuổivới dáng đứng vươn cao sừng sững, đầy kiêu hãnh như cột trụ chống trời. Thân cây to và chắc chắn, bộ rễ trồi lên mặt đất như những ngón tay dài ngoằng đang bám lấy từng mảng đất một. Để ôm trọn phần gốc của cây ước tính cần khoảng 20 người. Chúng tôi quyết định chụp một tấm ảnh lưu niệm tại đây với chút giúp đỡ từanh bạn “nhiếp ảnh gia” kiêm hướng dẫn trẻ tuổi và đầy nhiệt tình.

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 4

Cây Tung đại thụ cao lớn như cột trụ chống trời

Đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển đến điểm tham quan tiếp theo là Thác Bến Cự.Càng đi sâu vào trong, nét hoang sơ của chốn sơn lâm càng hiện lên rõ rệt. Những tia nắng vàng ươm chiếu xuyên qua từng tán lá cây, để lộ ra hàng vạn dây leo xù xì, già nua, chằng chịt đan xen vào nhau tạo nên những hình ảnh liên tưởng thú vị trong trí tưởng tượng của tôi. Rồi những cây dại mọc ven đường mòn với phiến lá to bằng mâm cơm, chi chít không lần được gốc rễ. Chuyến tham quancủa chúng tôi diễn ra vào những ngày đầu tháng Tư, đương lúc mùa khô hãy còn nên đi rừng lúc này khá thoải mái. Có lần tôi được nghe đồng nghiệp kể về chuyến thăm rừng Cát Tiênvào những tháng mùa mưa, việc tham quan có đôi chútvất vả vì muỗi rừng và vắt rất nhiều,dù rằng, cảnh vật khi ấy có phần thơ mộng hơn.

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 5

Mất khoảng 20 phút, đoàn chúng tôi cũng đã đến được khu vực thác Bến Cự.Do đang trong mùa khô, nước cạn để lộ ra những dãy đá nằm bên dưới, nối nhau thành một hàng dài những mỏm đá phủ đầy rêu trơn trượt. Mỗi người trong đoàn chúng tôi chọn một chỗ ngồi trên những tảng đá xung quanh, quây quần cùng nhau nghe người hướng dẫn thuyết minh về điểm tham quan này. Thác Bến Cự trong thời kỳ kháng chiến chính là nơi tập kết vận chuyển lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm của bộ đội ta. Nơi này gắn liền với câu chuyện thần thoại dân gian trong văn hóa người Mạ, về mối tình chung thủy giữa người và tiên. Theo đó, tiên nữ Ka Mài thầm yêu chàng trai mồ côi K’Du nên đã trốn xuống hạ giới nên duyên vợ chồng cùng chàng. Hai vợ chồng sinh sống hạnh phúc không bao lâu thì nàng Ka Mài bị bắt về thiên giới chịu tội do đã phạm phải tiên quy, kết hôn cùng người phàm trần. Chàng K’Du nhớ thương vợ da diết, lâu ngày buồn phiền mà qua đời. Trên trời, nàng Ka Mài vì đau buồn mà nguyện chết để vợ chồng có thể được gần nhau. Chàng K’Du chết hóa thành gốc cây rừng, còn nàng Ka Mài hóa thành bụi lan, quấn quýt nhau không rời. Qua nhiều gian truân, tình yêu của họ đã được đền đáp, dù cho cả hai không còn trong hình dáng con người.

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 6

Những dây leo xù xì, già nua hiện rõ mồn một dưới ánh nắng ban ngày

Tạm biệt thác Bến Cự cùng câu chuyện tình khiến người nghe cứ mãi nghĩ về nó, chúng tôi tiếp tục tham quan một điểm đến đặc biệt, “Cây Gõ Bác Đồng”.Đó là cây Gõ đỏ khoảng 700 tuổi và cao hơn 30m, thuộc vào loại cây gỗ quý của Việt Nam. Có lần cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm cây gõ đại thụ này và đưa ra những lời khuyên quý giá về vấn đề chăm sóc, bảo vệ rừng. Để kỷ niệm và nhắc nhở thế hệ sau về công tác bảo tồn, ban quản lý vườn quốc gia Cát Tiên đã đặt tên cây là “Cây Gõ Bác Đồng”.

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 7

Nhiều loại cây có hình thù như những con rắn hoang dã, treo người lủng lẳng trên những cành cây

Sau vài phút nán lại nơi đâychụp choẹt các pô ảnh kỷ niệm, đoàn chúng tôi quay trở ra bên ngoài để về lại khu vực trụ sở chính. Lần trở về có phần nhẹ nhàng hơn khi đã có xe chuyên dụng đến đón. Vi vu trên xe gần 30 phút, người hướng dẫn tiếp tục thông tin đến chúng tôi về sự đa dạng động vật tại vườn quốc gia Cát Tiên khiến mọi người trong đoàn đều ồ lên kinh ngạc.Nào là các giai thoại về những lần nhìn thấy loài tê giác một sừng Java “quý hiếm hơn vàng”, ngỡ rằng đã tuyệt chủng sau chiến tranh Việt Nam. Năm 1989, một nhóm các nhà khoa học nước ngoài, sau khi hay tin phát hiện một con tê giác cái trưởng thành vào năm 1988 tại khu rừng, đã tức tốc đến khảo sát và phát hiện dấu vết của ít nhất 15 cá thể tê giác Java để lại.Một khu bảo tồn quần thể loài tê giác một sừng này nhanh chóng được thiết lập quanh khu vực tìm ra vết tích và được bảo vệ chặt chẽ cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn loài tê giác tại Việt Nam lúc bấy giờ. Rồi về khu vực “Hồ Sách Đỏ” Bàu Sấu, nơi mà hàng đêm, ánh mắt của những con cá sấu Xiêm rực sáng như sao trời… Những thông tin thú vị ấy khiến cho đoạn đường trở về bớt phầntẻ nhạt và làm cho cuộc hành trình ngắn ngày này thêm ý nghĩa, để lại trong tim mỗi người nhiều bài học về tầm quan trọng của việc bảo vệ và chăm sóc rừng cũng như những tài nguyên của nó.

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 8

Thác Bến Cự trong mùa khô thường cạn, để lộ những hòn đá phủ đầy rêu xanh

Xe về tới khu trợ sở chính. Các du khách chúng tôi tất bật trở về phòng nghỉ, thu dọn hành lý, dùng cơm trưa và chào tạm biệt vườn quốc gia Cát Tiên. Chiếc xe lăn bánh đưa đoàn người du lịch về lại với chốn phồn hoa đô thị. Trông sắc xanh xa dần, lòng tôi thấy tiếc rẻ và ước gì có thể quay lại 24 giờ trước đó để một lần nữa tận hưởng sự thư thái và yên bình vốn có ở chốn rừng thiêng này.

NAM CÁT TIÊN DU KÝ- Kỳ cuối: SÂU BÊN TRONG RỪNG THẲM - 9

“Cây Gõ Bác Đồng” vốn là loài Gõ đỏ quý hiếm của Việt Nam, gắn liền với chuyến tham quan VQG Cát Tiên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Bài và ảnh: Nguyễn Trường

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Huyện đảo Cô Tô được coi là viên ngọc quý của tỉnh Quảng Ninh khi sở hữu cả cảnh quan lẫn vị trí chiến lược quan trọng. Đảo Cô Tô vào mùa du lịch thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến đây tham quan, khám phá hòn đảo này.