Một ngày thong dong dạo chơi tại “thiên nhiên đệ nhất hồ”
Hồ Ba Bể rộng 500km² thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể, nơi được mệnh danh thiên nhiên đệ nhất hồ. Đoàn chúng tôi đã có một ngày khám phá nơi đây và chọn ngủ lại một đêm để hòa mình cùng thiên nhiên.
Một góc Ba Bể. Ảnh: Khuê Việt Trường
Hồ Ba Bể được hình thành cách đây hơn 200 triệu năm, do cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri đã đưa một khối nước khổng lồ với bề mặt xấp xỉ 5 triệu mét vuông và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi.
Tất nhiên khi ngao du trên hồ, du khách sẽ thấy bao quanh là những hòn đảo với cỏ cây, cứ thế mà nước mở ra, mặc sức thỏa thuê nhìn ngắm hay chụp ảnh. Tôi cũng như bao nhiêu người đều mơ ước một lần đến nơi này và thật không hề thất vọng trong cuộc hành trình đó.
Nhưng chỉ đi thuyền lướt qua hồ thì không cảm nhận được hết, mà mọi người nên ở lại, trong bản Pắc Ngòi nho nhỏ chừng hơn 100 hộ dân người Tày ấy vẫn nguyên vẹn cái mộc mạc của đồng bào dân tộc ít người, là một điều thú vị.
Một góc bản Pắc Ngòi. Ảnh: Khuê Việt Trường
Xe qua cổng, thủ tục mua vé xong đi một đoạn sẽ thấy con đường rẽ vào Pắc Ngòi, nhưng con đường này chỉ dành cho xe ô tô 7 chỗ trở xuống, còn xe lớn thì không thể đi. Tuy nhiên, nếu không đi bộ thì chẳng tận hưởng được vẻ đẹp của Ba Bể.
Tới bến tàu, đã thấy hàng quán tạm bợ bán đủ loại rễ rừng, rau rừng và cá khô thu hoạch từ Ba Bể. Những người buôn bán mời chào, bạn không mua cũng chẳng ép, sau đó lên thuyền. Thường thì các chủ của các khu nhà sàn tại Pắc Ngòi đều có một chiếc thuyền riêng, họ đón khách dạo chơi trên hồ. Thuyền chúng tôi đi do anh chủ còn trẻ phụ trách.
Hồ Ba Bể đã được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ còn có tên là Slam Pé, xuất phát từ việc hồ là nơi tụ lưu của ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèn. Năm 1995, hồ Ba Bể đã được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. |
Tàu đi giữa lòng hồ, cảnh sắc liên tục thay đổi. Có nơi những cây cổ thụ vươn ra, xanh biếc. Có nơi hoa trắng mọc theo mép nước, hoặc cả thảm lá vàng nổi bật giữa trời trong xanh. Ba Bể chen những hòn đảo, khép mở lại còn có nhiều điểm đến.
Một điểm nằm trên một đảo nhỏ là đền An Mạ. Đền An Mạ được xây dựng lại vào năm 2007 và tổ chức hội lễ vào 26-2 Âm lịch hằng năm. Đền là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê Mạc, sau khi thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Con đường lên đền là những bậc cấp lót lá vàng. Những người buôn bán ngồi bên dưới đợi khách, có một chiếc cầu treo bắc qua bờ bên kia thành nơi cho du khách chụp ảnh.
Đền An Mạ. Ảnh: Khuê Việt Trường
Lại đi tiếp tới đảo Bà Góa. Đảo Bà Góa còn được gọi là Pò Giả Mải theo tiếng địa phương, truyền thuyết là nơi sinh sống của người đàn bà góa cùng con, khi gặp triều dâng đã tách hạt trấu làm hai chiếc thuyền cứu dân. Đảo nhỏ lắm, diện tích chừng 100m2 gồm những tảng đá chồng, khó leo trèo. Tuy nhiên, đảo toàn là cổ thụ lớn, xanh um buông rễ xuống nước đẹp mắt. Có một mỏm đá cao nơi này trở thành điểm cho du khách nhảy xuống hồ tắm.
Đảo Bà Góa. Ảnh: Khuê Việt Trường
Nhưng cuộc hành trình Ba bể thú vị chính là homestay ở nhà dân. Chúng tôi được thuyền đưa tới bến sông bên cạnh bản Pắc Ngòi. Đây là nơi sinh sống của 80 hộ dân với dân số khoảng 800 đồng bào dân tộc Tày.
Mép hồ là dòng sông Lèng, để hai bên bãi bồi là nơi canh tác của dân bản Pắc Ngòi. Ông chủ nhà sàn tên Quyến lái tàu cho chúng tôi đã gọi thanh niên trong làng đem xe máy ra chở hộ hành lý, còn chúng tôi thì đi bộ khoảng 1,5km để vào làng. Trước hết là leo lên con dốc đứng, rồi theo con đường nhỏ mà đi. Đi không vội, bởi cảnh sắc Ba Bể “no nê” đôi mắt với ruộng xanh, với hồ nước xa xa mênh mông. Đi không vội, bởi có khi gặp hoa lá cỏ cây.
Đường vào bản Pắc Ngòi. Ảnh: Khuê Việt Trường
Pắc Ngòi nho nhỏ với những ngôi nhà dân tộc Tày truyền thống lớp ngói âm dương màu xám, khi ngắm nhìn đẹp tựa như tranh. Giờ cả làng làm du lịch, treo bảng cho khách ở trong nhà, ăn cùng và họ bày bán các loại nhu cầu thiết yếu cho khách.
Nhà sàn dành cho khách giờ đã hiện đại. Ngoài khu nhà chung, các căn phòng ngăn ra bằng gỗ có nệm, có quạt máy và độc đáo hơn là chủ nhà đã gắn Wi-Fi cho khách truy cập. Tivi thì để ở nhà chung, và nhà vệ sinh thì có vài cái để dùng chung. Bữa cơm tối của chúng tôi được dọn ngay nhà chung, món ăn theo kiểu người Tày do trong nhà nấu nướng như thịt nướng, gà bản luộc, cá hồ chiên, rau rừng… ăn rất ngon miệng.
Ở đây có các đội văn nghệ do các cô gái Tày biểu diễn, thêm là những điệu múa truyền thống như múa quạt, múa chén, múa nón và kết thúc là nhảy sạp cùng du khách, được biết cả bản có 6 đội biểu diễn như thế.
Những cô gái Tày xinh xắn đang biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: Khuê Việt Trường
Đêm bản Pắc Ngòi êm ắng, tiếng côn trùng rả rích, tiếng gió lùa thoang thoảng, trong không gian là mùi thơm cây cỏ, chúng tôi ngủ rất ngon giấc.
Buổi sáng sương còn vương trên mặt hồ, còn lãng đãng trôi trên con đường nhỏ ở Phắc Ngòi, chúng tôi chậm rãi đi bộ xuống bến thuyền trong mờ sương đó để trở về. Con thuyền đi đường tắt chỉ chừng 10 phút là trả chúng tôi lại nơi hôm qua chúng tôi vừa đến. Xin chào Ba Bể!
Một phần kho báu của Trái Đất là các kiến tạo địa chất độc đáo, hoàn toàn là sản phẩm của tự nhiên và chưa bị...