Linh vật Hổ đá trên rẻo cao Y Tý
Ở nơi rẻo cao này, cộng đồng người Hà Nhì - với dân số hơn 26.000 người (tính đến 2021) - có khoảng gần 4.000 người.
Chúng tôi trở lại mảnh đất mù sương Y Tý vào những ngày giáp Tết Nhâm Dần để trải nghiệm kỹ hơn nét văn hóa bản địa giữa bức tranh phong cảnh hùng vỹ. Ở nơi rẻo cao này, cộng đồng người Hà Nhì - với dân số hơn 26.000 người (tính đến 2021) - có khoảng gần 4.000 người.
Là chủ nhân của vùng đất cao hơn 2.000m so với mực nước biển, người Hà Nhì nơi đây luôn sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên, mây trời. Những năm trước đây, vùng đất Y Tý được xem vô cùng hẻo lánh, hiểm trở ít người lui tới. Nhưng mấy năm gần đây, với vẻ đẹp của thiên nhiên trời ban, Y Tý dần được du khách khám phá, quen thuộc hơn trên cung đường tham quan Tây Bắc.
Đến với Y Tý dịp này, ấn tượng đầu tiên với mọi người là khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, biển mây bồng bềnh ôm ấp các mỏm núi cao chót vót. Trong khung cảnh núi rừng, mây trời kỳ thú ấy nổi bật lên những ngôi nhà trình tường (đắp bằng đất) vàng ươm của người Hà Nhì.
Nhà trình tường nguyên bản của người Hà Nhì có hình dáng như cây nấm khổng lồ, mái lợp bằng rơm, rêu cỏ mọc đầy bên trên. Sau này cuộc sống khấm khá hơn, người ta đã lợp mái bằng tấm proximăng. Những ngôi nhà nguyên bản lợp rơm, cỏ hiện chỉ còn vài cái ở Y Tý, chủ yếu để phục vụ du khách tham quan.
Đến đây vào các dịp lễ, tết du khách được ngắm những cô gái Hà Nhì kiều diễm trong bộ trang phục truyền thống với nhiều họa tiết trên quần, áo, khăn cầu kỳ, bắt mắt. Ghé thăm nhà dân bản, du khách sẽ được mời dùng bữa với những món ăn dân dã, ấm cúng trên chiếc mâm mây tre đan lạ mắt. Chiếc mâm độc đáo này gây ấn tượng mạnh bởi chúng có mặt tròn, chân đế xòe rộng giống với biểu tượng trống đồng Việt Nam… Đi sâu vào đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Hà Nhì ở Y Tý, du khách sẽ được nghe câu chuyện gắn với linh vật mang tên Hà Gừ (theo tiếng Hà Nhì, nghĩa là hổ đá), chỉ có ở mảnh đất này.
Du khách đến Y Tý nếu tò mò muốn tìm linh vật Hà Gừ có thể đến thung lũng Thề Pả và khu ruộng canh tác ngô ở thôn Choản Thèn. Tại thung lũng Thề Pả nơi có những thửa ruộng bậc thang đã được công nhận là Danh thắng Quốc gia (2015), từ bao đời nay đã tồn tại một con hổ đá lớn.
Theo anh Ly Giờ Lù, Phó Chủ tịch xã Y Tý, con hổ đá ở Thề Pả được tạc bằng đá trắng nguyên khối với đầy đủ đầu, mình, chân và đuôi. Hổ đá được đặt trên chân đế chắc chắn với chiều cao từ chân lên đầu khoảng 1,4m và dài 1,2m. Hổ đá được tạc trong sắc thái dữ tợn nhất của loài hổ, đó là há rộng miệng, nhe nanh như đang hù dọa những loài vật khác. Trải qua bao năm tháng, nắng mưa con hổ đá rêu phong, cổ kính vẫn đứng uy nghi giữa những thửa ruộng bậc thang điệp trùng.
Anh Ly Giờ Lù kể ngày xưa còn bé đi chăn trâu đã thấy hổ đá đặt ở đó, hướng đầu về phía đỉnh núi Gạ Tạ Mò nằm sát biên giới Việt-Trung. Còn ở giữa những ruộng ngô của bà con thôn Choản Thèn hiện có 2 con hổ đá khác có kích thước nhỏ hơn, hình dáng có nhiều nét khác biệt. Để hiểu rõ hơn về linh vật độc nhất vô nhị chỉ có ở Y Tý, chúng tôi đã diện kiến cụ nghệ nhân Ly Seo Chơ (75 tuổi). Chẳng gì thú vị hơn khi dịp tết năm con hổ, ngồi nhâm nhi chén rượu ngô men lá và nghe lão nghệ nhân Ly Seo Chơ - pho sử truyền miệng, văn hóa sống của người Hà Nhì, kể cho nghe câu chuyện về Hà Gừ linh thiêng.
Ngoài cụ Chơ, hiện trong cộng đồng người Hà Nhì ở Y Tý chỉ còn vài cụ cao tuổi biết rõ câu chuyện về Hà Gừ. Theo cụ Chơ, Hà Gừ của người Hà Nhì tại Y Tý là độc nhất không nơi nào có, nhưng đáng tiếc nó chỉ được truyền miệng, chưa được nghiên cứu để lưu vào sách vở, tài liệu như những nét văn hóa, phong tục khác. Khi còn bé, cụ Chơ đã được ông nội của mình kể nghe câu chuyện nhuốm màu huyền bí về Hà Gừ. Đó là chuyện từ xa xưa có lẽ cách đây hàng trăm năm, các cụ đã truyền miệng lại rằng trên đỉnh núi Gạ Tạ Mò có con ngựa thần hay xuống phá lúa, hoa màu của bà con Hà Nhì ở thung lũng Thề Pả.
Năm nào ngựa thần xuống quấy phá là y rằng thất thu, người Hà Nhì lâm vào tình cảnh đói khổ. Những thầy mo (thầy cúng) có uy tín nhất của người Hà Nhì lúc đó đã hướng dẫn dân chúng làm lễ cúng tế ngựa thần trong bản làng mình. Các bản mổ trâu, sắp rượu và các loại nông sản trên mâm để làm lễ dâng ngựa thần.
Nghệ nhân Chơ cho biết ở cộng đồng người Hà Nhì tại các xã khác của huyện Bát Xát như Trịnh Tường, A Lù… cũng có lễ mổ trâu làm món, kèm theo đấu thóc, cỏ xanh để dâng lên ngựa thần, nhưng dựng linh vật hổ đá chỉ có ở Y Tý. Theo đó, con hổ đá giữa thung lũng Thề Pả và khu nương tại thôn Choản Thèn, hướng về đỉnh núi Tạ Gạ Mò như một linh vật trấn thủ, để canh ngựa thần xuống phá lúa, ngô. Hổ đá được người Hà Nhì tôn lên như thành biểu tượng có quyền năng, sức mạnh to lớn để chiến đấu, chống lại ngựa thần. Hiện 3 con hổ đá ở Y Tý đều không ghi niên đại tạc dựng. Nhưng các bậc cao niên ở Y Tý như cụ Chơ đều cho biết nhiều đời nay, thế hệ đi trước luôn nhắc nhở người sau phải giữ gìn, bảo vệ hổ đá, không được di chuyển đi nơi khác.
Mấy năm trước, có vài người trẻ hiếu kỳ đã di chuyển 1 trong 2 con hổ đá nhỏ khỏi vị trí thôn Choản Thèn. Thế là đợt ấy xảy ra hạn hán, lúa và hoa màu ở các bản tại Y Tý đều thất thu, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng.
Thấy hiện tượng lạ, người dân thôn Choản Thèn đã mời thầy cúng làm lễ và đi tìm hồ đá khiêng về đặt lại vị trí ban đầu. Người Hà Nhì đã cùng nhau sửa chữa, dùng xi măng gắn đôi hổ đá xuống nền để không cho ai di chuyển đi nơi khác nữa. Thật kỳ lạ, sau lễ cúng của thầy mo và những việc làm trên, thời tiết trở lại mưa thuận, gió hòa, ruộng vườn, hoa màu tốt tươi được mùa, bà con no ấm…
Hàng năm người Hà Nhì ở Y Tý có tổ chức nhiều dịp lễ, tết đặc sắc. Ngoài dịp Tết Nguyên đán như người Kinh, vào khoảng nửa cuối tháng 1 âm lịch, các bản tổ chức Tết Thiếu nhi trong 2-3 ngày, với các nghi lễ cúng bái ở khu công viên của thôn. Dịp tết này, trẻ con Hà Nhì được mặc những bộ quần áo đẹp nhất, ăn các món ngon và chơi nhiều trò thú vị.
Ngoài ra, vào tháng 6 âm lịch, người Hà Nhì có lễ Khu Già Già được coi trọng nhất trong năm. Trong các dịp lễ tết quan trọng ấy, các nghệ nhân ở các bản thường hay kể chuyện về ngựa thần, về linh vật hổ đá cho con cháu nghe để cùng nhau giữ gìn, lưu truyền muôn đời sau.
Chuẩn bị hành trang, lên đường trekking tới những địa điểm tuyệt đẹp trên đất Việt để hòa mình cùng thiên nhiên...