Kì vĩ ngôi đền đá cổ dưới chân núi Linga xứ Vạn đảo
Tiếp tục hành trình xuyên Đông Dương đến Tam Giác Ngọc, ngược dòng Mekong hùng vĩ, chúng tôi trở lại thăm ngôi đền đá kì bí Watphou (Lào) với truyền thuyết về nàng nữ chúa đã buông lời nguyền: Người con gái nào bị con trai quyến rũ mà chửa hoang thì lúa trên rẫy sẽ khô héo và tàn lụi.
Nằm cách thị trấn Champasak ở Nam Lào chỉ 10km, gần bờ Tây sông Mekong, Watphou tọa lạc trên sườn núi Phoukao vươn cao 1.416m.
Vào khoảng TK XIII, Watphou trở thành một đền thờ Phật giáo, tồn tại mãi cho đến ngày nay, và mang theo nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đậm chất xứ Vạn Tượng.
Các chuyên gia cho rằng, với kỹ thuật hiện đại ngày nay vẫn khó có thể xây dựng nên một công trình bằng đá đẹp và tinh xảo, cùng những bí ẩn chưa thể lí giải được về ngôi đền kì bí và linh thiêng này.
Kiến trúc độc đáo của đền Watphou - Ngôi đền cổ nguy nga tráng lệ nhất xứ sở Triệu Voi, đã trở thành Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 2001.
Tháng 5, những cơn mưa đầu mùa chợt đến chợt đi, ầm ào át cả tiếng ve rền rĩ gọi hè. Hành lí gọn gàng sau xe, chúng tôi tạm biệt xứ Chùa Tháp tiếp tục rong ruổi trên cung đường ngược lên phía Bắc, tìm về nơi có ngôi đền cổ linh thiêng và đẹp nhất xứ Vạn tượng – Watphou kì bí.
Quốc lộ 13 - tỉnh Champasak của xứ Vạn Tượng tiếp nối Quốc lộ 7 – tỉnh StrungTreng xứ Chùa Tháp tại cặp cửa khẩu Nong Nokkhiane – Trapeang Kriel, tiếp tục chạy dọc theo trục Bắc – Nam, cứ mãi mê quanh co uốn lượn bên dòng MeKong hùng vĩ, đưa chân chúng tôi đến ngôi đền cổ Watphou.
Nơi đây đất đai màu mỡ trù phú, cảnh vật tươi mát, mơn man xanh miết suốt chặng đường. Ngôi đền cổ Watphou nằm dưới chân ngọn núi Voi Phoukao linh thiêng. Theo nhiều nhà sử học và khảo cổ học, đền thờ này có tuổi đời lâu nhất nước Triệu Voi.
Những cơn dông đầu mùa lũ lượt kéo mù mây về trắng trời, che phủ ngọn núi Voi Phoukao linh thiêng.
Đền Watphou được thiết kế theo khối kiến trúc xếp từ nhiều tảng đá lớn.
Mùa mưa đến vội khiến các dãy hành lang đá, khối tượng phù điêu bên trong ngôi đền ẩm ướt rêu phong, lại càng thêm huyền ảo kì bí.
Các tảng đá, bệ đỡ, khung cửa... được chạm trổ hoa văn cầu kỳ; bên ngoài ngôi đền còn có các pho tượng đá lớn ngổn ngang.
Cơn dông đầu mùa chợt trút nước vẫn không làm chùn chân bao lữ khách.
Cũng như phong tục nơi đây, cơn mưa mát lành tưới tắm thứ nước trời mang lại nhiều may mắn và ấm no, hạnh phúc.
Trong chuyến này, chúng tôi không lên khu đền thượng xây trên lưng chừng núi, nơi phải vượt lên hàng trăm bậc đá trong cơn dông đầu mùa trơn trượt.
Tạm dừng chân chờ cơn dông đi qua, trong gian lều gỗ thăm hỏi, tôi may mắn biết rằng ngôi đền thiêng còn gắn với truyền thuyết về nàng nữ vương xinh đẹp.
Lại một cơn dông xào xạc rung cành lá, tưới tắm vạn vật thêm xanh mơn, mướt mát như chào mừng chúng tôi trở lại thăm ngôi đền cổ; nơi mà đâu đó 10 năm trước, tôi tình cờ ghé qua trong những ngày sống chậm ở Xứ vạn đảo Xi Phan Don.
Thật sự ấn tượng khi bước vào cổng chính, chào đón chúng tôi là con đường đá rộng thẳng tắp, hai bên có các hàng trụ đá hình Linga - biểu tượng của thần Shiva.
Nơi đây có lát nhiều tảng đá phẳng dẫn đến cuối đường, tọa lạc 2 ngôi đền chính hướng về phía Đông, nằm đối xứng trên 1 gò đất cao. Cả hai đều đã được trùng tu và nguyên liệu chính để xây đền là từ một loại đá đặc biệt.
Đền cổ Watphou được biết đến là địa điểm của Ấn Độ giáo; tuy nhiên, theo thời gian đã được thay đổi thành nơi để thờ Phật.
Vô cùng ấn tượng với các pho tượng chạm khắc hoa văn tinh xảo trên thanh ngang ô cửa.
Thật sự kinh ngạc bởi sự khéo léo của người xưa đã tạo tác nên bức phù điêu hoa văn tuyệt đẹp.
Đến nơi này, từ sâu thẳm trong tôi, dường như cảm nhận được những câu chuyện trong quá khứ qua hơi thở của những phiến đá, cùng lối kiến trúc đặc biệt với niên sử hơn 1.000 năm. Ngôi đền còn là điểm đến hấp dẫn bởi lối kiến trúc độc đáo cùng những câu chuyện lịch sử thú vị.
Tương truyền thuở trước, những thương nhân Ấn Độ đầu tiên đến vùng sông Mekong, nhận ra trong hình dạng của ngọn núi này một linga linh thiêng. Ngày nay, tên chính thức của ngọn núi là Lingaparvata có nghĩa là “Núi Linga”.
Tuy nhiên, không chỉ hình dạng của ngọn núi khiến nó trở nên linh thiêng. Người dân xứ này đã truyền lại qua bao thế hệ, rằng trên sườn núi có nguồn nước ngọt tự nhiên chảy ra từ những tảng đá. Con suối này vẫn được tôn kính như một nơi linh thiêng, nằm ngay sau khu thượng điện của ngôi đền thiêng Watphou.
Linh thiêng núi Linga, Watphou gồm 9 ngọn núi bao quanh, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.
Trong chuyến lang bạt xứ Vạn đảo Xiphandon 10 năm trước, tôi đã vô cùng ấn tượng bởi cảnh quan kì bí cùng vạn vật mơn man xanh mát, tốt tươi.
Vẫn con đường lát đá với hàng linga hai bên, dẫn lên ngôi đền đá nằm lưng chừng núi thiêng.
Cảnh quan nhìn từ trên ngôi đền đá trên núi Phou Khao, hay còn gọi là Lingaparvata, vì trông giống như một linga linh thiêng đối với những người thờ thần Shiva.
Ngôi đền này ban đầu là đền núi, sau đó đã được trùng tu lại và trở thành một ngôi đền thờ Phật. Kể từ thế kỷ XI, ngọn núi và dòng suối linh thiêng nằm phía sau chùa đã trở thành một trung tâm thiền định và thờ phụng. Các nghi lễ cúng tế hàng năm được diễn ra ngay dưới chân núi, cùng câu chuyện về Lễ giải tội nơi đây.
Truyện kể rằng, con gái lãnh chúa Mường Champa Nakhon là nàng Phăn, trở thành Nữ chúa đầu tiên của xứ sở này, bị một chàng trai quyến rũ rồi bỏ đi không trở lại. Nàng Phăn hận tình đã nguyền rằng: Người con gái nào bị con trai quyến rũ mà chửa hoang thì phải cúng Thần một con trâu để giải tội. Nếu không thì lúa trên rẫy sẽ chết khi thành bông, và lúa trên đồng sẽ khô héo, tàn lụi.
Và cứ thế, hàng năm vẫn có nhiều lễ giải tội cho những lầm lỡ diễn ra. Tuy nhiên, dần dà nghi lễ lại trở thành ngày hội của nam thanh nữ tú.
Gian thờ Phật bên trong ngôi đền nhỏ trên núi Phou Khao.
Ngày nay, lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào - một trong những lễ hội lớn nhất ở ở xứ sở Triệu Voi, và được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp Rằm tháng 3 âm lịch. Dịp này, người dân hành hương về đây nhộn nhịp, tấp nập cúng tế và còn tham dự các hoạt động rộn ràng khác, như biểu diễn vũ nhạc, hội đua voi, đua thuyền,...