Du lịch núi Đá Bia, khám phá đỉnh cao hấp dẫn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Núi Đá Bia là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, có độ cao 706m so với mặt nước biển, là dấu chấm của dãy Trường Sơn hùng vĩ nhô ra biển Đông. Điểm độc đáo là trên đỉnh có tảng đá to, cao tới 76m.

Du lịch núi Đá Bia, khám phá đỉnh cao hấp dẫn - 1

Từ trên đỉnh núi Đá Bia nhìn xuống đèo Cả. Ảnh: CTV

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi Đá Bia là căn cứ cách mạng quan trọng, bên dưới phía đông là bến Vũng Rô huyền thoại nơi cập bến những con tàu Không số. Người dân địa phương coi núi Đá Bia là một trong những biểu tượng nổi tiếng của đất Phú Yên. Tháng 9/2008, Bộ VH-TT-DL ban hành quyết định công nhận thắng cảnh độc nhất vô nhị này là thắng cảnh cấp quốc gia. Núi thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, ngoại thị Đông Hòa. Trước năm 2000, muốn leo lên đỉnh núi Đá Bia không dễ; cả một khối núi toàn đá, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt, rồi khe suối, hang động rất nguy hiểm.

Pho huyền thoại hấp dẫn

Núi Đá Bia còn có tên là Thạch Bi Sơn, ông bà ta gọi là Thiên Nam đệ nhất trụ (trời Nam chỉ có một). Theo hình dáng hòn đá trên đỉnh núi, người Chăm gọi là núi Cùi Bắp, người Pháp gọi Ngón Tay Chúa và dân địa phương gọi núi Ông Bia. Mỗi tên gọi khác nhau gắn liền với những pho huyền thoại ly kỳ và hấp dẫn.

Tương truyền vào mùa xuân năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông khi thân chinh cầm quân đi mở mang bờ cõi, dừng chân tại núi Đá Bia, ông cho quân leo lên đỉnh núi ghi rõ cương vực Đại Việt (lãnh thổ Việt Nam) trên hòn đá và kể từ đó gọi là núi Đá Bia.

Bao đời nay núi Đá Bia là niềm cảm hứng của các tao nhân mặc khách qua nơi này. Gần 70 năm khi có mặt trong đoàn quân Nam tiến, thi sĩ Hữu Loan để lại bài thơ “Đèo Cả” và được chọn là một trong 20 bài thơ hay nhất của thế kỷ XX. Những ngày trời quang mây tạnh, đứng cách xa từ 50-70km vẫn nhìn thấy hòn Đá Bia mây phủ. Núi Đá Bia rất linh thiêng, biểu trưng cho sức mạnh của con người và vùng đất Phú Yên.

Du lịch núi Đá Bia, khám phá đỉnh cao hấp dẫn - 2

Tảng đá to trên đỉnh núi Đá Bia, thu hút sự hiếu kỳ để người người tìm đến. Ảnh: CTV

Nơi bồng lai, tiên cảnh

Năm 2001, đường lên đỉnh núi Đá Bia được khảo sát và xây dựng, điểm xuất phát dưới chân núi phía tây, bên quốc lộ 1. Con đường rất độc đáo, với chiều dài 2,5km, có 3 cầu thang bằng bê tông cốt thép, có cầu thang cao dốc 450; toàn tuyến có 2.071 cấp đi, đôi khi các bậc đi được tạo bằng việc đục, đắp vữa xi măng trên các triền đá nghiêng.

Trên đường leo lên đỉnh núi Đá Bia nhìn xuống những đoàn xe ra Bắc vào Nam chỉ bằng hạt đậu nối đuôi nhau như kiến bò, thỉnh thoảng chim bìm bịp gọi nhau kêu hối hả, dễ làm ta giật mình. Lâu lâu, đoàn tàu bắc - nam chạy dưới chân núi âm vang dồn dập làm náo động cả cánh rừng. Cây cối, dây leo đôi khi phủ kín cả lối đi, hai bên đường là thảm thực vật xanh tốt. Những cây đác ven đường trĩu quả, cây thông thẳng đứng hiên ngang bên sườn núi; nhiều hang động hai bên đường có hình thù rất kỳ thú, chưa in dấu chân người. Đôi khi ta bắt gặp con chim diều hâu sải cánh chao nghiêng bên sườn núi như đang tìm kiếm sự linh thiêng, bí ẩn của núi rừng.

Với 10 lần nghỉ, thời gian khoảng 2 giờ 30 phút, tất cả các thành viên đoàn leo núi đều lên được đỉnh núi. Hôm đó là một ngày chủ nhật đẹp trời, có nhiều đoàn cùng tham gia leo núi, phần đông là học sinh, sinh viên. Nhìn những gương mặt tươi trẻ, đôi má ửng hồng, mồ hôi nhễ nhại, tôi cảm nhận tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của Phú Yên.

Đứng trên đỉnh núi Đá Bia - điểm ngắm lý tưởng ở TX Đông Hòa, nhìn về hướng đông là vịnh Vũng Rô xinh đẹp, những con tàu xa khơi trở về dập dềnh trên mặt nước trong xanh. Chếch về bên trái là ngọn hải đăng Mũi Điện, điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc, xa hơn là biển Đông mênh mông như dát bạc. Nhìn về hướng nam là vịnh Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa, bờ cát cong như chiếc lá đa khổng lồ. Quay người về hướng tây - bắc là cánh đồng lúa Tuy Hòa bát ngát được ôm ấp bởi núi đồi trùng điệp, thấp thoáng những mái ngói đỏ tươi, tất cả chìm trong màu xanh mạ non.

Ngẩng lên là trời cao lồng lộng xanh thăm thẳm, đôi khi có những cụm mây trôi qua ta có cảm giác đưa tay với được; bên cạnh là “cổng trời” gió thổi vi vu, gió mang hơi nước biển tràn về dưới ánh nắng mặt trời có cảm giác như sương lam chiều se se lạnh. Bên dưới chân núi là con sông Bàn Thạch uốn lượn xuôi dòng ra biển Đông, xa hơn là TX Đông Hòa như vườn hoa xuân đa sắc, đang lớn lên từng ngày.

Lúc đi xuống thì nhẹ hơn khi leo lên, nhưng phải cẩn thận, dễ trượt chân vì lúc này đã thấm mệt. Kinh nghiệm là nên đi vào mùa khô, đi theo đoàn để động viên, hỗ trợ lẫn nhau; đồ ăn, giày dép, quần áo cần gọn gàng, mang theo cây gậy nhẹ, dài 1,5m để chống đỡ; nhờ một hai người địa phương trợ giúp, mang các vật dụng chung cho toàn đoàn. Thời gian lên xuống, ăn uống, nghỉ ngơi, ngắm cảnh, chụp hình chí ít cũng phải 5 đến 6 giờ.

Tạm biệt núi Đá Bia khi hoàng hôn buông xuống còn để sót lại những tia nắng vàng sau dãy núi phía tây, hồn ta lắng đọng, thế là mình đã được đặt chân trên đỉnh núi, được sờ tay lên hòn Đá Bia linh thiêng và hùng vĩ. Được biết mai đây, dự án Khu đô thị và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam có nội dung mở đường cáp treo lên đỉnh núi Đá Bia. Đây là ước mơ của bao người để được lên đỉnh núi.

Tuy nhiên, nếu có thể, hãy cùng nhau leo lên đỉnh núi Đá Bia, bạn mới thấy toại nguyện hành trình du lịch TX Đông Hòa, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc bên bờ biển Đông.

Núi Đá Bia là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Hàng năm, Tỉnh đoàn và Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức cuộc thi chinh phục đỉnh núi Đá Bia vào ngày 27/3 (Ngày Thể thao Việt Nam), thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là các bạn trẻ. Họ tới đây để khám phá, chinh phục đỉnh cao này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG (Báo Phú Yên)

CLIP HOT