Đến TP.HCM nghe bảo vật quốc gia kể chuyện đời xưa
Chỉ cần đi vài trăm bước chân trong bảo tàng là du khách có thể đi suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, tại đây có 12 bảo vật quốc gia, là những món quà tri thức vô giá.
Bảo tàng lịch sử TP.HCM - Nơi có nhiều tri thức cổ đang chờ du khách khám phá.
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM có 12 bảo vật quốc gia, đều thuộc nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo của nền Văn hóa Phù Nam - Óc Eo (thế kỷ 1-7) và văn hóa Champa (thế kỷ 2-17) phát triển từ xa xưa ở Nam bộ và Trung bộ Việt Nam.
Học sinh đến tìm hiểu lịch sử tại bảo tàng.
Đây là những tác phẩm nghệ thuật vừa thể hiện giá trị lịch sử văn hóa - tín ngưỡng tộc người, vừa thể hiện giá trị thẩm mỹ của kỹ thuật đương thời mang tính bản địa của các thành phần dân tộc Việt Nam trong quá khứ.
Tượng Phật được nhà nghiên cứu Louis Finot phát hiện và công bố năm 1901 cùng với 228 hiện vật tại Đồng Dương (Quảng Nam). Tượng được chế tác bằng đồng, đứng trên bệ hoa sen. Tóc xoắn ốc, thùy tai dài, khuôn mặt tròn, phúc hậu. Phần giữa trán khắc nổi một vòng tròn, chân mày cong, mũi thon. Cổ cao ba ngấn (là một trong những nét quý tướng của Đức Phật).
Thân tượng được khoác áo cà sa với nhiều nếp gấp. Hai cánh tay đưa ra phía trước. Tay phải với thủ ấn vitarkamudra (chuyển pháp luân), tay trái nắm phần vạt áo choàng.
Tượng có kích thước lớn (cao: 120 cm; ngang: 38 cm), mang phong cách nghệ thuật Amaravati với kỹ thuật đúc đặc biệt, đạt trình độ cao. Ngoài hình dáng cân đối, hài hòa, kỹ thuật tạo y phục rất tinh tế, mềm mại làm toát lên vẻ đẹp uy nghiêm, huyền bí của Đức Phật.
Tượng Phật có giá trị đặc biệt liên quan đến giai đoạn Phật giáo ở Champa phát triển hưng thịnh nhất, đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”.
Tượng Phật này được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm bởi giá trị nghệ thuật và yếu tố giao lưu văn hóa Ấn Độ khá đậm nét trên tác phẩm. Tượng là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Văn hóa Champa và đã từng được trưng bày, giới thiệu ở nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.
Tượng thần Vishnu được chế tác bằng đồng, trong tư thế đứng. Đầu đội mũ hình trụ. Tượng có bốn cánh tay, hai cánh tay sau: một tay cầm vỏ ốc (shanka) biểu tượng nguồn gốc của sự sống, tay còn lại cầm nụ sen (padma) (đã mất) biểu trưng cho trí tuệ. Hai cánh tay trước: một tay cầm quả cầu (bhu) tượng trưng cho sự vận hành vũ trụ, tay còn lại đặt lên cây chùy biểu tượng cho tri thức bản ngã. Phần thân dưới quấn dhoti dài. Tượng được tìm thấy ở Tân Hội - Rạch Giá.
Thần Vishnu - Thần Bảo tồn, là một trong ba vị thần chính của Ấn Độ giáo (Shiva, Vishnu, Brahma). Với bản tính nhân từ, thần là người bảo vệ cuộc sống, diệt trừ loài quỷ dữ, vì vậy, thần Vishnu được cư dân Phù Nam thờ phụng rất phổ biến. Tượng được tạo hình cân đối, hài hòa với giá trị thẩm mỹ cao. Là một tác phẩm độc đáo thuộc nền Văn hóa Óc Eo và đã được trưng bày ở nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.
Tượng nữ thần Durga được tạc bằng đá sa thạch, trong tư thế đứng trên bệ với hình vòng cung phía sau. Hình đầu trâu trên bệ là một dấu hiệu xác định đây là Durga, một nữ thần quan trọng trong đạo Hindu. Đầu tượng đội mũ hình trụ.
Tượng có bốn cánh tay: hai tay sau, một tay cầm đĩa tròn và tay cầm dao găm; hai tay trước chống xuống gậy trượng, có thể cũng đang cầm các vật biểu tượng. Thân trên tượng để trần, vòng eo thon. Thân dưới quấn sampot hoặc váy dài, vẽ hoa văn sóng nước. Tượng được tìm thấy tại Liên Hữu - Trà Vinh.
Durga là một trong những người vợ của thần Shiva, được biết đến là Nữ thần chiến thắng quỷ trâu.
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng thứ nhất được chế tác bằng đồng, trong tư thế đứng. Khuôn mặt phúc hậu, với đôi mắt to. Trên búi tóc có tạc một tượng Phật nhỏ trong tư thế ngồi thiền. Tượng có bốn cánh tay: hai tay phía sau một tay như đang cầm quyển sách (pustaka), tay còn lại cầm chuỗi hạt (aksamala); hai tay phía trước, một tay cầm nụ sen (padma) và một tay cầm bình nước cam lồ (kamandalu).
Đây là hiện vật gốc, độc bản, đặc biệt chất liệu đồng là một loại chất liệu tương đối hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Tượng được xác định thuộc nền văn hóa Champa thế kỷ X được tìm thấy ở Đại Hữu - Quảng Bình vào năm 1923.
Tượng thứ hai tìm thấy ở Hoài Nhơn - Bình Định, là một trong những kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng thuộc Văn hóa Champa cùng với cách thể hiện như tượng Avalokitesvara Đại Hữu. Tuy nhiên, tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn có những chi tiết trang trí đơn giản hơn về phục sức và tạo hình. Tượng cũng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ về kỹ thuật đúc đồng, tạo dáng, phục sức và chứng minh tài năng sáng tạo của cư dân Champa trong khoảng thế kỷ VIII - IX.
Những bảo vật quốc gia đang chờ du khách khám phá ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Không chỉ có vậy, ngay tòa nhà của bảo tàng cũng đáng để tìm hiểu. Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử là một kiến trúc cổ do người Pháp xây dựng gần một thế kỷ (1929) mang đặc trưng phong cách “Đông Dương cách tân”.
Tòa nhà cổ của Bảo tàng lịch sử TP.HCM.
Chỉ cần 365 bước chân dạo quanh Bảo tàng Lịch sử, du khách có thể đi suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam, tìm hiểu về đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam thông qua hệ thống các phòng trưng bày cố định và chuyên đề đặc biệt. Bộ sưu tập chọn lọc từ trên 43.000 tư liệu, hiện vật của Bảo tàng, trong đó có 12 bảo vật quốc gia được giới thiệu tại các phòng trưng bày sẽ là những món quà tri thức lịch sử - văn hóa vô giá.
Ngoài việc tham quan tìm hiểu lịch sử, du khách còn được xem múa rối nước.