ĐẢO THIÊNG TRƯỜNG SA

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Được CLB Truyền thống Thành Đoàn TPHCM cử tham gia Đoàn UBMTTQ Việt Nam TPHCM đi thăm quần đảo Trường Sa, tôi  náo nức không ngủ được. Dù là dân làm du lịch chuyên nghiệp, đã đi nhiều nước và khắp lãnh thổ Việt Nam, nhưng lần này vẫn bồn chồn khó tả. Cảm giác lâng lâng vui sướng và tự hào, y như lần đầu được ra nước ngoài tu nghiệp vào năm 1987. Nhiều bạn bè “ganh tị” và không quên dặn dò “Nhớ chụp ảnh, quay phim thật kỹ, về kể lại cho anh em”. Hành trang gọn nhẹ, hăm hở như ngày xưa lên đường ra mặt trận.

ĐẢO THIÊNG TRƯỜNG SA - 1

Tôi đã đi tàu đến tham quan các đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu), Phú Quí (Bình Thuận), Lý Sơn (Quảng Ngãi)…nhưng vẫn bất ngờ khi lên tàu Titan để bắt đầu hải trình từ cảng Cát Lái. Titan là tàu cứu hộ do Đức chế tạo, trọng tải 4.000 tấn, có thể chịu được mọi cấp gió và cả giông bão, trừ sóng thần. Tàu vừa giống khách sạn, vừa giống bệnh viện dã chiến, đầy đủ tiện nghi với phòng lạnh, nước nóng, phòng tắm… “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần” để xuống Cần Giờ hoặc Vũng Tàu nhưng lần này có nhiều cảm xúc khác lạ, “Hôm nay tôi lên đường ra thăm Trường Sa”. Dòng sông như đang reo vui; những rừng đước, dừa nước, bần, mắm… rối rít đón chào trong rộn ràng nắng sớm và gió mai nghịch ngợm đùa vui. Tàu lướt sóng ra khơi, qua cột phao số không, vào mênh mông biển cả. Bốn bề ngút ngàn xanh sóng nước, từng bầy cá chuồn “bay” lấp lánh bạc. Trăng hạ tuần như quá nhỏ bé trước bao la biển trời. Ngang “thị trấn Bạch Hổ”, biển bừng sáng trong đêm. Ngọn lửa vĩnh cửu của khí đồng hành như bó đuốc soi đường mở lối. Giàn khoan rực ánh đèn, nhìn từ xa tựa rồng mẹ đang tung tăng cùng đàn con mở hội. Thi thoảng, gặp mấy tàu chở dầu, có tàu tải trọng mấy trăm ngàn tấn. Hoặc mấy tàu chở hàng hay tàu đánh cá thấp thoáng xa xa. Càng thấm thía câu thơ “Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông dường nào. Chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu” (Xuân Quỳnh) và bài hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” (Y Vân).

ĐẢO THIÊNG TRƯỜNG SA - 2

Tôi thích đứng trên boong tàu đón bình minh hoặc đợi hoàng hôn để thỏa thuê hít thở không khí trong lành mà biển cả hào phóng ban tặng. Hít thật no nê để rửa phổi, xả hết khói bụi phố phường. Tôi cũng thích ngắm sao đêm, hồi tưởng những tháng năm cầm súng và nhớ về những người lính hôm nay. Các bữa ăn trên tàu khá thịnh soạn, ngon miệng, không trùng món, chứng tỏ bếp trưởng có đẳng cấp. Đêm đầu tiên giao lưu trên tàu, giữa thủy thủ, chiến sĩ và đoàn công tác, chúng tôi đã hát vang nhiều ca khúc về biển đảo. Giữa 2 lượt của bài cộng đồng “Anh em ta về cùng nhau ta sum họp…”, thay cho nhịp 1-2-3-4-5, mọi người đã hô vang “HOÀNG SA – TRƯỜNG SA - VIỆT NAM”. Tham gia đoàn có các ca sĩ xung kích, các chức sắc tôn giáo, cựu tù Côn Đảo, nhiều nhân sĩ trí thức, đại diện các ngành... Trẻ nhất mới đôi mươi, lớn nhất gần 80 tuổi nhưng tất cả để trẻ trung nhiệt huyết, đều giống nhau ở lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Tổ quốc Việt Nam không chỉ có giang sơn – sông núi mà bao gồm cả biển đảo.

ĐẢO THIÊNG TRƯỜNG SA - 3

Đảo chìm Đá Lát

 Quần đảo Trường Sa là nơi có mật độ sân bay nhiều nhất thế giới so với diện tích đất. Việt Nam có sân bay ở đảo nổi Trường Sa. Malaysia có sân bay ở đảo chìm, nay là đảo nhân tạo Đá Hoa Lau. Đài Loan có sân bay ở đảo Ba Bình. Philippines có sân bay ở đảo Thị Tứ. Tùy theo khu vực mà có các sóng viễn thông Viettel (Việt Nam), China Mobile (Trung Quốc), Chunghwa Telecom (Đài Loan), GSM (Philippines)… Dù không có đất trồng trọt hoặc khoáng sản và nước ngọt hiếm nhưng Trường Sa được xem là rốn dầu của thế giới, trữ lượng ước tính gần 18 tỉ tấn (Kuwait chỉ 13 tỉ tấn). Trường Sa cũng là ngư trường lớn của thế giới với nguồn hải sản phong phú, là điểm lý tưởng để tổ chức các dịch vụ hàng hải với tàu thuyền qua lại vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản và tránh bão. Trường Sa còn đặc biệt quan trọng trong chiến lược kiểm soát biển Đông và cả khu vực. Chung quanh các đảo chìm và Nhà Dàn mà tôi ghé thăm, cá cứ từng đàn nhởn nhơ, có khi đen đặc. Có cả mực, rùa. Trên đường đi còn gặp cá heo và cá voi. Đêm nào anh em thủy thủ cũng thả câu dù là tàu neo hay chạy và đêm nào cũng có cá. Có đêm câu được con cá sủ đen tổ chảng, nặng trên 30 kg. Chẳng ai dám ăn vì loài này quá nhiều chất đạm dù cực ngon. Lơ mơ ăn vào là ngồi đâu chảy đó. Chỉ còn cách luộc cho bớt mỡ rồi làm chà bông thì bá cháy.

ĐẢO THIÊNG TRƯỜNG SA - 4

Chiến lợi phẩm sau một đêm câu cá

Từ xa, Trường Sa như một chấm nhỏ rồi to dần. Những mái đỏ giữa cây xanh đằm thắm. Mọi người xuống xuồng nhỏ rồi lên đảo trong dạt dào cảm xúc. Cứ như gặp lại mẹ cha sau nhiều năm xa cách. Cả dân và bộ đội Hải quân vồn vã đón khách, rộn rã như ngày xưa mỗi lần mẹ đi chợ tỉnh về. Ríu ra ríu rít. Nắng như đổ lửa mà cây trái vẫn kiên cường tươi xanh. Ba loài cây đặc trưng là cây Bàng vuông, Tra và Phong ba. Phải gọi là Bàng thoi mới đúng vì trái có hình chụp đèn và hoa rất đẹp. Không phải loại Tra có bông như vàng anh đổi màu ven biển trên đất liền, cây Tra ở đây bông nhỏ, từng chùm và lá rất dày. Tôi thích chép những bài thơ tứ tuyệt, khẩu khí lên lá Tra vàng tặng các đại biểu và dân đảo làm kỷ niệm. Trên đảo Phan Vinh còn có cả cây dừa xum xuê trái. Đảo nào cũng trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc. Không chỉ trồng dưới đất cằn khô mà cả trên đá, trong nhà, trên nhà giàn lơ lửng. Từ cải, dền, sam, muống, mồng tơi…đến chó, gà, vịt, heo. Nước hiếm, chủ yếu từ nước mưa thu gom vào bể chứa, tắm dè sẻn rồi dùng nước đã tắm để tưới rau. Đất phải chắt chiu từng nắm, gởi từ đất liền cùng hạt giống. Còn gia súc, nhất là vịt và chó, đã “ghiền” tắm nước biển từ lâu. Dân Trường Sa hiếu khách, bình dị. Lên đảo nào cũng có thau nước mát và khăn sạch đón khách nhưng chẳng ai nỡ dùng vì biết anh em nhịn đãi khách. Trên đỉnh Nhà Giàn DK 1/9, bên cạnh thùng nước mắm tự làm, rạng rỡ một bông mai vàng thắm, lẻ loi mà đắm đuối, như cố giữ mùa xuân ở lại với biển trời.

ĐẢO THIÊNG TRƯỜNG SA - 5

Cá Lìm Kìm

Xây nhà trên đảo xa đã khó, bởi toàn bộ vật tư phải chở từ đất liền ra. Làm nhà trên những đảo chìm càng khó. Phải chờ thủy triều xuống, khẩn trương đổ bê tông thành những ngôi nhà khá đồ sộ, như mọc lên từ nước. Có đảo còn lấn biển, biến đảo chìm thành đảo nổi như An Bang. Còn Nhà Giàn thì lơ lửng mấy chục mét giữa trời, suốt ngày bạn bè cùng sóng gió. Vậy mà vẫn có rau xanh, heo, chó…Cứ như là phép lạ. Càng hiểu thêm ý chí tuyệt vời và sức mạnh phi thường của người lính đảo. Dự lễ chào cờ trên đảo Trường Sa và đảo Phan Vinh, nhìn quốc kỳ kiêu hãnh tung bay, ai cũng muốn hát thật to mà nghẹn ngào không thành tiếng. Thương nhất là các bạn văn nghệ sĩ, mỗi ngày 3 – 4 sô mệt nhoài, vật lộn với sóng gió đến từng đảo phục vụ, có nơi chỉ chục người lính. Mấy anh lính đặc công thủy phải bơi gần chục cây số về xem. Các em cháy hết mình vì biển đảo nên các đại biếu tuổi quá cổ lai hy cũng xung phong hát hò phục vụ. Ra Trường Sa, ai cũng thành nhà thơ và ca sĩ.  Bạn Đông Thành, nhân viên kỹ thuật đã 5 lần ra Trường Sa. Còn ca sĩ trẻ Ngọc Khánh mới chỉ 4 lần. Khi hát xong, Khánh thường đề nghị được các anh lính đảo ôm. Lính ngượng ngùng mắc cỡ nên Khánh và các bạn hồn nhiên ôm chặt từng người. Cái ôm nghĩa tình, chan chứa niềm vui, thay lời cám ơn, làm dịu nắng trưa và mát lòng lính đảo. Chia tay mấy lần không dứt, miệng hát mà nước mắt cứ ngắn dài bịn rịn.

Ngang qua đảo Thuyền Chài, gặp tàu hải giám Trung Quốc nghênh ngang mà sôi gan tím ruột. Đến đảo Đá Đông, chợt nhớ gò Đống Đa, mồ chôn xâm lược. Đi Trường Sa mà không thể ghé Gạc Ma nên lòng nhức nhối. Ngàn lần xin tạ lỗi với Anh linh các chiến sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa, Gạc Ma vì quân bành trướng. Chúng tôi nguyện đòi lại món nợ này, đời nay chưa xong thì đời con đời cháu. Tôi chưa thấy nơi đâu biển xanh, trong và đẹp như vậy. Ở các Nhà Giàn và chỗ tàu neo, hơn 15 mét sâu mà nhìn rõ đáy với vô vàn san hô lộng lẫy, khoe sắc.

ĐẢO THIÊNG TRƯỜNG SA - 6

Cây Phong Ba

Vì đoàn đông, lại có nhiều người lớn tuổi nên không có chương trình tắm biển. Đây là thiệt thòi và tiếc nuối nhất của đoàn. Biết vậy, nên cứ tới đâu là tôi tìm chỗ, trốn đoàn ra tắm tiên. Đã không thể tưởng. Sướng không thể tả. Trời nắng cháy da mà xuống nước là mát rười rượi, tắm là ghiền, chẳng muốn lên. Tôi đã trao đổi với các cấp thẩm quyền, bàn việc đưa du khách ra thăm Trường Sa. Tắm biển, câu cá, ngủ Nhà Giàn hoặc mắc võng dưới hàng tra rợp mát…và nhiều trò hấp dẫn khác. Đi để rửa phổi và bồi bổ tình yêu Tổ quốc. Chương trình đã có sẵn, chỉ chờ đồng ý là lên đường nhưng phải chờ qua mùa bão. Mới nghe phong phanh mà đã có mấy chục người và nhiều cặp vợ chồng đăng ký. Ai cũng dặn “Nhớ ưu tiên cho tôi, chắc chắn nha”. Ra thăm Trường Sa, không chỉ là niềm tự hào của lòng yêu nước. Từ Trường Sa về, tôi cứ bị ám ảnh bởi biển mê hoặc, cứ ray rứt về những người lính thường thiếu nước, đói rau, quanh năm xa nhà, xa quê, xa người thân thiết. Từ Trường Sa về, tôi càng biết sống có trách nhiệm hơn và làm việc hết mình hơn. Càng ước mơ một ngày không xa, sẽ ra thăm Hoàng Sa như từng thăm Trường Sa vậy.

                                             Nguyễn Văn Mỹ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT