Có một bảo tàng thế giới cà phê tại Tây Nguyên khiến quốc tế ngưỡng mộ
Chuyên trang du lịch tiếng Tây Ban Nha của Tạp chí National Geographic danh tiếng đã nhận xét “bảo tàng là nơi du khách có thể đắm chìm hoàn toàn trong văn hóa cà phê và quên Starbucks tại Đông Nam Á.”
Đây không phải lần đầu tiên mà Bảo tàng Thế giới Cà phê thu hút sự chú ý và nhận được đánh giá cao từ truyền thông quốc tế. Kể từ khi mở cửa đón khách vào ngày 24/11/2018 đến nay, nhiều hãng thông tấn uy tín trên thế giới đã không ngớt lời khen ngợi dành cho bảo tàng, như “bảo tàng sống lớn nhất – sống động và độc đáo nhất” (Thông tấn AP); “một trong 6 điểm đến tốt nhất khi du lịch Việt Nam” (Tạp chí Wanderlust)…
Nằm trong quần thể kiến trúc nổi bật rộng 45ha, lấy cảm hứng từ thiết kế nhà dài của đồng bào Êđê, bảo tàng cho phép khách tham quan hòa mình vào hàng loạt không gian chuyên đề thể hiện rõ nét văn hóa cà phê. Tại đây, bạn có thể chạm, ngửi, nếm thử vị cà phê, đồng thời, còn được tìm hiểu nhiều thông tin thú vị và bổ ích về loại hạt có khả năng “gây nghiện hợp pháp” trên thế giới.
Bảo tàng Thế giới Cà phê tại Buôn Ma Thuột. Ảnh: The World Coffee Museum
Bài viết gần đây nhất của National Geographic về Bảo tàng Thế giới Cà phê có đề cập: “Nó (Bảo tàng Thế giới Cà phê) không phải là bảo tàng cà phê duy nhất trên thế giới, nhưng chắc chắn nó là bảo tàng “tham vọng” nhất. Thế cũng đủ biết Chủ tịch Vũ, người sáng lập Trung Nguyên Legend – Tập đoàn xây dựng bảo tàng đặc biệt này có quan điểm như thế nào về cà phê: ‘Cà phê là báu vật của trời đất, là di sản của nhân loại và là giải pháp cho tương lai’.”
Đúng! Quốc tế không thiếu những bảo tàng cà phê, nhưng với Bảo tàng Thế giới Cà phê tại Buôn Ma Thuột, nó không chỉ là nơi để vinh danh cà phê, thứ hạt quý thiên nhiên ban tặng cho con người, mà còn là một không gian di sản dành riêng cho cộng đồng đam mê cà phê, mang “tham vọng” biến Việt Nam thành “thủ phủ cà phê” của thế giới.
“Cà phê là báu vật của trời đất…”
Chủ tịch Vũ nhận định cà phê là một “báu vật”, nhưng điều gì đã khiến ông có suy nghĩ như vậy?
Theo nhà sáng lập Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ, "cà phê là báu vật của trời đất, là di sản của nhân loại và là giải pháp của tương lai". Ảnh: Internet
Theo ghi nhận, cà phê là giống cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Phi và các vùng nằm trên đường xích đạo, như Madagasca, Comoros, Mauritius và Réunion. Được phát hiện lần đầu ở Ethiopia, sau đó, hạt cà phê theo chân những người nô lệ đến với xứ Ai Cập huyền bí, nhanh chóng trở thành thức uống được ưa chuộng nhất ở quốc gia này. Sang thế kỷ XVIII, những người Hà Lan đã mang hạt giống cà phê ra khỏi đất nước của các Pharaoh về trồng tại xứ Martinique. Sau đó, người Pháp và Brazil cũng mang cà phê về quê hương của mình. Đó là bước đầu để cà phê được trồng ở khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, chỉ những vùng nằm trong “Vành đai cà phê” mới có thể cho ra hạt cà phê ngon nhất. Đây là khu vực nằm giữa vĩ tuyến 23 độ Bắc và vĩ tuyến 23 độ Nam, dọc theo đường xích đạo, có điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, lượng mưa phù hợp rất lý tưởng để cây cà phê sinh trưởng và phát triển. Đối chiếu trên bản đồ, Việt Nam là một trong các quốc gia thuộc “Vành đai cà phê”.
Bản đồ "Vành đai cà phê". Ảnh: Bonjour Coffee
Có lẽ vì thế mà vào năm 1857, người Pháp đã mang giống cà phê Chè (Arabica) trồng nhiều tại nước ta. Sau này, còn có thêm các loại cà phê khác như cà phê Vối (Robusta) và cà phê Mít (Mitcharichia). Tất cả đều cho sản lượng và chất lượng ấn tượng. Từ đó đến nay, cà phê trở thành cây công nghiệp phổ biến nhất toàn quốc, góp phần mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước và đưa Việt Nam ghi danh vào tốp 2 thế giới về xuất khẩu cà phê toàn cầu, chỉ sau Brazil. Đặc biệt, giống cà phê Robusta của khu vực Tây Nguyên cũng được giới mộ điệu cà phê đánh giá là “ngon nhất thế giới”.
Không chỉ có giá trị kinh tế cao, cà phê còn hữu ích cho sức khỏe con người. Ngoài việc giúp giảm căng thẳng, kích thích khả năng sáng tạo, nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra, nếu dùng cà phê đúng cách còn có thể hỗ trợ giảm cân, tăng cường khả năng vận động, giảm nồng độ cholesterol, chống lão hóa da, giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, Alzheimer, Parkinson hay thậm chí là ung thư, lại tốt cho gan, huyết áp và tim mạch…
Cà phê nếu được dùng đúng cách sẽ mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Trong ảnh: Cà phê Robusta nổi tiếng của Tây Nguyên (Nguồn: Lofita)
Ở góc độ triết học, theo như triết gia David Berman từ Đại học Trinity College Dublin lừng danh ở Ireland đã chia sẻ trong cuốn sách “Triết lý thưởng thức cà phê” của ông rằng, nhiều thập niên qua, “gu” uống cà phê thay đổi dao động qua lại giữa chua, nhạt với đắng, đậm. Qua đó, cho ta nhìn nhận một cách sâu sắc hơn về tính cách con người nói chung và giúp ta có thể suy xét thấu đáo nội tâm bên trong một người.
Thật kỳ lạ! Một hạt cà phê tưởng chừng bé nhỏ kia lại có thể mang đến cho ta quá nhiều điều quý giá.
“… là di sản của nhân loại”
Không thể phủ nhận, cà phê là một trong số ít các giống cây trồng đã và đang có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người trên thế giới. Giờ đây, việc khởi động ngày mới bằng một tách cà phê không đơn thuần chỉ là một thói quen, một sở thích cá nhân mà đã trở thành một bản sắc văn hóa đồng điệu giữa vô số quốc gia.
Thưởng thức cà phê mỗi buổi sáng là cách nhiều người trên thế giới thường chọn để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng. Ảnh: Shutterstock
Vào thập niên 2000, lần đầu tiên Tập đoàn Trung Nguyên Legend đưa ra khái niệm “Thủ phủ cà phê toàn cầu” trong một cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật hàng đầu Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực đã gây rúng động, đồng thời, cũng tạo nên sự hoài nghi cho nhiều người.
Ít người biết rằng, để có thể đưa ý tưởng “Thủ phủ cà phê toàn cầu” thành hiện thực, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã tốn không ít công sức kiên trì quảng bá, thuyết phục các chuyên gia hoạch định chính sách, giới khoa học, văn nghệ sĩ, truyền thông thực hiện xúc tiến các cuộc vận động, mở trại sáng tác, hội thảo tư vấn các vấn đề liên quan đến kinh tế, nông nghiệp, du lịch và kiến trúc. Theo chia sẻ của Tập đoàn Trung Nguyên Legend, “Thủ phủ cà phê toàn cầu có cộng đồng sinh thái bền vững đặc trưng về cà phê; có công trình biểu tượng cho tinh thần cà phê; có hành trình khám phá cà phê qua không gian và thời gian.”
Bảo tàng Thế giới Cà phê là minh chứng cho việc nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng thiết lập một thủ phủ cà phê thế giới - một điểm hội tụ dành cho những ai yêu thích và đam mê cà phê tại Việt Nam, đồng thời, cũng là nơi gìn giữ một di sản của nhân loại của Chủ tịch Vũ.
Bảo tàng Thế giới Cà phê là điểm hội tụ dành cho những ai yêu thích và đam mê cà phê tại Việt Nam, đồng thời, cũng là nơi gìn giữ một di sản của nhân loại. Ảnh: didaucogi
Không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử hay đơn thuần chỉ là chốn trưng bày và bảo quản hiện vật khô khan, nhàm chán như người ta vẫn thường hình dung về bảo tàng, Bảo tàng Thế giới Cà phê chọn cách làm mới không gian triển lãm theo tư duy “Mở”: mở rộng các hoạt động về Thân – Tâm – Trí với giá trị cốt lỗi xoay quanh tinh thần cà phê, từ đó giúp du khách mở mang tư tưởng, tri thức và tầm nhìn khi đến đây.
Sau khi mua vé tham quan, bạn gần như ngay lập tức bị ấn tượng bởi những khối nhà màu trắng, đậm nét dấu ấn nhà dài của người Êđê, nằm trên một bãi cỏ xanh mướt. Lối kiến trúc táo bạo, mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn đảm bảo nguyên vẹn những đường nét truyền thống của nhà dài, với phần mặt ngoài được ốp hoàn toàn bằng đá bazan tạo nên vẻ đẹp độc đáo.
Bước vào bên trong, bạn sẽ nhanh chóng choáng ngợp bởi lối kiến trúc sáng tạo, cùng phong cách bày trí tạo tương tác với khách tham quan qua lối trưng bày hiện vật sống động, mang đến trải nghiệm tỉnh thức ngũ quan (nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm).
Bạn sẽ cảm nhận được hương thơm nồng ấm của cà phê toát ra từ mọi ngóc ngách bảo tàng. Không những thế, bạn còn được tìm hiểu tất cả hiện vật liên quan đến cà phê trong một không gian 360 độ, dẫn dắt người xem với nhiều điều thú vị, gợi mở những khám phá trên mỗi bước chân.
Hiện bảo tàng là nơi lưu giữ hơn 10.000 hiện vật trải dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, thể hiện sự phát triển của văn hóa cà phê, được chuyển giao từ Bảo tàng Cà phê thế giới Jens Burg (Đức). “Tôi hoàn toàn tin tưởng khi chuyển giao lại đứa con của mình cho Trung Nguyên vì tôi muốn đóng góp một phần của mình vào việc xây dựng và hình thành nên một Thủ phủ cà phê toàn cầu được xây dựng tại Việt Nam. Đây là sự đóng góp thiết thực và ý nghĩa nhất của tôi vào cuối cuộc đời của mình.” – ông Jens Burg chia sẻ.
Bảo tàng lưu giữ hơn 10.000 hiện vật về cà phê. Ảnh: didaucogi
Ngoài việc giới thiệu về lịch sử cà phê thế giới, bảo tàng còn có nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ thường niên phục vụ du khách với mục đích phát triển văn hóa cộng đồng Tây Nguyên dành cho mọi lứa tuổi, như: lễ dâng cúng cà phê của người Êđê bản địa, nghi lễ cà phê của người Oromo, chương trình biểu diễn nghệ thuật pha chế từ ba nền văn minh cà phê với công nghệ 3D mapping…
Đồng thời, tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, bạn cũng được thưởng thức những ly cà phê thơm ngon, có cách chế biến đầy sáng tạo theo nhiều phong cách khác nhau trong một không gian sang trọng, hiện đại, mang màu sắc Châu Âu. Ngắm nhìn các nhân viên pha chế tại quầy bar, bạn sẽ có dịp tìm hiểu các công đoạn pha chế cà phê đầy công phu. Thế mới thấy, để có được một ly cà phê ngon không phải là chuyện đơn giản.
Bạn có thể thưởng thức các tiết mục trình diễn văn nghệ dân tộc, đồng thời, tận hưởng vị ngon của cà phê ngay tại bảo tàng. Ảnh: didaucogi
Đường dẫn đến “giải pháp cho tương lai”
Tại hội thảo trực tuyến về chủ đề “Du lịch cà phê từ xây dựng sản phẩm đến xúc tiến” do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam phối hợp tổ chức vào tháng 9/2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá, cà phê là sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Nhờ vị trí xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới và văn hóa cà phê đặc trưng, Việt Nam được biết đến ngày càng rộng rãi trên thế giới. Sự kết hợp giữa du lịch và cà phê sẽ nâng vị thế của cả hai ngành, mở ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam, tạo ra sản phẩm du lịch mới cho du khách trải nghiệm.
Hội thảo cũng ghi nhận, các sản phẩm du lịch cà phê của một vài công ty lữ hành đã và đang được du khách đón nhận, góp phần hỗ trợ phát triển cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân đồng bào, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn.
Trên đà bứt phá của du lịch cà phê, việc khai thác Bảo tàng Thế giới Cà phê thành điểm đến trong các tour du lịch của loại hình này sẽ giúp thu hút cộng đồng yêu cà phê trên toàn thế giới đến với Việt Nam, góp phần phục hồi ngành du lịch cả nước kể từ khi đại dịch được khống chế. Đồng thời, sự có mặt của bảo tàng tại Việt Nam còn giúp định vị lại giá trị của ngành cà phê cả nước trên bản đồ cà phê thế giới, góp phần đưa ngành cà phê Việt khẳng định vị thế toàn cầu.
Làm sao để đến được bảo tàng? Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, bạn di chuyển theo đường Lê Duẩn về phía đường Nguyễn Viết Xuân. Đến vòng xoay ngã sáu thì rẽ vào đường Phan Chu Trinh, rồi sau đó đi thẳng sẽ gặp đường Nguyễn Đình Chiểu. Bảo tàng Thế giới Cà phê tọa lạc trên con đường này. |