Chợ truyền thống - 'Đại sứ văn hóa' thầm lặng của Sài Gòn
Trong nhịp sống hiện đại của chốn thành thị, nhiều người Sài Gòn vẫn chọn tìm đến những khu chợ truyền thống để được kết nối với những điều giản dị, gần gũi với văn hóa dân tộc.
Không phải ngẫu nhiên mà chợ Bến Thành trở thành biểu tượng gợi nhớ đến TP.HCM. Ở bất kỳ nơi đâu, chợ luôn là nơi lưu giữ một cách sâu đậm và sống động nhất cái hồn văn hóa của vùng đất và con người nơi ấy.
Chợ là nơi du khách từ xa đến có thể nhìn, nghe, cảm nhận và tương tác trực tiếp với văn hóa bản địa một cách nhanh nhất, dễ chịu nhất và thú vị nhất.
Ngay cả khi đã phát triển mạnh mẽ, giữa những tòa cao ốc chọc trời, giữa những khu trung tâm thương mại sầm uất và hào nhoáng thì những ngôi chợ lâu đời nức tiếng ở Sài Gòn vẫn cứ tồn tại như một minh chứng lịch sử, mang trong mình nét truyền thống và hương vị rất riêng của thành phố này.
Chợ Bến Thành: Hơn trăm năm nổi danh “chợ nhứt”
Chợ Bến Thành đang là chợ lâu đời nhất ở Sài Gòn. Theo nhiều tài liệu, khi thành Qui (thành Bát Quái) được triều đình nhà Nguyễn xây dựng, đã có một khu chợ buôn bán nhộn nhịp bên sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Qui, nên dân chúng thời ấy gọi là chợ Bến Thành.
Năm 1912, chính quyền thuộc địa Pháp cho xây chợ mới và ngày 28/3/1914, chợ Bến Thành được khánh thành ở vị trí hiện tại.
Chợ có 16 cửa ra vào gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ. Trong lồng chợ có hai lối đi chính giao nhau, mỗi lối rộng 5m và 22 “hẻm” từ cửa Nam đến cửa Bắc, 9 “hẻm” từ cửa Đông sang cửa Tây. Nổi bật nhất trên nóc chợ ở mặt tiền là tháp đồng hồ vuông vức, ba mặt Nam – Đông – Tây có gắn đồng hồ.
Vẻ nhộn nhịp, đông đúc của chợ Bến Thành trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Từ thuở chợ Bến Thành mới được ra mắt, người ta mặc định rằng đây là chợ dành cho giới thượng lưu, nhà giàu kén chọn hàng ngon nhất, khiến tiểu thương phải có hàng ngon mới bán được. Qua bao thế hệ kinh doanh nối tiếp nhau, nhiều tiểu thương vẫn duy trì truyền thống chọn “hàng nhứt” để bán.
Với uy tín kinh doanh đó của tiểu thương, Việt kiều, khách nước ngoài đến thành phố này đều nghĩ đến chợ Bến Thành đầu tiên khi muốn đi chợ để nhìn ngắm một biểu tượng cổ xưa ở nơi đây và an tâm mua sắm hàng chất lượng nhất.
Các mặt hàng bánh mứt, thực phẩm sấy khô bày bán tại chợ.
Chợ Bình Tây: Chợ đầu mối chiều khách du lịch
Với hơn 90 năm tuổi, chợ Bình Tây (đường Tháp Mười, Quận 6) cũng là một trong những ngôi chợ lớn và lâu đời của thành phố.
Những năm đầu thế kỷ XX, chợ Sài Gòn (khu vực bưu điện Chợ Lớn ngày nay) là nơi trao đổi hàng hóa của người Hoa, còn được gọi là Chợ Lớn. Do cư dân tìm đến mưu sinh ngày càng đông nên ngôi chợ dần trở nên chật hẹp.
Năm 1928, thương gia Quách Đàm bỏ tiền ra mua miếng đất sình lầy rộng 2,5 mẫu ở thôn Bình Tây, san lấp mặt bằng rồi đề nghị với chính quyền cho xây tặng ngôi chợ để người dân buôn bán, với điều kiện là ông được cất mấy dãy phố lầu chung quanh chợ để cho thuê. Lời đề nghị trên được chính quyền tỉnh Chợ Lớn lúc đó chấp thuận.
Tên chợ Bình Tây mới được đặt vào năm 1978, còn khi mới xây dựng xong (1929) và khai trương vào tháng 3/1930, chợ được gọi là Chợ Lớn Mới. Có thể nói, đây là ngôi chợ đồ sộ, quy mô hiện đại bậc nhất ở Nam Kỳ thời bấy giờ, khuôn viên rộng 25.000m2, có mặt bằng hình chữ nhật, 12 cổng ra vào.
Trước khi có dịch Covid-19, chợ Bình Tây (Chợ Lớn Mới) là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài khi đến tham quan khu vực Chợ Lớn - Quận 5.
Chợ được xây dựng theo kỹ thuật phương Tây nhưng đậm nét kiến trúc của người Hoa, thêm những nét hoa văn, họa tiết theo phong cách nghệ thuật Chăm, được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn, và được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2017.
Tháp giữa cao nhất của chợ có điêu khắc “lưỡng long chầu châu”, phía dưới là 4 mặt đồng hồ. Toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp tạo nên kiến trúc độc đáo. Chợ có khoảng không ở giữa nhằm tạo sự thông thoáng để theo thời gian, khi chợ ngày càng đông đúc thì các sạp trong chợ vẫn thoáng mát.
Chợ lúc đầu không có lầu. Năm 1992, chợ được tu sửa và xây dựng thêm một tầng lầu. Năm 2006, khu vực Trần Bình – Lê Tấn Kế của chợ được cải tạo cho khang trang hơn.
Đến năm 2018, chợ được nâng cấp sửa chữa, chỉnh trang toàn diện nhưng gìn giữ lại toàn bộ đường nét, chi tiết kiến trúc cổ. Nhiều năm qua, chợ còn được khách du lịch quốc tế đến tham quan thường xuyên bởi vẻ đẹp kiến trúc cổ xưa.
Chợ Tân Định: Khách đi xa cứ nhớ
Chợ mang nét kiến trúc thời Pháp thuộc và là ngôi chợ không thể quên trong ký ức nhiều người. Chợ được xây dựng năm 1926 và khánh thành cuối tháng 7/1927. Qua 93 năm, chợ Tân Định vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa trong kết cấu xây dựng.
Trong nhà lồng chợ Tân Định không có cột, thế mà mái chợ vẫn vững chãi bảo bọc cho tiểu thương buôn bán.
Tháp chuông trên đỉnh cổng chính của chợ gắn liền với chiếc đồng hồ to phía dưới, theo lời kể lại, ngày xưa hai kim đồng hồ cứ quay đúng mỗi một giờ, chuông lại vang lên. Giờ thì chuông vẫn còn trong tháp, đồng hồ vẫn còn hai kim như lưu giữ dấu tích xa xưa của chợ.
Cho đến nay, cái danh xưng “chợ nhà giàu” vẫn thường được nhiều người gán cho chợ Tân Định. Bởi khách hàng đến chợ không ngại mua giá cao hơn một chút so với các chợ khác vì biết hàng ở chợ này chất lượng như ý.
Tiểu thương chợ Tân Định giữ tiếng “thực phẩm khỏi chê”, từ cá, thịt, rau quả, đến mắm cũng làm người ta phát ghiền. Có một thời, người dân gọi chợ Tân Định là “chợ vải” bởi người bán vải không chỉ trong nhà lồng chợ, mà còn dày dặc trong các nhà trên phố dọc theo đường Hai Bà Trưng.
Từng có một thời, chợ Tân Định còn được gọi là "chợ vải", bởi từ bên ngoài đến bên trong chợ đều quy tụ nhiều tiểu thương tìm đến bán vải.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, dẫu thân thuộc nhưng với Vũ Khoa, một nhiếp ảnh gia tự do, lúc nào Sài Gòn cũng mang đến...