Báu vật thiên nhiên bên bờ biển Sa Huỳnh

Đầm An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm trong Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), Đầm nước ngọt An Khê được ví là “trái tim”, báu vật thiên nhiên bên bờ biển thơ mộng Sa Huỳnh.

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 1

Cách TP Quảng Ngãi về hướng Nam 45 km, đầm An Khê có diện tích mặt nước 347 ha , nơi dài nhất đo được 3,5 km, rộng nhất khoảng 1 km. Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện bên bờ biển Sa Huỳnh, gần làng cổ Gò Cỏ có khoảng 200 mộ chum. Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là kho chum Sa Huỳnh).

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 2

"Đi thuyền máy khám phá đầm An Khê, tôi cảm thấy bức tranh thiên nhiên nơi đây thật thanh bình, nguyên vẹn vẻ đẹp thuần khiết vùng nông thôn miền Trung. Đặc biệt, đầm nước ngọt mênh mông này lại nằm sát bên bãi biển của làng cổ Gò Cỏ hiếm nơi nào có được", chị Trần Thiện Thanh , nữ du khách đến từ TP.HCM chia sẻ.

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 3

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 4

Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4 m. Theo các nhà địa chất, đầm An Khê hình thành trong thời kỳ biển thoái sau biển tiến cực đại Flandrian 6.000 - 7.000 năm trước và trở thành đầm nước ngọt khoảng 3.000 - 4.000 năm cách ngày nay.

Nét độc đáo của đầm An Khê là dù sát bên bờ biển Sa Huỳnh nhưng không bị nhiễm mặn, bốn mùa nước ngọt tạo môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh. Thủy sản sống trong đầm chủ yếu là các loài nước ngọt (cá diếc, cá thác lác, cá bống, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè, tôm, ốc, cá rô phi...).

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 5

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 6

Đặc biệt ở đây có loài cá úc, song trong những năm gần đây đã dần trở nên khan hiếm. Nhóm cá biển với số lượng khá thấp sống trong đầm là các loài cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc... Khám phá đầm An Khê, du khách còn có thể thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên tuyệt tác với đàn vịt trời, các loài cò, sáo, bìm bịp, vạc, le le.. tập trung về đây kiếm ăn.

Tiến sĩ Guy Martini - Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO - đánh giá làng di sản nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa, địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 7

Theo các nhà nghiên cứu, đầm An Khê là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình phát sinh, phát triển và lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh trong quá khứ. Nơi đây là nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, khai thác thủy sản và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cổ. Do vậy, cụm di tích khảo cổ và không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đầm An Khê là những yếu tố không thể thiếu trong việc nhận diện văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi nói riêng và nền văn hóa Sa Huỳnh nói chung.

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 8

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 9

Đầm An Khê có một lối thoát nước ra biển qua một lạch nhỏ dài khoảng 3 km, gọi là Cửa Lỗ, thường bị bồi lấp quanh năm. Vào mùa mưa lũ, khi nước trong đầm tích đầy thì dãi cát ở Cửa Lỗ bị đẩy xa ra biển. Có năm người dân địa phương phải khơi thông cửa này cho nước thoát ra biển để tránh gây ngập vùng xung quanh.

  

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 10

 Không chỉ có những di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, quanh khu vực đầm An Khê, đã và đang tồn tại nhiều di sản tự nhiên và văn hóa phong phú. Cách đầm An Khê không xa, là Vũng Bàng - một vũng biển có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thuộc thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh. Trên bờ biển, phía tây bắc có tảng đá cao chừng 2 m, mặt đá phía nam (ngang 1,2 m, dọc 1,5 m), hơi nghiêng và khá phẳng. Người xưa đã khắc lên đó 10 dòng chữ Chăm cổ, vẫn còn nhìn khá rõ.

Tiếp liền Vũng Bàng, về phía tây bắc (đông nam đầm An Khê) là con đường lát đá cổ băng qua một ngọn núi mà dân cư quanh vùng gọi là núi Bồ. Ngọn núi này lại có con suối quanh năm chảy băng rừng đổ ra biển. Dọc theo con suối có khoảng 10 giếng cổ mà các nhà nghiên cứu xác định là giếng của người Chăm cổ xưa. Đây là những giếng quanh năm không cạn, nước ngọt mát và không bị nhiễm mặn, dù nằm sát biển. Không xa bia đá, bên cửa biển Sa Huỳnh là một miếu thờ có tên miếu Bà, dấu vết dung hợp tín ngưỡng thờ Bà Mẹ xứ sở (Pô I nư Naga) của người Chăm và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 11

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 12

Phía bắc đầm An Khê, tại thôn Phú Long (xã Phổ Khánh) còn có vết tích của một cây cầu bằng đá, gọi là cầu đá Phú Long, công trình của người Chăm cổ. Vũng biển, bia đá, miếu thờ, con đường kè đá cùng với sự xuất hiện những giếng Chăm với mật độ khá dày, cho phép chúng ta hình dung về một khu vực cư trú của người Chăm cổ. Họ cư trú trên sườn núi để tránh triều dâng, sống bằng nghề săn bắn, hái lượm nguồn lợi trên rừng, đánh cá dưới biển, khai thác nguồn nước ngọt tại chỗ để bán cho những thương thuyền qua lại quanh vùng.

bau vat thien nhien ben bo bien sa huynh - 13

Hiện đầm An Khê vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái hội tụ núi- rừng- đầm (nước ngọt) - dãi cát ven biển và biển (nước mặn), vừa giúp con người đương tại hình dung sinh cảnh của con người từng tồn tại nơi đây nhiều ngàn năm trước, vừa là một bộ phận hợp thành cảnh quan thiên nhiên độc đáo của vùng đất- biển Sa Huỳnh - một địa danh nổi tiếng cả nước, được giới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế từng đặt chân đến để tìm hiểu, nghiên cứu suốt hàng trăm năm qua.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Thu

CLIP HOT