Ba tuyến đường trải nghiệm miền đất hiếm có
Ba tuyến đường trải nghiệm sẽ cho bạn cơ hội khám phá một phần Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, cũng như các điểm lân cận của Công viên và người dân bản địa.
Lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây.
Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Non nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích hơn 3.683 km2, bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng, các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An. Đây là nơi sinh sống của các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Lô Lô, Sán Chỉ…
Đây là một miền đất hiếm có, nơi bạn có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản..., đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất. Chúng xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc.
CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng.
CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.
Ba “tuyến đường trải nghiệm” sẽ cho bạn cơ hội khám phá một phần CVĐC cũng như các đối tác của Công viên và người dân bản địa. Từng tuyến đều có thể đi về trong ngày, hoặc lâu hơn nếu có thời gian, và chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm độc đáo, riêng có và không thể nào quên.
Tuyến 1: Khám phá Phja Oắc – Vùng núi của những đổi thay: Tuyến tham quan “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay” theo hướng Tây, với các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, đồn Phai Khắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, Vonfram Lũng Mười và Bản Ỏ, trang trại cá hồi Phja Đén, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén và Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo, sẽ là một trải nghiệm đặc sắc mà du khách khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác ở CVĐC Non nước Cao Bằng.
Tuyến 2: Tuyến tham quan “Trở về nguồn cội”: từ Thành phố Cao Bằng ngược lên phía Bắc, với các điểm dừng chân như: Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, cảnh quan karst Kéo Yên, di chỉ hoạt động của đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên và trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Tuyến du lịch “Trở về nguồn cội” được thiết kế với thời lượng một ngày có thể là lựa chọn đầu tiên của du khách khi đến với Cao Bằng.
Tuyến 3: Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên: Tuyến trải nghiệm ở phía Đông này thực sự sẽ là điểm nhấn đối với du khách. Bên cạnh cảnh quan karst trưởng thành và già, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian, cũng như những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ…
Cuộc sống dân giã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây, non nước sẽ khiến du khách muốn trùng lòng xuống, sống chậm lại để thư thả tận hưởng những giây phút thanh thản quý giá, hiếm hoi ở “xứ xở thần tiên”.
Ngôi chùa lớn “Phật tích Trúc lâm Bản Giốc” sẽ góp phần làm giàu thêm kho trải nghiệm của du khách về tâm linh. “Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ xở thần tiên”, được thiết kế với thời lượng 1-2 ngày, và có thể còn kéo dài hơn tùy theo nhu cầu, chắc chắn nên là một trong những tuyến tham quan “chốt hạ” của du khách.
Cùng đó là các điểm du lịch không thể bỏ qua:
Thác Bán Gốc nổi tiếng thế giới.
Thác Bản Giốc: Nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, là một trong những điểm tham quan du lịch chính của Cao Bằng, thác Bản Giốc được xếp hạng danh thắng quốc gia. Bản Giốc còn được mệnh danh là thác lớn và đẹp thứ tư thế giới.
Người làm hương rất thân thiện với du khách.
Làng hương Phja Thắp: Nghề làm hương của người Nùng An ở làng Phia Thắp đã có từ lâu đời nhưng không ai biết ai là “ông tổ” đã mang nghề về làng. Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cả làng ai cũng biết làm hương.Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi: Cây mai (tiếng Tày là “mạy mười”) để làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau.
Núi mắt thần luôn là điểm đến thú vị với du khách thích khám phá.
“Mắt Thần núi” hay núi “Phja Piót” (tiếng Tày là “Núi thủng”) nằm ở xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh. Mắt Thần núi thực chất là một hang thủng hình tròn đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ. Hang nằm ở độ cao như hiện nay là do vận động nâng trong giai đoạn Tân kiến tạo. Hang phát triển trong địa hình đá vôi dạng tháp ở độ cao chung khoảng 650-700m, bao gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hàng chục hồ nước lớn nhỏ, cùng tạo nên hệ thống hồ Thang Hen. Nét độc đáo của hệ thống hồ Thăng Hen là các hồ liên thông với nhau và với các dòng chảy mặt hoặc dòng chảy ngầm.
Thung lũng treo đặc biệt ở Cao Bằng.
Thung lũng treo Tĩnh Túc: “Thung lũng treo” là một dạng địa hình karst đặc biệt ở thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, là nơi có khá nhiều dấu vết của thung lũng treo. Nguyên nhân tạo nên dạng địa hình đặc biệt này chủ yếu do vận động nâng trong giai đoạn tân kiến tạo gần đây.
Khác với địa hình thung lũng thường thấy nằm thấp hơn so với địa hình xung quanh và có chiều dài lớn hơn rất nhiều so với chiều rộng, thung lũng treo thường để lại dấu tích trên các sườn núi cao, dọc theo các đới đứt gãy. Nói cách khác, thung lũng treo nhập vào thung lũng chính ở độ cao lớn hơn nhiều so với đáy thung lũng chính.