1% NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIỚI, CHỌN SỐNG Ở ĐÂU?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

1% NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIỚI, CHỌN SỐNG Ở ĐÂU? - 1

Luân Đôn và New York là hai thành phố chứng kiến sự bất bình đẳng xã hội lớn nhất, vì có nhiều kẻ siêu giàu chọn làm nơi an cư, bên cạnh những “trung tâm” ổ chuột như khu Harlem của New York

10 thành phố thân thiện với người giàu

Một vấn đề nóng nữa trong cuộc sống đô thị hiện nay là việc chọn lựa nơi để an cư hay an dưỡng của 1% dân số giàu nhất thế giới. Năm 2012, Luân Đôn, Hồng Kông và New York là 3 thành phố đứng đầu danh sách 10 thành phố được những người siêu giàu chọn lựa để sống. Đó là kết quả cuộc khảo sát mới có tên “2012 Wealth Report” do Công ty Địa ốc Knight Frank và Ngân hàng Citi Private Bank phối hợp thực hiện.

Báo cáo dựa vào số liệu điều tra dân số của những thành phố được 1% người giàu nhất thế giới (tức những người có hơn 100 triệu USD sản nghiệp) yêu thích nhất. Nhà kinh tế Cynthia Freeland gọi họ là “tầng lớp ưu tú mới” (new global elite), còn cuộc khảo sát gọi họ là “plutonomy” của kinh tế toàn cầu. Hiện có khoảng 63.000 hộ gia đình trên thế giới có tài sản từ 100 triệu USD trở lên, tăng 29% từ năm 2006 và sẽ còn tăng nữa trong tương lai.

1% NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIỚI, CHỌN SỐNG Ở ĐÂU? - 2

Báo cáo “2012 Wealth Report” cho thấy 10 thành phố được họ chọn để an cư theo thứ tự là Luân Đôn, New York, Hồng Kông, Paris, Singapore, Miami, Geneva, Thượng Hải, Bắc Kinh và Berlin. Báo cáo cũng đề nghị những người tham gia khảo sát dự báo các thành phố nào được xem là quan trọng nhất trong 10 năm tới (2022) đối với giới siêu giàu. Kết quả có sự xáo trộn chút ít về thứ tự: Luân Đôn, New York, Bắc Kinh, Thượng Hải, Singapore, Hồng Kông, Paris, São Paulo, Geneva và Berlin. Bắc Kinh và Thượng Hải của TQ là hai thành phố thăng hạng nhanh nhất trong khi Paris của Pháp từ hạng 4 tụt xuống hạng 7, Sao Paulo của Brazil tăng lên hạng 8, còn thành phố Miami ở bang Florida (Mỹ) bị loại khỏi top 10.

Vậy các tiêu chí chọn nơi sinh sống của giới siêu giàu là gì? Khi nói về thành phố, hai tiêu chí chọn lựa ưu tiên của họ là “an toàn cá nhân” và “an ninh chính trị”. Tiếp theo là “cởi mở về kinh tế” và “ổn định xã hội”. Sau đó mới đến “nhà cửa cao cấp, tiện nghi” và “cơ hội giáo dục tuyệt hảo cho con cái”. Một trong các động lực phát triển quan trọng nhất của thành phố chính là cư dân của nó. Nó phải có môi trường sống thích hợp cho dân số đang tăng và đủ sức thu hút lực lượng lao động mà nó cần cho sự phát triển.

Được giới giàu có chọn, nên hiện có hơn 1/3 cư dân New York và Luân Đôn là người sinh ra ở nước ngoài. Bất chấp tỉ lệ tăng trưởng kinh tế đáng ngạc nhiên, nhiều thành phố tại các siêu cường kinh tế châu Á không thể đạt được “Đẳng cấp số 1” của một nền văn hoá đô thị, đủ để thu hút giới siêu giàu đến sống. Đa số vẫn là thành phố hạng 2. Vì vậy, trong một thời gian dài nữa, New York và Luân Đôn vẫn sẽ tiếp tục chiếm lĩnh hai vị trí đầu. Dĩ nhiên, “thành tích” này chỉ giữ được nếu hai thành phố duy trì được nền “văn hoá đô thị” rất riêng, với các sản phẩm đặc trưng cùng với chính sách cởi mở thu hút người giàu đến làm ăn, sinh sống.

1% NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIỚI, CHỌN SỐNG Ở ĐÂU? - 3

Những mảng tối của thành phố siêu giàu

Tuy nhiên, sự gia tăng của các “thành phố siêu giàu” cũng có một số mảng “tối”. Theo nhà kinh tế đô thị Richard Morais thì một nguyên nhân quan trọng khiến những kẻ siêu giàu chọn Luân Đôn làm nơi “tá túc” là vì thủ đô của nước Anh “sẵn sàng dung nạp những người giàu, tạo điều kiện dễ dàng cho họ đến sinh sống (thuế má, quốc tịch) mà không buộc họ phải định cư lâu dài”. “Khi cảm thấy tình hình chính trị, kinh tế hay xã hội bất an, các tỉ phú mới ở Moscow, Bắc Kinh hay São Paolo luôn tất bật tìm cách chuyển bớt tài sản đến nơi nào họ thấy an toàn và thoải mái nhất về chính trị, kinh tế và sinh hoạt. Họ thích một hệ thống pháp lý hoàn hảo, thuế má ưu đãi, có trường uy tín cho con cái học, và dĩ nhiên là có những khu vực dành riêng cho người cùng đẳng cấp” – Morais nói. New York và Luân Đôn đáp ứng tốt nhất các yêu cầu này. Vancouver của Canada là một chọn lựa khác. Khi được hỏi yếu tố nào là quan trọng nhất để quyết định nơi an cư, 63% người siêu giàu được hỏi chọn “An ninh cá nhân”. Chỉ có 21% cho “cơ hội giáo dục cho con cái”. Điều này cho thấy an ninh luôn là ưu tiên số 1 của tầng lớp giàu có.

Nhưng sống chung với người giàu cũng có lắm vấn đề. Sự phát triển của các khu vực biệt lập dành cho người giàu trong một đô thị lớn, đông dân đã tạo ra căng thẳng giữa thiểu số giàu và đông đảo cư dân nghèo sống ở các vùng lân cận.

Các biệt thự hay nhà phố dành cho thành phần giàu tại Luân Đôn và New York có giá không dưới 50 triệu USD, nằm ngoài tầm với của đa số dân địa phương. Chính sự cách biệt giàu nghèo quá lớn đã dẫn đến bạo động tại Luân Đôn vào mùa hè 2011 và làm phát sinh “Phong trào Occupy” bắt đầu từ Wall Street, New York rồi lan sang nhiều đô thị lớn ở phương Tây. Tờ Financial Times từng cảnh báo về “nguy cơ tiềm ẩn của các siêu đô thị”. “Toàn cầu hoá đã làm cho các thành phố lớn giàu hơn nhưng cũng làm tăng sự phân chia và bất bình đẳng xã hội. Ví dụ tại Luân Đôn, ngoài vấn đề thiếu niên quậy phá, chủng tộc, cuộc bạo động vừa qua còn mang tính giai cấp và cách biệt giữa các giai tầng xã hội. Nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng gặp tình trạng tương tự. Nhưng thay vì giảm cách biệt giàu nghèo, toàn cầu hoá có vẻ như chỉ làm cho nó trầm trọng thêm, thậm chí đến mức tạo ra một “thùng thuốc nổ bạo lực” chỉ chờ châm ngòi là bùng cháy. “Chúng ta đã phạm sai lầm lớn khi nhìn các thành phố Luân Đôn, New York, Tokyo…bằng con mắt quá lạc quan, và tự đánh lừa mình rằng chúng là các sân chơi bình đẳng cho mọi người, nơi mọi người cùng có cơ hội như nhau; trong khi trên thực tế, thế giới của chúng ta ngày càng nảy sinh các xung đột và chia rẽ đến mức không thể sửa chữa được” – một nhà nghiên cứu các hệ lụy của phát triển đô thị nhận định.

1% NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIỚI, CHỌN SỐNG Ở ĐÂU? - 4

Kém thân thiện vì… quá tất bật

Tại những đô thị người dân có tốc độ đi bộ nhanh; do áp lực “của sự quá tải”, ứng xử của họ có vẻ ít “lịch sự” hơn trong việc giúp đỡ người khác. Tại New York, hành vi tránh né thấy rất rõ. Trong thí nghiệm rơi viết, thay vì nhặt lên, người nhìn thấy vội vã chuyển hướng 90 độ như không nhìn thấy! Trái lại, tại Rio De Janeiro của Brazil, nơi thường bị cho là “quá cá nhân chủ nghĩa” với đủ loại tội phạm xem thường sinh mạng kẻ khác, đa số cư dân lại sẵn sàng cúi xuống lượm viết, thậm chí đuổi theo cây viết nếu nó lăn ra xa để lượm và giao lại cho “nạn nhân”.

Trong thí nghiệm về người mù, người dân New York thường chờ đợi khi đèn tín hiệu đổi qua mầu xanh để bảo đảm an toàn 100% mới đi đến trợ giúp nạn nhân. Sự trợ giúp cũng xảy ra rất nhanh như “làm cho xong chuyện vì không làm không được”. Ngược lại, tại các thành phố thân thiện hơn, sau khi giúp “người mù” qua đường, người trợ giúp còn hỏi anh ta có cần giúp thêm gì không; và họ rất sẵn lòng. Trong những yếu tố tạo ra khác biệt này, “sự tất bật” đóng vai trò quan trọng nhất. Vì bận rộn hơn (bằng chứng là đi nhanh hơn) nên người dân New York chỉ giúp người khác…cho có lệ.

Như vậy vấn đề không hoàn toàn là tử tế hay không tử tế mà do sống tại New York, “thời gian giá trị hơn, nói nhanh hơn, đi nhanh hơn nên giúp người khác cũng…nhanh hơn (Time is valuable. People talk faster, walk faster … and help faster). Ngoài ra, thí nghiệm của Levine còn phát hiện ra một điều khá thú vị: người dân New York giúp người khác giống như… thi đấu thể thao, theo kiểu “tao sẽ chứng tỏ là tao giỏi hơn mày”! Ví dụ khi có người hỏi phương hướng với ai đó trên tầu điện ngầm và nhận được câu trả lời, lập tức có một người khác đưa ra phương án mà anh ta cho là “ưu việt” hơn! Trong người hợp này, người giúp không chỉ muốn giúp mà còn muốn trở thành “kẻ hảo tâm xuất sắc nhất”.

1% NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIỚI, CHỌN SỐNG Ở ĐÂU? - 5

L.X

(Theo The AlanticCities và The Economist 4.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT