CHUYỆN LẠ TRÊN ĐẢO LONG SƠN – VŨNG TÀU

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CHUYỆN LẠ TRÊN ĐẢO LONG SƠN – VŨNG TÀU - 1Ðảo Long Sơn đâu có xa xôi gì. Hòn đảo nhỏ, thực ra là một dãy núi có hình dáng hao hao con rồng với mười mấy ngàn cư dân ở đây là một xã thuộc thành phố Vũng Tàu. Từ 1997 về trước, đảo hoàn toàn cách biệt với đất liền, bởi xung quanh bị bao bọc bởi một hệ thống đầm phá, nước mặn và sú vẹt. Dân đảo kể rằng, muốn vào đất liền hồi đó phải đi đò qua đầm mất nửa tiếng đồng hồ, hàng ngày có gần hai mươi con đò chở khách thường trực đón đợi. Nay thì khác, đảo đã vĩnh viễn được nối với đất liền bởi một con đường nhựa hiện đại, một cây cầu vững chắc bắc qua đầm với hệ thống chiếu sáng. Ðiện đã về cùng với đường và từ vài năm lại đây dân đảo Long Sơn đã được dùng nước máy. Vậy, trên hòn đảo này có điều gì lạ? Những điều chúng tôi thông tin khi ghi nhận ở đây không lạ với nhiều người, nhưng có thể thú vị với những ai chưa một lần đến với Long Sơn

 

MỘT KHÔNG GIAN LẠ

Lịch sử hình thành vùng cư dân đảo Long Sơn có từ 127 năm trước. Hơn 100 năm chưa phải là cũ nhưng một không gian văn hóa, cảnh quan và kiến trúc có tính quần thể và hệ thống còn được lưu giữ khá nguyên vẹn từ buổi khởi nguyên ở đây đã tạo nên những xúc cảm hoài niệm cho những người chứng kiến.

Chúng tôi như lạc vào một vùng đất lạ. Có cái gì đó vừa rất xưa cũ lại vừa rất mới mẻ hiện ra. Trong cái nắng đặc trưng của đảo, gió từ biển thổi vào cái hương vị mằn mặn nồng nồng. Khu vực trung tâm đảo mang dáng dấp một thị tứ cổ. Một quần thể kiến trúc sắp xếp đối xứng, tiền hậu thống nhất, theo thuật phong thủy "tiền trì hậu chẩm". Trong quan niệm phương Ðông trung tâm là Nhà lớn (nhà khách, điện thờ, nhà hậu, năm dãy nhà phố, rồi chợ và trường học... Trên bến, dưới thuyền... Khởi thủy đều do một người lập nên từ đầu thế kỷ trước. Ðón chúng tôi là những người đàn ông vạm vỡ, với cốt cách khoáng đạt. Trên người họ là những bộ áo quần bà ba đen, trên đầu là những búi tóc củ hành. Những người phụ nữ cũng vận đồ đen, ăn nói bặt thiệp, đặc biệt họ dùng rất nhiều những từ ngữ "ngày xưa" - những từ ngữ mà bây giờ người ta ít dùng. Một không gian, dù không "liêu trai" nhưng tạo cho chúng tôi liên tưởng đến những chàng Tử Trực, Hớn Minh, những nàng Nguyệt Nga, Kim Liên trong truyện thơ "Lục Vân Tiên" của cụ Ðồ Chiểu...

CHUYỆN LẠ TRÊN ĐẢO LONG SƠN – VŨNG TÀU - 2

AN TIÊM CỦA ÐẢO LONG SƠN

Cụ bà Nguyễn Thị Ðịnh (87 tuổi) là một trong những người già nhất hiện nay trên đảo. Cụ vốn quê gốc Bến Tre, theo cha mẹ đến lập cư ở đây “thuở còn chưa mặc quần” - đó là lời cụ Định nói trong khi móm mém cười. Cụ kể về lịch sử đảo Long Sơn, mà theo cụ là "do cha mẹ kể lại":

Hồi mới lập cư làng đảo gọi là làng Nứa. Gọi là làng Nứa vì trên đảo toàn là rừng rậm, đặc biệt có nhiều cây nứa, cây le. Một vùng đất hoang vu nối lên giữa mênh mông nước chưa hề có một dấu chân người, chỉ có dấu chân của loài thú hoang. Cách nay 127 năm trước có một người đàn ông đã trở thành công dân đầu tiên của đảo. Người đó là Lê Văn Mưu, quê vùng biển Giang Thành, Châu Ðốc, An Giang. Chán cảnh đen trắng cuộc đời, ông từng tu tại gia và khi "đắc đạo" thì lên một con thuyền lênh đênh trên biển đi tìm "đất linh". Một ngày kia, vô tình gặp hòn đảo hoang vu này ông cắm sào lập nghiệp. Chàng An Tiêm đó bắt đầu dựng xây "cơ đồ" trên hoang đảo từ hai bàn tay trắng và tấm lưng trần. Ông về lại quê nhà và kéo theo những người thân và đệ tử. Làng Nứa càng ngày càng đông, từ vài chục rồi lên vài trăm người. Ông cùng mọi người phát quang rừng rậm, dọn dẹp lau sậy, khai núi dựng nhà, kê biển làm ruộng. Ông đã cùng mọi người dựng nên Nhà Lớn, lập chợ, cất trường học, xây lên năm dãy nhà phố. Năm dãy nhà phố này nhằm mục đích cho người nghèo mới đến ngụ cư. Họ ở trong những nhà phố đó miễn phí, khi có tiền cất nhà riêng thì trả lại và giành cho người đến sau. Ðến tận bây giờ tập quán này vẫn được người trên đảo lưu giữ. Cô bé Thơ (sinh năm 1984) kể chuyện rằng, gia đình em sắp trả lại nhà phố vì đã đủ tiền cất nhà riêng...

Ông Lê Văn Mưu đã mất ngày 19-2 năm Hợi, cách đây hơn 70 năm (dân đảo cung kính gọi là ông "qui vị" - về chỗ ban đầu). Dù ông có danh tánh nhưng dân đảo chỉ cung kính gọi bằng "Ông", hoặc đầy đủ là "Ông Trần", vì họ tưởng nhớ ngày xưa ông đã phơi lưng trần khai hoang lập đảo...

CHUYỆN LẠ TRÊN ĐẢO LONG SƠN – VŨNG TÀU - 3

ÐẠO ÔNG TRẦN

Bạn đã bao giờ biết đến một tín ngưỡng gọi là "đạo Ông Trần" chưa? Ở Việt Nam chỉ duy nhất ở đảo Long Sơn thờ đạo Ông Trần và "tín đồ" chỉ chiếm khoảng 2/3 cư dân trên đảo (khoảng hơn 10 ngàn người). Ông Trần là ai thì ở phần trên chúng tôi đã nói, chính là người công dân đầu tiên của đảo Long Sơn - Lê Văn Mưu. Cô Ba Kiềm, chắt bốn đời của ông Trần thứ lỗi không thể tiếp chuyện với chúng tôi lâu bởi cô bận đón tiếp bá tánh. Cụ bà Nguyễn Thị Ðịnh và cụ bà Nguyễn Thị Nhậm trở thành hai người "truyền đạo". Chúng tôi hỏi:

- Chủ trương của đạo Ông Trần là gì?

Bà cụ Ðịnh trả lời:

- Thưa, ông là người từng tu tại gia. (Tôi hỏi "ông tu đạo gì" thì cụ Ðịnh trả lời là "không biết"). Ðạo của ông sáng lập là "Nhân đạo" (đạo làm người). Ông răn mọi người sống phải biết tu thân, tu nhân, tích thiện, sống hiền lương. Con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; xóm giềng phải đoàn kết, tương ái tương thân…

- Thưa cụ, tại sao lại gọi là đạo "Ông Trần"?

Cụ Ðịnh:

- Ðạo do ông sáng lập nên, bá tánh gọi tên đạo theo cách gọi tên ông. Ông cũng đồng ý với cách gọi đó và giảng nghĩa thêm: làm người, có trần ai mới có thành đạt!

- Ông có để lại giáo lý, kinh bổn gì không?

Bà cụ Nhậm tiếp lời:

- Ðạo chúng tôi có một nguyên tắc là "di ngôn bất di tự" (để lời nói, không để lại văn tự). Tất cả lời ông giáo huấn thì ông bà truyền cho cha mẹ, cha mẹ truyền lại con cháu. Người trước truyền cho người sau cái tinh thần của đạo...

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, đây là một loại hình tín ngưỡng dân gian. Nó tự nhiên sinh thành và tồn tại bởi hợp với nhu cầu hướng thiện tất yếu của con người. Trong năm, đạo Ông Trần tổ chức hai ngày lễ trọng, đó là ngày vía ông (giỗ) vào 19 và 20-2 và Tết Trùng Cửu 9/9. Hàng ngày có bốn lần cung kỉnh: đầu giờ sáng kỉnh nước và hương; khoảng 7 giờ 30 kỉnh cơm; 14 giờ 30 kỉnh cơm và 16 giờ kỉnh hương...

 CHUYỆN LẠ TRÊN ĐẢO LONG SƠN – VŨNG TÀU - 4

MỘT TÁNG TỤC RẤT ÍT NGƯỜI BIẾT

Từng nghe và biết trên thế giới và ở Việt Nam có nhiều hình thức táng tục lạ như: hỏa táng, thủy táng, chôn người chết trong lòng cây lớn đang sống... Nhưng bạn đã từng nghe kiểu táng "người chết chung hòm" chưa?

Người theo đạo Ông Trần quan niệm: "Sống đồng tịch, đồng sàng; chết đồng quan, đồng quách". Khi sống chung nơi, ngủ chung giường, thì khi chết cũng phải liệm chung một quan tài. Từ quan niệm đó, khi đạo hữu tạ thế họ không đóng quan tài riêng để chôn. Cả đạo có một cái hòm "chung" mà họ gọi là "bao quan". "Bao quan" được đặt tại Nhà Sơn Long hội. Khi có người chết họ "thỉnh" và rước "bao quan" về nhà liệm người chết vào đó. Di quan ra nghĩa địa, trước lúc hạ huyệt người ta mở nắp bao quan chuyển thi hài sang liệm vào đôi chiếu cói và chôn. Còn "bao quan" vẫn giữ nguyên và đưa về chỗ cũ trong Sơn Long hội, chờ đám tang mới...

Theo chân bà Nhậm, chúng tôi đến Sơn Long hội và chứng kiến tận mắt cái "bao quan". Trong cảnh tranh tối tranh sáng của ngôi nhà thấp và kín, chiếc "bao quan" nằm đó, được đan bằng tre và sơn màu đỏ. Chúng tôi có cảm giác rờn rợn khi tưởng tượng cảnh đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thi thể đã từng nằm trong đó trên đường lìa trần. Trên nắp "bao quan" là những lớp tàn nến cháy chồng lên nhau. Cái ý tưởng "đồng quan, đồng quách" ấy xin miễn bàn về khoa học hay những ý niệm siêu hình mà ở một khía cạnh nào đó nó mang chất "người"! Có lẽ đứng trước "bao quan" trong giờ vĩnh biệt một con người, chắc những người đang sống sẽ gần gũi và chia sẻ với nhau hơn vì rồi một ngày nào đó trong tương lai họ cũng sẽ "mặc" chung, một "tấm áo" này....

CHUYỆN LẠ TRÊN ĐẢO LONG SƠN – VŨNG TÀU - 5

LỜI TẠM KẾT

Cơn mưa chiều bất ngờ đổ xuống. Ðảo mờ nhòa dần phía sau lưng. Chợt dâng lên xúc cảm như là hoài niệm về một điều gì đó xa vắng. Những ngôi nhà, những dãy phố cổ kính, con thuyền 127 năm trước cập đảo; những án thư, hương án, những bộ phản gỗ khảm xà cừ; bến thuyền, phố chợ... - một bảo tàng sống động của những ngày đầu tiên có mặt con người trên đảo. Rồi những tấm lưng trần phơi nắng phơi mưa, những bàn tay chai sạn đã biến rừng rậm hoang vu, biến làng Nứa sơ khai thành Long Sơn trù phú hôm nay...

Có thể còn những điều chúng tôi chưa khám phá hết trên hòn đảo nhỏ này. Ngay cả những gì trên đây cũng chỉ là ghi chép lời kể và những gì trông thấy. Thật tiếc là chưa kịp tích lũy thêm tư liệu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về tôn giáo, lịch sử, văn hóa. Vẫn biết rằng, Nhà Lớn (đền Ông Trần) đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia từ năm 1991 và hiện tại, Ngành Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có cái nhìn chiến lược đối với đảo Long Sơn...

U.T.B

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT