TP.HCM: Mở rộng liên kết nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM đặt mục tiêu có 290 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên vào năm 2030, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận đạt 4-5 sao. Thu nhập của người dân nông thôn dự kiến sẽ tăng từ 2,5-3 lần so với năm 2020.

Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị hướng đến tương lai bền vững

TP.HCM đã thông qua Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chương trình này hướng đến mục tiêu biến TP.HCM thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống người dân.

TP.HCM: Mở rộng liên kết nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch - 1

Tham quan mô hình trồng lan tại TP.HCM

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết Thành phố không có nhiều diện tích đất để mở rộng sản xuất nông nghiệp nhưng có lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, TP.HCM còn là trung tâm chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các loại nông sản.

Chính vì vậy, mục tiêu tổng quát của ngành nông nghiệp thành phố đến năm 2030 là phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững; bảo đảm kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị.

Chương trình phát triển nông nghiệp cũng tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp các vùng, khu vực và cả nước phát triển. Nông thôn được phát triển toàn diện với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý và môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 2%/năm và giá trị sản xuất ngành đạt bình quân 2-2,5%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất canh tác nông nghiệp dự kiến đạt 850-1.000 triệu đồng/năm.

Cùng với đó là hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Thành phố. Phát triển sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch có lợi thế của từng địa phương, cộng đồng theo chuỗi giá trị và kinh tế số, đảm bảo hiệu quả và bền vững; gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, TP.HCM đặt mục tiêu có 290 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên vào năm 2030, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận đạt 4-5 sao. Thu nhập của người dân nông thôn dự kiến sẽ tăng từ 2,5-3 lần so với năm 2020.

Mở rộng liên kết nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch

Với tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ phát triển nông nghiệp gắn với điều kiện đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và hướng đến sự bền vững.

Nổi bật trong chiến lược phát triển này là việc ngành nông nghiệp TP.HCM sẽ tích hợp đa ngành, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút mạnh mẽ đầu tư từ mọi thành phần kinh tế. Trọng tâm sẽ được đặt vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, liên kết vùng tạo thành hệ sinh thái đa giá trị, đảm bảo an ninh lương thực.

TP.HCM: Mở rộng liên kết nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch - 2

Làm nông nghiệp gắn với trải nghiệm du lịch tại Củ Chi

Đặc biệt, tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp dự kiến sẽ chiếm khoảng 50% giá trị của ngành, đóng góp quan trọng vào bộ chỉ số tăng trưởng xanh và tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). TP.HCM cũng sẽ chủ động trong công nghệ sản xuất giống và phát triển dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cho cả nước và khu vực.

Nông dân và cư dân nông thôn sẽ được khuyến khích phát triển các phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững, góp phần tạo ra không gian xanh, trong lành và thân thiện môi trường. Đồng thời, phát triển làng nghề nông nghiệp, nông thôn đậm đà bản sắc văn hóa, gắn liền với du lịch TP.HCM, kết nối đồng bộ với hệ thống trung tâm logistics khu vực.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: "Nông nghiệp TP.HCM tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định nhiều mặt cho tổng thể kinh tế - xã hội."

TP.HCM cũng là trung tâm chế biến lương thực thực phẩm và đầu mối tiêu thụ nông sản của khu vực phía Nam. Do đó, chương trình phát triển nông nghiệp của TP.HCM không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn hướng đến kinh tế nông nghiệp, lấy tín hiệu thị trường làm thước đo, động lực và mục tiêu phát triển.

Theo ông Võ Văn Hoan, nông nghiệp TP.HCM còn nhiều tiềm năng để phát triển theo chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, lĩnh vực từ sản xuất giống, sản xuất nông sản đến cung cấp dịch vụ nông nghiệp, chế biến và thương mại nông sản cho khu vực. Mở rộng liên kết nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch cũng được xem là giải pháp hiệu quả giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và cải thiện đời sống người dân.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT