Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngoài đau thương và thảm khốc, sự kiện 11/9 còn kể một câu chuyện cảm động bên ngoài nước Mỹ, về một thị trấn nhỏ trở thành điểm du lịch bất đắc dĩ giữa biến cố.

20 năm trước, toà tháp đôi ở New York bị khủng bố, nước Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Để đảm bảo an ninh, Mỹ lập tức đóng cửa không phận, hơn 200 chuyến bay không thể hạ cánh. Cách đó không xa, có một thị trấn nhỏ sẵn sàng gồng mình lên “đón cả thế giới”, giúp phần nào xoa dịu nỗi đau của thảm họa.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 1

Chào mừng đến Gander: Ngã tư của thế giới. Ảnh: GoCanada.

Tại cực đông của Canada có một thị trấn nhỏ tên Gander, nằm trên đảo Newfoundland. Đây là nơi có khí hậu lạnh lẽo, dân số thưa thớt. Thị trấn Gander chỉ có khoảng 11.000 cư dân sinh sống vào năm 2001.

Gander có một sân bay lớn, được mệnh danh là “ngã tư đường của thế giới” bởi vào Thế chiến thứ hai, nơi đây thường được dùng làm bãi đáp, nghỉ của nhiều máy bay để nạp nhiên liệu cho các chặng bay dài. Sau này công nghệ phát triển hơn, chức năng này cũng không còn được dùng tới.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 2

Khoảnh khắc tòa tháp bốc cháy dữ dội sau khi bị chiếc máy bay tốc độ 940 km/h đâm vào. Ảnh: Reuters/Sean Adair.

Ngày 11/9 năm đó thì lại khác. Garry Tuff, khi ấy là nhân viên phụ trách an ninh và các vấn đề khẩn cấp tại Sân bay Quốc tế Gander, nhận tin có vụ tấn công hàng không ở New York. Ông lập tức nghĩ ngay đến “số phận” thị trấn 10.000 dân của mình.

Sau khi tín hiệu báo động khẩn cấp tầm quốc gia được phát đi, Mỹ đóng toàn bộ không phận. Khoảng 200 chuyến bay trên bầu trời lúc đó không còn điểm đến, rơi vào trạng thái hoang mang và hỗn loạn. Bốn chiếc Boeing bị cướp, đâm vào toà tháp đôi, Mỹ buộc phải từ chối tiếp nhận bất cứ chiếc máy bay nào có thể đi vào lãnh thổ quốc gia để đề phòng hiểm họa.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 3

Sân bay Quốc tế Gander chật kín máy bay đổ về, đã rất lâu rồi từ thời chiến tranh mới có cảnh tượng như vậy. Ảnh: Steve McKinley.

Trước tình cảnh đó, Canada đã triển khai chiến dịch Nơ Vàng với mục tiêu duy nhất: chuyển hướng hơn 200 chuyến bay kia, hạ cánh chúng xuống lãnh thổ Canada để đảm bảo rằng không có chuyến bay nào có nguy cơ khủng bố. Gander trở thành tâm điểm, một là vì sức chứa của nó, hai là vì mọi rủi ro sẽ dễ kiểm soát hơn trong một thị trấn nhỏ.

Trưa ngày 11/9, tổng cộng 38 chuyến bay đã hạ cánh xuống Gander, với tổng số lượng hành khách tầm 7.000 người, có nghĩa là gần như khiến dân số của Gander tăng gấp đôi.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 4

Thị trưởng Claude Elliott, người đưa ra quyết định khẩn cấp sau sự cố xảy ra. Ông sẽ nghỉ hưu trong năm nay sau 21 năm điều hành thị trấn. Ảnh: Humming Zone.

Thị trưởng Gander lúc bấy giờ, ông Claude Elliott đã ban bố tình trạng khẩn cấp, ông kêu gọi toàn bộ Gander dừng hết mọi công việc thường nhật, mở rộng cánh cửa để hỗ trợ, cưu mang và tiếp nhận những vị khách bất đắc dĩ.

Tất cả trường học, cơ quan và xí nghiệp ở Gander đã thực hiện theo và không có chút phản đối nào, đến cả những tài xế xe buýt đang đình công lúc bấy giờ do mâu thuẫn nội bộ cũng trở lại vô lăng của mình.

“Chúng tôi làm việc dễ nhất có thể làm, đó là giúp đỡ mọi người. Chúng tôi dặn nhau, không được phép nhìn vào màu da, tôn giáo, xu hướng tính dục của họ, những điều khác biệt giữa chúng ta không có ý nghĩa gì, chúng tôi chỉ nhìn họ như một con người,” thị trưởng Claude Elliott chia sẻ. Ông sẽ nghỉ hưu trong năm nay sau 21 năm đồng hành với người dân Gander.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 5

Các vị khách từ khắp nơi trên thế giới trú tạm ở Gander. Sân bóng trong trường trở thành mái nhà ấm lòng trong cơn khốn khó. Ảnh: Scott Cook/Canadian Press.

Năm 2001 là thời đại chưa có sự kết nối, internet vẫn còn chưa phổ biến. 7.000 “người lạ” ở Gander không biết gì đang xảy ra ngoài kia. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Một số người có thể liên lạc với người thân và nhận thông tin loáng thoáng. Các cơ trưởng và tiếp viên tìm cách xoa dịu hành khách bằng các dịch vụ trong chuyến bay nhưng không thành khi họ tiếp tục hoảng loạn.

Tối ngày 11/9, các hành khách lần lượt được xe buýt đưa vào trong thị trấn nhưng họ không được phép mang hành lý cá nhân theo vì lý do an ninh. Bắt đầu từ đây, họ gặp gỡ các "ân nhân" của mình. Già, trẻ, lớn, bé hay cả phụ nữ mang thai, tất cả đều có một nơi để ngủ, một không gian để cảm thấy an toàn. Họ được cung cấp thức ăn và quần áo, kể cả những vật dụng vệ sinh cá nhân đã được chuẩn bị từ trước.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 6

Rồi cũng đến lúc, những hành khách bắt đầu hướng mắt về màn hình TV và xem những hình ảnh kinh hoàng nước Mỹ đang trải qua, họ lại tiếp tục rơi vào trạng thái hoảng loạn. Nhiều người đã phải tìm cách gọi về gia đình để nghe tiếng người thân của họ. Lúc đó, không có mặt hàng nào thiết yếu hơn điện thoại. Gander đã phải lắp hơn 50 điện thoại công cộng, hoạt động 24/24 để tất cả mọi người đều có thể liên hệ với người thân tại quê nhà.

Sự hiếu khách và nồng hậu của người dân Gander đã chạm tới trái tim của những lữ khách gặp nạn. Mắc kẹt tại nơi này trong 5 ngày, họ được người Gander rủ đi săn bắn, tham quan ngắm cảnh, thưởng thức đặc sản địa phương, đưa về nhà để vệ sinh cá nhân. Đỉnh cao nhất của sự hiếu khách này nằm ở việc Gander tổ chức một buổi tiệc với âm nhạc tưng bừng, làm lễ chứng nhận các lữ khách này là “cư dân danh dự không chính thức của Newfoundland”.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 7

Hành khách chụp ảnh tại sân bay Gander trước khi trở về nước, sau 5 ngày được chào đón nồng nhiệt tại thị trấn. Ảnh: CNA.

Sau khi tất cả các máy bay đã được kiểm tra an ninh và bão Erin sắp đổ bộ vào đảo, cũng là lúc 7.000 lữ khách phải chào tạm biệt người dân Newfoundland. Trong hoạn nạn lại gặp ân nhân, Newfoundland để lại trong lòng rất nhiều hành khách năm đó một ấn tượng sâu đậm. Tinh thần giúp đỡ người hoạn nạn trong thời khắc đen tối nhất đã khiến nhiều hành khách cảm động. Vì người dân Gander nhất quyết không nhận tiền, họ đã để lại tấm lòng của mình ở thùng thư góp ý dành cho thị trưởng.

Trên chuyến bay Delta 15, một hành khách đã lên tiếng kêu gọi thành lập một quỹ ủng hộ dành cho học sinh và trẻ em Newfoundland. Quỹ này, được biết đến dưới cái tên Gander Flight 15 Scholarship Fund vẫn còn tồn tại đến ngày nay, với số tiền lên đến 1,5 triệu đô.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 8

Những học sinh đầu tiên được tốt nghiệp từ Quỹ Học bổng Gander Flight 15. Ảnh: Angela Wilmott.

Có rất nhiều hành khách đã để lại một phần trái tim mình nơi Gander. Giữa cơn khốn khó, cặp đôi Nick Marson đến từ Anh và Diane Kirschke đến từ Texas đã gặp gỡ, bảo bọc và đem lòng yêu nhau.

Năm đó, Nick 50 tuổi còn Diane 58 tuổi. Sau khi trở về nhà, họ đã không chịu nổi và quyết định kết hôn khi Nick dọn qua Texas cùng với Diane. Họ đi tuần trăng mật ở Gander và đến giờ vẫn trở lại hòn đảo Newfoundland rất thường xuyên.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 9

Nick Marson và Diane Kirschke, cặp đôi tìm thấy được nửa kia trong những ngày làm khách bất đắc dĩ tại Gander. Ảnh: PA.

Trong số những người kẹt lại ở Gander năm đó còn có Beverley Bass, nữ cơ trưởng đầu tiên trong lịch sử. Bà từng tâm sự thời khắc lịch sử đó cực kỳ kinh khủng: trong tim là nước Mỹ đang lâm nguy, trong đầu là những tưởng tượng kinh hoàng khi đồng nghiệp của mình trên bốn chiếc Boeing đã tử nạn, còn phía sau lưng là mấy trăm hành khách đang tin tưởng và trông cậy vào mình. Như tất cả mọi người, Berveley vẫn thường xuyên ghé thăm Gander.

Thị trấn nhỏ ở Canada gồng mình “đón chào cả thế giới” sau sự kiện 11/9 - 10

Nữ cơ trưởng Beverley Bass. Ảnh: American Airlines.

Tưởng niệm sự kiện 11/9 vào năm 2011, Gander đã tổ chức sự kiện đoàn tụ, chào đón các lữ khách năm xưa trở về. Họ về lại thị trấn nhỏ, gặp lại những cố nhân mà họ mang ơn suốt đời. Họ tưởng niệm những gì đã mất và cùng lan tỏa câu chuyện đẹp về thị trấn vận hành bởi tình người.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đĩnh Trượng

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.