Thành phố biết mơ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi từng nghe ai đó nói rằng: "Sài Gòn - TP.HCM là thành phố không bao giờ ngủ, nhưng vẫn luôn biết mơ". Có thể không ai xác minh được nguồn gốc câu nói ấy, nhưng với tôi, nó đúng.

Nếu TP.HCM có thể kể chuyện, có lẽ thành phố sẽ không bắt đầu bằng những tòa nhà chọc trời hay tuyến metro chạy băng băng trên cao, mà thành phố sẽ khẽ mở lời bằng một buổi sáng có mùi cà phê rang từ cuối hẻm, tiếng rao bánh mì ấm áp xuyên qua ngã tư ồn ào, hay ánh nắng nghiêng qua mái ngói xưa của một căn nhà nhỏ còn giữ nguyên lớp vôi loang lổ.

Những điều tưởng chừng nhỏ bé đó, với tôi, chính là những "di sản còn sống". Chúng không nằm sau tủ kính bảo tàng, không được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhưng lại âm thầm gìn giữ ký ức đô thị, thứ khiến một thành phố trở nên có hồn. Từ những "mảnh di sản sống" ấy, tôi cảm nhận được bản sắc độc đáo của TP.HCM, một thành phố luôn biết cách dung hòa quá khứ và hiện tại. Ở đây, hiện đại không che khuất truyền thống mà để chúng cùng tồn tại, cùng phát triển.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố này, vậy mà vẫn còn nhiều con hẻm chưa từng đi qua, nhiều tiệm xưa ẩn mình sau những khối nhà văn phòng mới xây. Có những buổi sáng, tôi dừng lại trước một tiệm may lâu đời lọt thỏm giữa hai cao ốc. Bên kia đường, gánh xôi truyền thống vẫn bám trụ cạnh một quán cà phê công nghệ cao. Từ những hình ảnh đó, tôi nhận ra TP.HCM không xóa đi cái cũ để dựng lên cái mới, mà để cả hai cùng song hành, bổ sung và nâng đỡ nhau. Càng hiện đại, con người càng có xu hướng tìm về điều xưa cũ như một bản năng tự nhiên để gìn giữ chính mình giữa nhịp sống hối hả.

Tôi từng nghĩ "di sản" là tượng đài, là phù điêu, là hiện vật cổ. Nhưng rồi nhận ra, di sản cũng có thể là một quán cơm tấm còn dùng bếp than, là bác xe ôm già nằm võng dưới tán cây me, là tiếng rao "Ai tàu hủ bánh lọt đi!" vang vọng trong trưa hè oi ả. TP.HCM không níu kéo quá khứ, nhưng cũng chưa từng buông tay nó. Thành phố để quá khứ tiếp tục sống, len lỏi và thở cùng nhịp sống hiện đại. Đó là một dạng di sản đặc biệt, không cần trưng bày, chỉ cần hiện diện.

Tôi nhận ra điều ấy rõ hơn mỗi lần ghé thăm những không gian xưa vẫn tồn tại giữa thành phố tấp nập. Như Chùa Ngọc Hoàng, ngôi chùa hơn trăm năm tuổi. Khói hương nghi ngút, mái ngói rêu phong, phù điêu rồng phượng như kể những chuyện xưa mà chỉ ai đủ tĩnh tâm mới cảm được. Tôi có hỏi cô bán nhang bên ngoài vì sao nhiều người trẻ vẫn tìm đến đây. Cô chỉ bảo: "Vì người ta vẫn tin. Tin vào cái đẹp cũ, tin vào điều linh thiêng không cần chứng minh".

Thành phố biết mơ - 1

Mặt tiền Chùa Ngọc Hoàng xen giữa khu đô thị hiện đại. Ngôi chùa là một di sản văn hóa tâm linh hơn trăm năm tuổi vẫn sống động giữa thành phố hôm nay. Ảnh: Đăng Khoa.

Cũng vì thế, tôi thường ghé quán cà phê Cheo Leo, một quán cà phê vợt lâu đời trong một con hẻm nhỏ. Ở đó không có wifi, không tiếng nhạc xập xình mà chỉ có ấm nhôm bạc màu, ghế nhựa thấp và hương cà phê thơm nồng như níu lại một lát cắt thời gian. Người ta đến không vì tiện nghi, mà vì nơi ấy, thời gian như chậm lại đủ để một ký ức xưa sống lại trong lòng mỗi người.

Dù đã sống ở TP.HCM suốt cả tuổi thanh xuân, tôi vẫn thấy mình chưa hiểu trọn vẹn thành phố này. Có lẽ bởi nơi đây không chỉ có một bản sắc, mà là hàng ngàn câu chuyện cùng tồn tại song song. Tiếng xe máy tấp nập, những tòa nhà kính ở Phú Mỹ Hưng, nhưng cũng là những quán chè nhỏ, những bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ vẫn được gìn giữ trên đường Trần Hưng Đạo. Chính sự xuất hiện đồng thời của quá khứ và hiện tại tạo nên một bản hòa ca không thể sao chép.

Thành phố này không ngừng biến đổi, nhưng vẫn giữ trong lòng những không gian mà thời gian như dừng lại. Mỗi lần tôi có dịp đến Thảo Cầm Viên, tôi lại thấy trẻ nhỏ chạy nhảy dưới những hàng cây cổ thụ. Tiếng tàu điện đồ chơi vang lên, tiếng khỉ kêu, tiếng cười vang trong nắng. Nơi ấy không chỉ là công viên mà là một phần tuổi thơ tập thể, một phần ký ức của người Sài Gòn suốt nhiều thế hệ.

Thành phố biết mơ - 2

Cổng chính Thảo Cầm Viên Sài Gòn, một biểu tượng ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ, vẫn bình yên giữa lòng thành phố sôi động. Ảnh: Đăng Khoa.

Và cũng như thế, tôi đã từng dừng chân trước Hội quán Nghĩa An ở Chợ Lớn. Một ngôi đình không phô trương, chỉ có mái ngói rêu phong, mùi gỗ trầm và tiếng chuông gió khẽ lay trong gió. Ở đó, người lớn tuổi dâng hương đều đặn, người trẻ đến xin lộc đầu năm hay chỉ lặng lẽ ngắm câu đối viết bằng thư pháp. Di sản, tôi nghĩ, không cần cao lớn, chỉ cần hiện diện bằng lòng thành kính.

Thành phố biết mơ - 3

Những vòng nhang tròn treo dày đặc trong không gian linh thiêng tại một ngôi chùa Hoa ở Chợ Lớn, nơi lưu giữ nét tín ngưỡng truyền thống giữa lòng thành phố. Ảnh: Đăng Khoa.

Dĩ nhiên, TP.HCM không hoàn hảo. Nó có thể nóng nực, kẹt xe, vội vã. Nhưng chính trong những điều chưa hoàn hảo ấy, người ta sống chan hòa, sống bao dung và để lại những xúc cảm rất thật. Điều khiến TP.HCM đáng nhớ không phải vì nó rực rỡ, mà vì trong những mảng sáng tối đan xen, ta luôn tìm được một điểm chạm đủ ấm áp để gắn bó.

TP.HCM vẫn cần phải phát triển, vẫn cần phải vươn đến những tầm cao. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta vội vã đến mức quên mất bản thân nó từng là một thành phố nhỏ bé, mộc mạc và dịu dàng? Tầm cao không chỉ nằm ở độ cao của những công trình, mà còn ở chiều sâu của ký ức, những điều âm thầm góp mặt trong hành trình hình thành một bản sắc riêng.

Tôi từng nghe ai đó nói rằng: "Sài Gòn - TP.HCM là thành phố không bao giờ ngủ, nhưng vẫn luôn biết mơ". Có thể không ai xác minh được nguồn gốc câu nói ấy, nhưng với tôi, nó đúng. TP.HCM là nơi người ta thức suốt đêm để mưu sinh lo cơm áo gạo tiền, để mơ ước thực hiện hoài bảo, để sống nhưng vẫn dành một phần rất riêng cho ký ức, cho những hoài niệm dịu dàng.

Bởi người ta có thể rời xa TP.HCM, nhưng không thể rời xa ký ức về thành phố này. Ký ức về một quán ăn cũ, một con hẻm nhỏ, một tiếng rao quen giữa trưa hè oi ả. Thành phố không níu giữ ai bằng những điều hào nhoáng, mà bằng những điều tưởng chừng giản đơn nhất. Và rồi, dù có đi bao xa, người ta vẫn tìm về bằng một món ăn, một mùi hương, hay chỉ là làn khói bếp mong manh sau nhà. Chính những lần trở về âm thầm, lặng lẽ nhưng bền bỉ đó đã vun đắp nên linh hồn của thành phố hôm nay.

Vậy nên, nếu một ngày TP.HCM không còn tiếng rao, không còn mùi cà phê, không còn gánh hàng rong... liệu thành phố ấy có còn là chính mình? Có lẽ không vì chính những điều tưởng như nhỏ bé ấy lại là mạch sống âm ỉ, là bản sắc không thể sao chép. Tôi từng nghĩ sẽ yêu thành phố này vì những công trình hay tốc độ phát triển, nhưng hóa ra, tôi yêu TP.HCM vì nơi đây biết giữ lại những điều bé nhỏ của quá khứ. Và trong những điều bé nhỏ ấy, tôi như được nhìn thấy chính mình.

Nếu TP.HCM biết nói, có lẽ thành phố sẽ không tự hào vì cao bao nhiêu tầng, mà vì sau bao nhiêu tầng ấy, vẫn còn những điều cũ được rao lên để nhớ mỗi ngày. Và nếu tôi được nói với thành phố một điều, tôi muốn nói: "Hãy cứ bước nhanh, nhưng đừng quên ngoái đầu nhìn lại. Vì tầm cao thật sự của một thành phố không nằm ở độ cao của tòa nhà, mà nằm ở chiều sâu ký ức nơi lưu giữ những điều làm nên một TP.HCM như hôm nay".

SanDisk là thương hiệu Mỹ hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực giải pháp lưu trữ dữ liệu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, SanDisk mang đến các sản phẩm lưu trữ hiệu năng cao như thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD… được tin dùng bởi hàng triệu người dùng cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và các chuyên gia sáng tạo trên toàn thế giới.

Dòng sản phẩm SanDisk Creator Series là lựa chọn lý tưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung và làm phim, kết hợp giữa tốc độ vượt trội, độ bền cao và thiết kế hiện đại, giúp bạn ghi lại mọi khoảnh khắc sáng tạo một cách mượt mà và đáng tin cậy.

Trân trọng cảm ơn thương hiệu SanDisk đã đồng hành cùng cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao"!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Đăng Khoa

CLIP HOT