“Sản phẩm ngách” lên ngôi và giải pháp du lịch toàn cầu giai đoạn mới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo các chuyên gia, để phục hồi du lịch toàn cầu hậu COVID-19, các quốc gia cần tập trung vào các sản phẩm ngách, "du lịch chậm" và tập trung vào chất thay vì số lượng hay tăng trưởng “nóng”...

“Sản phẩm ngách” lên ngôi và giải pháp du lịch toàn cầu giai đoạn mới - 1

Bãi sao trên đảo Phú Quốc. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Xu hướng du lịch chậm và các sản phẩm ngách đang trở nên phổ biến hơn trên thế giới sau 2 năm COVID-19. Chính vì thế, đây là thời điểm thích hợp để làm mới và xúc tiến các dòng sản phẩm như du lịch ẩm thực, du lịch y tế/chăm sóc sức khỏe/spa, du lịch xe đạp, du lịch âm nhạc/yoga, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp/trang trại/làng, du lịch dành cho người cao tuổi…

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, nền kinh tế xanh phải thực sự thân thiện với môi trường, chọn phát triển du lịch thông minh bằng cách tập trung vào chất thay vì số lượng hay tăng trưởng “nóng” đang là giải pháp ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị cấp cao toàn cầu do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) về du lịch cộng đồng vừa tổ chức.

“Sản phẩm ngách” lên ngôi

Giáo sư Jafar Jafari, người sáng lập Biên niên sử Nghiên cứu du lịch (Annals of Tourism Research) đồng thời là giáo sư tại khoa Khách sạn và Du lịch tại Đại học Wisconsin-Stout (Mỹ) qua quá trình khảo sát hàng nghìn bài báo, nghiên cứu và hội thảo về du lịch, đã rút ra được 7 chữ “S” về ngành du lịch sau đại dịch: Safety (an toàn), Security (an ninh), Sanitation (vệ sinh), Service (dịch vụ), Sympathy (đồng cảm), Small (nhỏ), Sustainability (bền vững).

Đáng nói, “slow tourism” (du lịch chậm) đang trở thành xu hướng được ưa chuộng, đặc biệt với nhóm du khách nhiều tuổi. Bởi họ hiểu rõ giá trị của thời gian sống và quan trọng là mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho những nơi họ tới. Do đó, giáo sư Jafari cho rằng du lịch cần tập trung vào nhóm khách này và cần đánh giá đúng giá trị của du lịch chậm.

“Sản phẩm ngách” lên ngôi và giải pháp du lịch toàn cầu giai đoạn mới - 2

Về làng quê cùng nhau "sống chậm." (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, rõ ràng nhiều bài học đã được rút ra từ đại dịch. “Thời điểm lịch sử” ấy ảnh hưởng sâu sắc và khiến hầu hết các sản phẩm du lịch buộc phải thay đổi để thích nghi. Và giai đoạn tới sẽ là thời của những sản phẩm ngách lên ngôi, như: như du lịch ẩm thực, du lịch y tế/chăm sóc sức khoẻ/spa, du lịch xe đạp, du lịch âm nhạc/yoga, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp/trang trại/làng, du lịch dành cho người cao tuổi…

Tuy nhiên, trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, ngành du lịch ở hầu hết các quốc gia đang phải đối diện với trình trạng quá tải. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các điểm đến “hot” của Việt Nam, ở Venice (Italia) hay Barcelona (Tây Ban Nha)… mà với cả những ngôi làng nhỏ nếu phải “gồng gánh” chỉ khoảng 1.000-2.000 khách mỗi ngày.

Điều này diễn ra bởi các cộng đồng, điểm đến đó cần thêm thời gian để gia tăng chất lượng, củng cố hạ tầng, thậm chí trau dồi kỹ năng phục vụ… Khi lượng khách giảm và ổn định, chất lượng du lịch sẽ gia tăng.

“Quá tải du lịch không đo đếm bằng hàng triệu lượt khách, mà là đo đếm trên sức chịu đựng của cộng đồng ở điểm đến. Họ có thể chịu đựng được bao nhiêu? Bất cứ tình trạng nào vượt quá sức chịu đựng thì đều là quá tải du lịch,” giáo sư Jafari nói.

Mặc dù đại dịch đã tác động mạnh mẽ lên ngành du lịch, thế nhưng cũng vì COVID-19 khiến nhiều nền kinh tế tan hoang mà các chính phủ bắt đầu nhận thức được du lịch là ngành công nghiệp lớn có động lực phát triển kinh tế-xã hội mang tính toàn cầu.

“Sản phẩm ngách” lên ngôi và giải pháp du lịch toàn cầu giai đoạn mới - 3

Làm mới cảm xúc với những sản phẩm du lịch truyền thống. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Điển hình cho thấy tiếng nói của ngành du lịch đã được quan tâm hơn là sự kiện Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận chuyên đề “Du lịch và vai trò quan trọng trong phục hồi và tăng trưởng bao trùm” ngày 4/5/2022; Diễn đàn Các nhà lãnh đạo du lịch về chủ đề “Du lịch an toàn và Du lịch sinh thái” trong khuôn khổ Hội nghị ngành Du lịch thế giới vừa diễn ra tại Hàn Quốc đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới; Chính phủ Mỹ mới đây cũng loại bỏ yêu cầu test COVID-19 khi nhập cảnh từ ngày 12/6/2022 sau sức ép từ chính tiếng nói của cộng đồng những người làm du lịch tại Mỹ…

Giải pháp toàn cầu

Theo cập nhật dữ liệu và xu hướng du lịch mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong 3 tháng đầu năm 2022, du khách quốc tế tăng 182% so với năm 2021. Tất cả các thị trường đều có dấu hiệu phục hồi trong quý I, trong đó thị trường châu Âu phục hồi mạnh nhất, tốc độ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương chậm hơn các khu vực khác do nhiều thị trường gửi khách quan trọng vẫn chưa mở cửa hoàn toàn.

Tính đến ngày 10/6/2022, mới chỉ có 49 quốc gia trên thế giới mở cửa hoàn toàn và không còn các quy định hạn chế liên quan đến COVID-19, trong đó có Việt Nam. Ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo, du lịch có thể phục hồi từ 50-70% trong năm 2022. Khảo sát của UNWTO cho thấy khoảng 50% các chuyên gia du lịch nhận định thế giới sẽ phục hồi ở mức 2019 trong năm 2023.

Hiện UNWTO đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giảm tác động và phục hồi hậu đại dịch. Các giải pháp được ưu tiên trong bối cảnh mới là thành lập Ủy ban Khủng hoảng du lịch toàn cầu; xây dựng Hướng dẫn toàn cầu về phục hồi du lịch trong năm 2020; hợp tác với IATA (Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế) hình thành hệ thống theo dõi điểm đến để thống kê các yêu cầu về nhập cảnh, y tế dành cho du lịch.

“Sản phẩm ngách” lên ngôi và giải pháp du lịch toàn cầu giai đoạn mới - 4

(Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, UNWTO cũng khuyến khích các nước xây dựng nhiều báo cáo về hỗ trợ kỹ thuật phục hồi COVID-19 và định hướng phát triển du lịch theo xu hướng hiện nay (du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…); sáng kiến Làng Du lịch tốt nhất 2021…

Giáo sư Jafar Jafari gợi ý, để phục hồi và phát triển ngành du lịch, các quốc gia và điểm đến cần quan tâm tới những yếu tố như: chú trọng sự hiếu khách (điều đã khá mai một sau đại dịch); lắng nghe ý kiến của cộng đồng địa phương; xác định sức chứa của điểm đến để quản trị hiệu quả việc quá tải du lịch; xây dựng mạng lưới các bên liên quan trong ngành; tập trung vào chất lượng thay vì số lượng khách đến; tập trung vào sự hài lòng của cộng đồng địa phương ngang với sự hài lòng của du khách để ngành du lịch cân đối được lợi ích của cả hai phía.

Có một thực tế rằng, tuy đại dịch chỉ kéo dài vài năm nhưng biến đổi khí hậu thì vẫn âm thầm tiếp diễn và đó mới thực sự là “một đại dịch” mà con người phải chung sống lâu dài. Do đó, các hoạt động của du lịch muốn phục hồi bền vững phải thực sự thân thiện với môi trường và lựa chọn phát triển du lịch tập trung vào chất lượng luôn là du lịch thông minh và là giải pháp chung cho nền kinh tế xanh toàn cầu./.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mai Mai (Báo Vietnamplus)

CLIP HOT