Những sản vật đong đầy hương sắc mùa thu
Cứ vào tiết thu, gió heo may mang hơi sương lạnh thổi về, thấm đẫm vào từng cỏ cây, hoa lá, mơn man cảm xúc con người. Và cái mùa se lạnh ấy còn đem tới mảnh đất Cao Bằng những món quà mùa thu nhẹ nhàng, thanh tao nhưng đong đầy hương sắc.
Hạt dẻ - Đặc sản Cao Bằng nức tiếng gần xa.
Thời điểm này, nếu như đang đi thăm thú phố phường, du khách có thể sà ngay vào những quầy bán hạt dẻ nóng hổi, món ăn gây thương nhớ nhiều nhất mỗi khi có ai nhắc đến đặc sản Cao Bằng. Trong đó, hạt dẻ Trùng Khánh có vị ngọt bùi tự nhiên, mềm bở, đặc biệt thơm ngậy. Hạt dẻ ngon và mang hương vị khác nhau tùy theo từng kiểu chế biến. Nhưng có lẽ, quen thuộc nhất vẫn là món hạt dẻ rang.
Những hạt dẻ tròn béo được rửa qua nước cho bớt bụi và lông tơ, khía vài đường trên hạt rồi cho vào nồi xâm xấp nước, luộc chín tới. Sau đó, rang hạt dẻ đều tay đến khi lớp vỏ sém sém và tự tách ra như cánh hoa, để lộ ra bên trong lớp nhân vàng ruộm dậy hương thơm là hoàn thành. Luộc, hấp, nướng trên bếp than hồng, rang trong chảo nóng, hầm cùng chân giò, nấu xôi…, dù chế biến theo cách nào thì thức quà của núi rừng này cũng đều làm đắm say lòng người.
Cốm - thức quà giản dị, tao nhã của mùa thu.
Một món quà mùa thu không thể bỏ qua là cốm Cao Bằng, sản vật chắt lọc từ tinh túy của đất trời cùng với sự mộc mạc thô sơ của người Tày vùng Đông Bắc. Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị dẻo thơm hấp dẫn, phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Khi lúa khum ngọn, hãy còn nguyên hương sữa thì cũng là lúc gặt đem về làm cốm.
Bà con phải hái những bông lúa từ khi còn sớm, hạt lúa còn đẫm sương đêm, mang về tuốt bằng tay. Sau đó, dùng mẹt sảy để loại bỏ những hạt thóc lép rồi cho vào nồi luộc. Khi luộc xong, hạt được vớt ra đem rang bằng chảo gang để giữ nhiệt. Đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ bị mất đi độ dẻo.
Thóc rang xong để nguội, cho vào cối đá giã nhiều lần. Trong công đoạn giã cốm, người cầm chày gỗ phải giã đều tay, liên tục, nhịp nhàng, lực không quá mạnh hay quá nhẹ. Sau khi giã, sàng sảy, nhặt hết lớp vỏ bên ngoài chỉ để lại những hạt cốm nếp dẹp mỏng, màu xanh non, hương thơm tao nhã. Từ những hạt cốm bình dị, người dân chế biến ra các món ăn độc đáo như bánh coóc mò cốm, xôi cốm, chè cốm… Nhiều người thích ăn cốm để thưởng thức mùi thơm dịu của lúa mới, cái tươi mát của lá non, có người lại cho thêm hạt dẻ ăn kèm tạo vị bùi bùi khi hòa quyện với nhau.
Hồng chín rực tô điểm thêm sắc màu đất trời vào thu.
Nếu cốm kết hợp với hạt dẻ mang đến hương vị dân dã khó quên, thì quả hồng lại mang đến dư vị đặc biệt. Thu sang, khắp những vùng trồng hồng đều rực màu quả chín. Hồng mềm chín đỏ mọng, hồng giòn xanh vàng lúc lỉu như những chiếc đèn lồng bám vào cành lá. Mỗi loại hồng có hương vị riêng, tuy không để lại nhiều dư vị nhưng lại khiến người ta thích thú. Hồng mềm hay còn gọi là hồng trứng có đầu hơi nhọn, khi chín quả sẽ chuyển từ màu vàng cam tới đỏ tươi, chín kỹ chuyển sang đỏ đậm, bóp nhẹ thấy mềm tay.
Lớp vỏ hồng mỏng dính, phần thịt bên trong tươi rói, vị ngọt vừa sắc lại vừa nhẹ, hương thoảng đặc trưng, lại thêm cái sần sật của phần hạt kích thích vị giác. Khác với hồng mềm, hồng ngâm Cao Bằng có kích cỡ chỉ bằng quả trứng gà, vỏ có màu xanh vàng bóng mượt. Quả hồng khi hái xuống phải ngâm nước nhiều ngày cho ra sạch nhựa, hết chát. Khi ăn có vị ngọt đậm, thịt quả giòn thơm, nhiều bột mịn, cắt ngang quả sẽ thấy có hình hoa thị 8 - 12 cánh đều nhau trông rất đẹp mắt.
Ở Cao Bằng, mùa nào thức ấy, bốn mùa trong năm đều có những món quà gây thương nhớ cho du khách gần xa. Hành trình khám phá miền non nước với vô vàn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp chắc hẳn sẽ thêm phần đáng nhớ nếu được thưởng thức, trải nghiệm những sản vật vùng cao tuyệt vời ấy.
Nhiếp ảnh gia Mario Heller đã dành ba tuần du lịch bằng tàu hỏa để trải nghiệm cuộc sống đời thường và ngắm nhìn cảnh...