Người may gối Cung đình cho vua Bảo Đại

100 tuổi, cụ Trí Huệ cần mẫn ngồi làm gối Cung đình. Những thao tác với kim, chỉ ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn đều đặn, đẹp, khiến nhiều người mê đắm, thán phục.

100 tuổi, cụ Trí Huệ cần mẫn ngồi làm gối Cung đình. Những thao tác với kim, chỉ ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn đều đặn, đẹp, khiến nhiều người mê đắm, thán phục.

Mối nhân duyên với chiếc gối tựa

Thời còn trẻ, cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ (làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) nhiều năm liền đích thân may gối dựa cho vua Bảo Đại.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 1

Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ ở tuổi xưa nay hiếm vẫn cần mẫn làm ra những chiếc gối tựa Cung đình.

Cụ là cháu nội của Hoài Đức Quận Công Miên Lâm (Phụ chánh thân với vua Hàm Nghi và Thành Thái). Miên Lâm có 9 người con trai và 11 người con gái, trong số này, có Hường Dẫn là thân phụ của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ.

Tài liệu lịch sử ghi lại, Hường Dẫn được vào Kinh học ở Quốc tử giám và có dịp tụ họp với những bà con Hoàng tộc xung quanh vua Duy Tân. Cụ Trí Huệ là con gái ông Hường Dẫn. Thuở nhỏ cụ ở nhà phụ làm thuốc Bắc với thân sinh, sau được cho vào Đại nội học may để phục vụ cho các bà trong Nội cung. Những năm tháng đầu mới vào cung, cụ chỉ học may áo quần bình thường, sau chuyển sang học may gối trái dựa.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 2

Nắm vững kỹ thuật may gối, nhưng để đạt đến độ thuần thục thì khoảng thời gian cụ được Đức Từ Cung Hoàng thái hậu giao cho đảm trách công việc may vá khi chuyển về sống tại cung An Định. Những năm tháng này, không chỉ có cơ hội rèn luyện tay nghề, cụ còn được tìm hiểu nhiều hơn về loại gối đặc biệt ở chốn hoàng cung.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 3

Những chiếc gối cụ Huệ may đều là loại gối có nhiều nếp, có thể gập lại mở ra tuỳ ý để gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay… “Gối này Vua thường dùng để gác tay khi đọc sách”, cụ Trí Huệ nhớ lại.

Ngày đó, trong cung đưa ra những chiếc gối có sẵn, người may chỉ dựa theo đó mà làm theo. Song, việc may gối phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt, gối cho vua phải đủ 5 lá. Gối của Hoàng Thái Hậu và các quan phải đủ 4 lá.

“Gối dành cho Vua phải được thêu rồng, vải màu vàng. Gối dựa của Hoàng Thái Hậu được thêu phụng, gối của các quan thường để trơn, vải màu xanh, tím tùy theo màu của ghế đặt gối. Các loại vải dùng may gối do triều đình đưa ra”, cụ Huệ vừa thao tác đường may, vừa kể chuyện.

“Hi vọng có người theo nghề”

Cụ Huệ chia sẻ, ngày xưa gối trái dựa thường được vua, quan sử dụng để gối đầu, tựa lưng hay tì tay lúc ngồi nghỉ ngơi, đọc sách. Vì được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung, vương giả mà mọi người quen gọi với cái tên là gối cung đình.

Ở trong cung xưa, công việc may gối được giao cho Bộ Công đảm nhiệm. Để bảo đảm tính thẩm mỹ, phần may và thêu đều được phân công rõ ràng ra cho những người thợ chuyên nghiệp. Các công đoạn từ may vỏ, may ruột, nhồi bông, ráp gối, thêu.. đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, cẩn thận.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 4

Những chiếc gối từ bàn tay của cụ Trí Huệ luôn đẹp và làm người xem mê mẩn

“Để gối được thẳng mép, không bị lỗi chỉ hay bông nhồi luôn giữ được độ êm, căng phồng sau nhiều lần giặt thì mỗi người thợ may luôn có mẹo riêng của mình. Muốn làm ra được một chiếc gối trái dựa hoàn chỉnh cũng phải mất khá nhiều thời gian, người thợ giỏi đôi khi phải làm từ một đến vài tuần”, cụ Huệ cho biết.

Nhờ công dụng và sự bắt mắt của những hoa văn, có thời gian gối trái dựa là sản phẩm cực kỳ nổi tiếng ở Huế. Nhiều người nước ngoài khi đến Huế đều không quên mua một chiếc gối trái dựa cung đình về làm kỷ niệm.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 5

Những chiếc gối do chính tay cụ Trí Huệ làm ra lúc còn ở cung An Định rất được lòng Đức Từ Cung và cả vua Bảo Đại. “Vua Bảo Đại đã không ít lần đặt cụ may loại gối này để làm quà cho những người bạn Pháp của mình”, cụ Huệ nhớ lại.

Trải qua thời gian dài với nhiều biến động, sau này khi không còn theo hầu Đức Từ Cung Hoàng Thái hậu, cụ Trí Huệ về lại với Hương Cần sống cuộc sống yên bình cùng gia đình người con trai. Vì nặng lòng với nghề cụ vẫn ngày ngày gắn bó với công việc may gối.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 6

Dù vẫn giữ nghề suốt nhiều năm nay nhưng cụ Trí Huệ cũng có không ít những nỗi niềm. Cụ vẫn hay trăn trở vì hiện tại ở Huế có nhiều nghề truyền thống được chính quyền quan tâm, bảo tồn nhưng riêng nghề làm gối trái dựa thì lại rất ít người biết đến. Điều này khiến cụ không khỏi chạnh lòng. Những năm gần đây, nhờ vào sự chỉ sẻ, lan tỏa của một số bạn trẻ, hình ảnh gối tựa Cung đình của cụ đã được nhiều người tiếp cận, biết đến hơn.

“Lâu nay cũng có một vài người biết mà tìm đến đặt may gối nên tôi cùng con dâu và một người cháu nữa vẫn còn làm”, cụ Huệ bộc bạch.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 7

Việc may gối giờ cụ đã truyền nghề lại được cho một thành viên trong nhà. Ban đầu, người con dâu Lê Thị Liền (68 tuổi), thấy mẹ làm thì xắn tay vào phụ việc. Dần dà, bà mê mẩn vẻ đẹp và ý nghĩa của gối cũng như tâm huyết cả đời của mẹ nên học luôn nghề may gối.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 8

Ở tuổi 100, nhưng đường kim mũi chỉ của cụ vẫn đều đặn, đẹp

Bà Liền giờ đã nắm vững được cách thức làm gối, dù tay nghề chưa đạt đỉnh nhưng nó phần nào giúp chiếc gối này không bị mai một. Cụ hi vọng với một sự tiếp chuyển như thế này, nghề may gối Cung đình vẫn sẽ tồn tại được cùng thời gian.

nguoi may goi cung dinh cho vua bao dai - 9

Bây giờ việc làm gối của cụ đã có bà Liền nối nghiệp. Cụ hi vọng với sự tiếp chuyến này, chiếc gối tựa Cung đình sẽ không bị mai một.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Nguyễn Đắc Thành

CLIP HOT