Không chỉ có bãi biển tuyệt đẹp trải dài hàng chục cây số dọc theo gành đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) còn sở hữu di sản văn hóa với ‘nghĩa địa tàu cổ’ hiếm hoi trên thế giới.
Từ lâu bãi biển Châu Thuận Biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thoai thoải, trải dài mang vẻ đẹp thơ mộng, trở thành điểm đến lý tưởng hấp dẫn du khách. Phía trước làng chài nơi đây tiếp giáp với biển, sau lưng là những triền cát cao sừng sững. Giữa làng có lõm sâu hình vòng cung vào sát khu dân cư, người dân địa phương hay gọi là eo biển Vũng Tàu.
Các chuyên gia nhận định vùng biển Bình Châu tích hợp nhiều giá trị di sản. Khu vực này không chỉ có di sản biển phong phú được ví như là 'nghĩa địa tàu cổ đắm', với nhiều niên đại khác nhau, mà còn có di sản địa chất về trầm tích núi lửa ở vùng biển gần bờ độc đáo, hiếm nơi nào có được.
Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, Phó giáo sư Mark Staniforth, Đại học Monash (Australia), chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước, nhận định, nhiều tàu cổ đắm với mật độ dày đặc ở khu vực này đã minh chứng Bình Châu là thương cảng cổ từng giao thương trên biển sầm uất, hiếm hoi trên thế giới.
Xác con tàu cổ chìm còn khá nguyên vẹn dưới đáy biển.
Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, cho biết thêm, 5 năm trước, một nhà khoa học nước ngoài đã vẽ một bản đồ cho những con đường thương mại trên biển, trong đó có mũi tên hướng vào vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi).
Gốm sứ bị nung chảy dính chặt vào nhau bên trong tàu cổ chìm.
Trong hai cuộc khảo sát, khai quật 2 con tàu chìm chứa "kho cổ vật" ở vùng biển Bình Châu vào năm 1999 và tháng 6/2013, các nhà khảo cổ học đều khẳng định hai con tàu cổ này đều bị cháy trước khi chìm xuống biển. “Điều bất ngờ là một số tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu đều có vết tích cháy đen do hỏa hoạn gây ra. Có thể do các thủy thủ sơ ý hoặc do bị cướp biển tấn công”, tiến sĩ Việt nói.
Loại đĩa men ngọc màu xanh da táo trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 13, độc bản quý hiếm phát hiện trên tàu 700 tuổi.
Dĩa gốm men nâu có niên đại 700 tuổi được tìm thấy ở vùng biển Bình Châu.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước, cho biết thêm trong phạm vi 10 km2 ở eo biển Vũng Tàu, xã Bình Châu đã phát hiện 10 tàu cổ đắm. Trong đó, hai con tàu đã được khai quật, số còn lại có nhiều cổ vật gốm sứ, vật dụng thủy thủ đoàn được xác định với nhiều niên đại khác nhau từ thế kỷ 8 đến 18 nằm gần bờ.
Tàu chở cổ vật đắm ở vùng biển Bình Châu được các chuyên gia tái hiện trưng bày ở không gian Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi phục vụ du khách tham quan.
Lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho hay việc trưng bày nhằm giới thiệu rộng rãi đến người dân, du khách thấy được vùng biển miền Trung Việt Nam và Quảng Ngãi là một trong những mắt xích quan trọng trong giao thương quốc tế vào thời kỳ hoàng kim của các con đường tơ lụa trên biển.