Múa Rối nước - Bảo vật văn hóa Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nghệ nhân Phan Thanh Liêm, người gắn bó hơn nửa đời với múa rối nước, đã chia sẻ những trăn trở và sáng kiến trong hành trình bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Múa Rối nước - Bảo vật văn hóa Việt Nam - 1

Nghệ nhân múa rối Phan Thanh Liêm (Nguồn: Phóng viên)

Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, gắn bó sâu sắc với đời sống và văn hóa Việt Nam. Trải qua hàng thế kỷ, loại hình nghệ thuật này vẫn giữ được sức hút nhờ tính độc bản trong cách biểu diễn trên mặt nước và những câu chuyện mang đậm tinh thần dân tộc. 

Phóng viên: Thưa ông, múa rối nước có ý nghĩa như thế nào trong văn hóa Việt Nam?

Nghệ nhân Phan Thanh Liêm: Múa rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáo chỉ Việt Nam mới có. Đây không chỉ là một hình thức giải trí, mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo, trí tuệ của cha ông. Các cụ ngày xưa đã khéo léo sử dụng mặt nước làm sân khấu, để những con rối gỗ "vô tri vô giác" trở nên sống động nhờ sức nước và kỹ thuật điều khiển. Nó phản ánh đậm nét đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, truyền tải những câu chuyện về thiên nhiên, lao động và con người qua mỗi vở diễn.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về hành trình gắn bó với nghệ thuật múa rối nước?

Nghệ nhân Phan Thanh Liêm: Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống 7 đời làm rối nước. Ngay từ nhỏ, tôi đã được học nghề từ cha và các nghệ nhân lớn tuổi. Tình yêu với múa rối nước được hun đúc từ những lần theo cha đi biểu diễn. Nhưng để giữ nghề, tôi đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Rối nước là nghệ thuật biểu diễn đòi hỏi nhiều yếu tố đặc thù như bể nước, thủy đình, và các con rối gỗ – điều này khiến việc tổ chức biểu diễn rất tốn kém và phức tạp. Để phù hợp với xã hội hiện đại, tôi đã nghiên cứu mô hình sân khấu thu nhỏ, giúp mang múa rối nước đến gần hơn với khán giả.

Phóng viên: Những thách thức nào đang đặt ra cho nghệ thuật múa rối nước hiện nay?

Nghệ nhân Phan Thanh Liêm: Thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh từ các loại hình giải trí hiện đại. Thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, trong đó có múa rối nước. Thu nhập từ nghề này cũng không đủ để thu hút lớp nghệ nhân trẻ kế thừa, khiến nhiều phường múa rối nước rơi vào tình trạng khó khăn. Hơn nữa, do tính đặc thù của múa rối nước, chúng tôi không thể biểu diễn linh hoạt như các loại hình nghệ thuật khác, điều này khiến việc tiếp cận khán giả càng thêm khó khăn.

Phóng viên: Với những khó khăn đó, động lực nào khiến ông tiếp tục duy trì và phát triển nghệ thuật múa rối nước?

Nghệ nhân Phan Thanh Liêm: Đúng là khó khăn rất nhiều, nhưng tôi luôn cảm thấy múa rối nước là một phần máu thịt của mình. Mỗi khi thấy ánh mắt thích thú của khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế, tôi lại có thêm động lực. Tôi cũng tin rằng, nếu được giáo dục từ sớm, trẻ em sẽ yêu thích và trân trọng các giá trị truyền thống hơn. Vì vậy, tôi từng sáng tạo thêm các tiết mục có tính giáo dục về đề tài giao thông, học đường để đưa rối nước vào các trường học để các em nhỏ được trải nghiệm và hiểu thêm về loại hình nghệ thuật này.

Phóng viên: Trong các chuyến lưu diễn quốc tế, múa rối nước được khán giả quốc tế đón nhận như thế nào?

Nghệ nhân Phan Thanh Liêm: Du khách quốc tế rất yêu thích múa rối nước vì đây là loại hình nghệ thuật độc đáo mà họ chưa từng thấy. Ở các nước, họ chỉ có múa rối trên cạn, còn múa rối nước là điều khiến họ kinh ngạc. Người Việt kiều ở nước ngoài khi được xem múa rối nước cũng vô cùng xúc động vì cảm thấy như được trở về quê hương. Có những người đi xem, người ta còn kéo theo gia đình, bạn bè đến xem vì đây là môn nghệ thuật lạ, họ chưa thấy bao giờ.

Phóng viên: Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để bảo tồn múa rối nước trong bối cảnh hiện nay?

Nghệ nhân Phan Thanh Liêm: Tôi cho rằng, ngoài nỗ lực của cá nhân nghệ nhân, cần có sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng. Hiện nay, múa rối nước chủ yếu sống nhờ khách du lịch, nhưng điều đó không đủ để đảm bảo tương lai lâu dài. Chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của nghệ thuật truyền thống và đưa múa rối nước vào các chương trình giáo dục để thế hệ trẻ hiểu và yêu mến di sản này.

Trong bối cảnh hiện đại, múa rối nước không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là biểu tượng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Những nỗ lực của nghệ nhân Phan Thanh Liêm – từ việc sáng tạo sân khấu thu nhỏ, cải tiến con rối đến quảng bá quốc tế – đã góp phần giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống nước nhà.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kiều Linh

CLIP HOT