Một ngày làm việc của tiếp viên trên đường sắt cao tốc 6 tỷ USD Trung - Lào
Với kinh phí đầu tư 6 tỷ USD, tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới Trung - Lào đã vận chuyển hơn 16,4 triệu hành khách và 21 triệu tấn hàng hóa.
Yi Bofeng, cô gái người Vân Nam, Trung Quốc, là một trong những nữ tiếp viên "đời đầu" làm việc trên tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới, từ Côn Minh (Trung Quốc) tới Vientiane (Lào).
Nữ tiếp viên Yi Bofeng chụp hình tại nhà ga Nam Côn Minh tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Lào năm 2020, cô gái trẻ đã ứng tuyển làm tiếp viên đường sắt của Tập đoàn đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) và trúng tuyển ngay trong lần đầu tiên.
Tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới Trung - Lào được các chuyên gia nhận định là "dự án mang tính bước ngoặt" giữa hai quốc gia, bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2021.
Bofeng trò chuyện cùng đồng nghiệp trên chuyến tàu mang số hiệu D887 (Ảnh: Xinhua).
Là một trong nữ tiếp viên làm việc từ ngày đầu nên Bofeng được tận mắt chứng kiến nhiều thời khắc mang tính lịch sử của tuyến đường này.
Được biết, tuyến đường bắt đầu phục vụ du khách xuyên biên giới từ ngày 13/4. Kể từ đó, Bofeng đã phục vụ hơn 20 chuyến tàu khứ hồi. Tính đến ngày 3/6, tuyến đường đã vận chuyển hơn 16,4 triệu lượt khách và hơn 21 triệu tấn hàng hóa từ Trung Quốc tới Lào và ngược lại.
Nữ tiếp viên phát thông báo tới hành khách trên tàu (Ảnh: Xinhua).
Dọc theo tuyến đường sắt chạy qua có nhiều vùng sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, tập trung các di sản văn hóa.
Ví dụ như ngôi làng nơi Bofeng sinh sống là vùng trồng cây trái ăn quả và cao su. Nhờ sinh sống gần khu vực đường sắt chạy qua nên người dân địa phương được "hưởng lợi", mang nông sản phân phối khắp thị trường.
Khách trên tàu được phục vụ nước uống và đồ ăn nhẹ (Ảnh: Xinhua).
Du khách có thể mua vé dưới 2 hình thức: mua qua mạng hoặc mua trực tiếp tại các nhà ga ở Côn Minh hoặc ga tại Vientiane, Vang Vieng, Luang Prabang và Boten ở Lào. Nếu chưa có vé, du khách phải tới nhà ga trước giờ khởi hành ít nhất 2 tiếng để xếp hàng mua vé, vào ga rồi mới qua khu kiểm tra an ninh.
Nữ tiếp viên trò chuyện với hành khách trên tàu (Ảnh: Xinhua).
Giá vé từ Trung Quốc sang Lào và ngược lại chia thành 2 hạng. Vé hạng nhất là 864 nhân dân tệ (2,8 triệu đồng) và vé hạng hai là 542 nhân dân tệ (1,7 triệu đồng).
Tàu D887 với tốc độ khoảng 160 km/h, đi qua 8 nhà ga trong hành trình kéo dài 10 tiếng 30 phút (bao gồm cả thời gian dừng tại hải quan ở biên giới hai nước).
Kết thúc một ngày làm việc, Bofeng trở về căn hộ của mình ở thành phố Côn Minh (Ảnh: Xinhua).
Theo các chuyên gia, tuyến tàu cao tốc Trung - Lào là điểm nút đầu tiên trong "kế hoạch đầy tham vọng" của Bắc Kinh về mạng lưới đường sắt nối miền nam nước này với Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và cuối cùng là Singapore.
Các nhà ga ở thành phố Luang Prabang, thị trấn Vang Vieng và thủ đô Vientiane nơi đường ray đi qua hứa hẹn mang tới sự bùng nổ du lịch cho Lào. Trong khi đó, tờ Nikkei Asia nhận định, cần ít nhất 5 năm nữa để thấy rõ những tác động của tuyến đường sắt đối với ngành kinh tế - du lịch của Lào.
Với tấm hộ chiếu “quyền lực” nhất thế giới, công dân Singapore được phép nhập cảnh 192 trong số 227 điểm đến toàn...