Lồng đèn Phú Bình rực rỡ sắc màu, sẵn sàng cho Trung thu
Giữa lòng thành phố nhộn nhịp, làng nghề lồng đèn Phú Bình đã bắt đầu rộn rã tiếng kéo giấy, tất bật hoàn thiện những chiếc lồng đèn, để kịp cung ứng ra thị trường phục vụ mùa Tết Trung thu sắp đến.
Những thợ thủ công với bàn tay khéo léo quây quần bên nhau tỉ mỉ tạo hình cho chiếc lồng đèn truyền thống.
Nằm nép mình giữa lòng quận 11, TP.HCM, làng nghề Phú Bình đã có lịch sử hơn nửa thế kỷ gắn liền với nghề làm lồng đèn.
Từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, hàng ngàn chiếc đèn lồng hình tròn, hình vuông, hình con vật, hay những chiếc đèn lồng in hình các nhân vật cổ tích... với đủ loại kích thước và màu sắc rực rỡ đã ra đời.
Mỗi chiếc đèn lồng không chỉ là một sản phẩm thủ công tinh xảo mà còn mang đậm hồn Việt, là biểu tượng của sự đoàn viên, ấm áp trong đêm hội trăng rằm.
Đôi bàn tay chai sần theo năm tháng uốn cong từng thanh tre, tạo nên bộ khung chắc chắn cho chiếc lồng đèn.
Dù cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, nhưng nghề làm lồng đèn truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy tại Phú Bình, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.
Cận cảnh đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công.
Để tạo ra một chiếc đèn lồng hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn. Họ tỉ mỉ tạo hình, khéo léo dán giấy, trang trí họa tiết tinh xảo để tạo nên những chiếc đèn lồng độc đáo. Mỗi chiếc đèn lồng đều mang một vẻ đẹp riêng, thể hiện sự tài hoa và tâm huyết của người làm nghề.
Họa tiết tinh xảo được vẽ tay trên giấy bóng kính.
Gắn mắt cho cá chép là công đoạn hoàn chỉnh cuối cùng.
Chiếc lồng đèn cá chép thủ công hoàn thiện.
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình, truyền nhân đời thứ ba của làng nghề lồng đèn Phú Bình chia sẻ: “Năm nay, số lượng đơn hàng tăng đáng kể so với các năm trước. Điều này khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi. Từ tháng 3, ngay sau khi Tết Nguyên đán kết thúc, chúng tôi đã bắt đầu tất bật làm việc. Trong khi đó, những năm trước, phải đến tháng 5 hoặc tháng 6, chúng tôi mới nhận được những đơn hàng đầu tiên.
Với những chiếc lồng đèn cỡ lớn, Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phải ngồi bên lề đường để thực hiện.
Nghệ nhân cho biết, công đoạn tạo hình là khó nhất khi làm lồng đèn thủ công vì phải dùng tay nắn nót, chỉnh sửa để sao cho hình dạng giống thực tế nhất.
Từ những chiếc đèn lồng ông sao, con cá chép truyền thống đến những mẫu đèn lồng con rồng, sáng tạo với nhiều họa tiết độc đáo, làng nghề Phú Bình luôn không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh giá trị văn hóa, nghề làm lồng đèn còn mang lại giá trị kinh tế đáng kể cho người dân. Mỗi dịp Trung thu, các gia đình trong xóm lại tất bật với công việc dán giấy bóng kính, uốn tre, vẽ hình,... giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập.
Theo nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình Tết trung thu năm nay lồng đèn con cá chép truyền thống được nhiều khách hàng ưa chuộng vì nó tượng trưng cho sự may mắn và thành công.
Hơn 20 năm sống tại xóm lồng đèn Phú Bình, chị Phượng (48 tuổi) đã gắn bó với nghề làm lồng đèn. Ngoài công việc chính là buôn bán vàng mã, mỗi dịp Trung thu, chị lại cùng các thành viên trong gia đình nhận thêm việc vẽ tay trên giấy bóng kính.
Một số đèn lồng cổ truyền được Nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách và Nghệ nhân Trọng Bình Phục chế.
Chị Phượng chia sẻ: “Những ai đã làm lồng đèn lâu năm thì sẽ thấy công việc này không có gì khó khăn, nhưng vẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉnh chu trong từng công đoạn. ăm nay số lượng khách đặt hàng nhiều hơn nên thu nhập cũng tăng cao so với những năm trước. Tôi thấy rất vui khi cả nhà cùng nhau làm việc, tạo ra những chiếc lồng đèn đẹp mắt và góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc”.
Chị Phương nhận gia công vẽ lồng đèn để kiếm thêm nguồn thu nhập.
Chị Hồ Mỹ Phương (41 tuổi), một hộ dân sống tại xóm lồng đèn Phú Bình cho biết, "Tôi nhận gia công dán những chiếc lồng đèn hình con cá chép. Trung bình, tôi dán xong một chiếc lồng đèn sẽ được 3.500 đồng. Với tốc độ khoảng 20 chiếc/giờ, nếu làm việc chăm chỉ, mỗi ngày tôi có thể kiếm được từ 200.000 đến 300.000 đồng."
"Công việc tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Dụng cụ làm việc cũng rất dễ kiếm, chỉ cần có lưỡi lam, kéo cắt là đủ. Còn hồ dán, khung, giấy kiếng thì bên sản xuất đã cung cấp sẵn." Chị Phương chia sẻ.
Nhà bán tạp hóa nhưng chị Hồ Mỹ Phương vẫn nhận thêm gia công cắt dán lồng đèn cho các xưởng sản xuất.
Công việc làm lồng đèn tuy không mang lại thu nhập cao nhưng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân xóm lồng đèn Phú Bình, nhất là vào dịp Tết Trung thu. Nhờ công việc này, họ không chỉ có thêm thu nhập mà còn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của gia đình và cộng đồng.
Những chiếc đèn lồng tinh xảo
Những người dân ở xóm lồng đèn Phú Bình đều tự hào về nghề làm lồng đèn, coi đó như một phần quan trọng trong cuộc sống của họ.
Làng lồng đèn Phú Bình còn là nơi gìn giữ những chiếc lồng đèn cổ xưa, mang đậm văn hóa, giá trị dân tộc.
Tuy nhiên, để duy trì và phát triển nghề, các nghệ nhân cần phải đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp, sự thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng và tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ.
Dưới sự tác động của cuộc sống hiện đại, nhiều hộ gia đình đã từ bỏ nghề truyền thống này. Hiện nay, chỉ còn khoảng 10 hộ dân vẫn kiên trì giữ gìn và phát triển nghề làm lồng đèn.
Nói về sự thay đổi của làng nghề, chị Hồ Mỹ Phương cho biết : "Những năm trước đây làng này vui lắm, lồng đèn người ta đến lấy nườm nượp. Hồi trước là xe tải, xe ba gác, mối lái họ đến đây lấy từ 4-5 giờ sáng là thấy nhộn nhịp rồi, giờ thì thợ phải tự đi giao cho người ta, không còn mối lái đến lấy nữa”.
Những chiếc đèn lồng cổ được phục chế mang đến sự thay đổi cho Phú Bình
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đã chứng kiến sự đổi thay của làng suốt nhiều năm qua. Ông cho biết, cách đây 30 năm, mỗi hộ dân ở đây chỉ cần làm một mùa trung thu là có thể sống được trên 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế đã thay đổi, giá thành của những chiếc lồng đèn cũng không còn cao.
Giờ đây, dù làm việc cật lực, người dân cũng chỉ đủ ăn, chứ không có dư giả gì. “Do đó, mỗi hộ dân trong xóm phải tìm một công việc chính nào đó để làm và chuyển việc làm lồng đèn từ công việc chính sang phụ. Nếu không, họ sẽ không đủ sống”.
Một vài hộ dân quanh xóm vẫn nhận gia công lồng đèn mỗi dịp lễ đến.
Mặc dù sự cạnh tranh của các lồng đèn hiện đại đã ngày càng gia tăng với nhiều mẫu mã và chất liệu phong phú, nhưng giá trị của chiếc lồng đèn truyền thống vẫn không thể bị phai mờ.
Những chiếc lồng đèn làm bằng tay, được chế tác từ những nguyên liệu tự nhiên và mang đậm nét văn hóa dân tộc, không chỉ là một món đồ chơi đơn thuần mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa các thế hệ.
Chúng nhắc nhở chúng ta về những giá trị cốt lõi, về tình cảm gia đình và những kỷ niệm ấm áp trong các dịp lễ hội.
Qua mỗi chiếc lồng đèn, ta không chỉ thấy ánh sáng le lói trong đêm mà còn thấy cả một phần hồn của dân tộc, một di sản văn hóa cần được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Đằng sau những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu của mỗi dịp Trung thu là cả một câu chuyện về tình yêu, sự kiên trì và tâm huyết của những người nghệ nhân.