Khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp tại các huyện vùng ven TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vượt ra khỏi nhịp sống đô thị, các huyện ngoại thành TP.HCM đang dần khẳng định vị thế là những điểm đến du lịch hấp dẫn với cảnh quan nông thôn tươi đẹp, văn hóa làng quê đậm đà và những trải nghiệm độc đáo.

TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa sôi động mà còn sở hữu những huyện vùng ven với tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái độc đáo. Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, và Cần Giờ đang trở thành điểm đến hấp dẫn khi kết hợp giữa cảnh quan nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, và giá trị văn hóa cộng đồng. Mỗi huyện có thế mạnh riêng, tạo nên bức tranh đa dạng và phong phú cho du lịch vùng ven.

Bình Chánh – Du lịch sinh thái giữa lòng đô thị

Bình Chánh đang nổi lên như một điểm đến lý tưởng cho những ai muốn rời xa khói bụi thành phố. Khu vực này còn có chợ quê và các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo cơ hội cho du khách khám phá đời sống nông thôn bình dị.

Những điểm nhấn của địa phương như vườn mai Bình Lợi, làng nghề sản xuất nhang truyền thống Lê Minh Xuân, hay vườn dưa lưới công nghệ cao là các điểm dừng chân lý tưởng.

Hai tuyến du lịch đặc trưng được Sở Du lịch TP.HCM phát triển tại Bình Chánh gồm tour “Bình Chánh – Những điều chưa kể” với điểm nhấn là các cơ sở tôn giáo như Bát Bửu Phật Đài, Học viện Phật giáo Việt Nam, và tour trải nghiệm đời sống nông nghiệp tại các mô hình nuôi cá Koi và trồng trọt công nghệ cao.

Khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp tại các huyện vùng ven TP.HCM - 1

Ông Mai Ngươn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh, cho biết huyện đang phối hợp triển khai 16 mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa tại 3 xã Tân Nhựt, Lê Minh Xuân và Bình Lợi. Định hướng đến năm 2030, các chương trình như phát triển làng hoa Bình Chánh và cải tạo làng nghề truyền thống sẽ tạo điểm nhấn mới cho du lịch địa phương.

Hóc Môn – Dấu ấn văn hóa vùng đất 18 thôn vườn trầu

Hóc Môn được biết đến với lịch sử lâu đời của 18 thôn vườn trầu, gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân Nam Bộ. Các làng trồng trầu truyền thống, kết hợp với các sản phẩm từ trầu như trầu têm cánh phượng hay nghệ thuật têm trầu, mang đến trải nghiệm độc đáo. Ngoài ra, các di tích lịch sử như Đình Hóc Môn hay địa đạo An Phú Đông cũng góp phần thu hút du khách yêu thích khám phá văn hóa.

Khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp tại các huyện vùng ven TP.HCM - 2

Để quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, Hóc Môn đã tích cực tham gia các chương trình du lịch của thành phố, như “TP.HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” và “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Nhờ đó, ngày càng nhiều du khách biết đến và tìm đến Hóc Môn.

Bên cạnh giá trị văn hóa, Hóc Môn còn nổi bật với tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp và sinh thái. Huyện đã tập trung đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc trưng, gắn liền với chương trình OCOP. Các điểm đến như Công viên Cá Koi Rin Rin Park, Cánh đồng hoa Nhị Bình đã trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, Hóc Môn đã không ngừng nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng các tuyến đường đẹp, sạch, kết nối các điểm du lịch. Đồng thời, huyện cũng chú trọng đến việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.

Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch nông nghiệp, kết hợp với bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Theo ông Khuyên, việc rà soát và sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, cùng với việc khuyến khích các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ góp phần tạo nên một Hóc Môn giàu đẹp và phát triển bền vững.

Củ Chi – Nông nghiệp gắn với lịch sử và sáng tạo

Với danh hiệu “đất thép thành đồng,” Củ Chi không chỉ nổi tiếng với hệ thống địa đạo mà còn là trung tâm phát triển du lịch nông nghiệp đầy sáng tạo. Các khu vườn trồng rau sạch công nghệ cao, mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp nghỉ dưỡng và những trang trại hoa lan, nấm linh chi, tạo điểm nhấn độc đáo. Du khách có thể tham gia thu hoạch rau quả, học cách trồng trọt, hoặc tham quan các làng nghề thủ công truyền thống.

Khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp tại các huyện vùng ven TP.HCM - 3

Du lịch nông nghiệp đang trở thành một xu hướng mới tại Củ Chi. Du khách có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống nông dân, tham gia các hoạt động như thu hoạch rau quả, chăm sóc cây trồng, thưởng thức các món ăn đặc sản từ chính những sản phẩm do mình thu hoạch.

Các trang trại tại Củ Chi không chỉ là nơi sản xuất nông sản mà còn là những điểm đến du lịch hấp dẫn. Du khách có thể đến thăm các vườn rau sạch công nghệ cao, các trang trại trồng hoa lan, nấm linh chi, hoặc tham quan các làng nghề truyền thống như làng nghề làm gốm, làng nghề đan lát.

Khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp tại các huyện vùng ven TP.HCM - 4

Xã Trung An là một ví dụ điển hình cho sự phát triển của du lịch nông nghiệp tại Củ Chi. Với hơn 11km sông Sài Gòn chảy qua, đất phù sa màu mỡ, xã Trung An đã trở thành vựa trái cây lớn của huyện. Du khách đến đây có thể thoải mái đạp xe, tản bộ giữa những vườn cây trái xanh mát, thưởng thức các loại trái cây tươi ngon và tìm hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch.

Chợ quê tại Củ Chi không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là điểm đến văn hóa hấp dẫn. Tại đây, du khách có thể tìm thấy những sản phẩm đặc trưng của địa phương như trái cây, rau củ, các món ăn dân gian. Không khí tấp nập, nhộn nhịp của chợ quê sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.

Để thu hút du khách, Củ Chi đã đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng các khu du lịch sinh thái, đồng thời chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của du lịch nông nghiệp.

Nhà Bè – Vùng đất sông nước trù phú

Ẩn mình giữa nhịp sống đô thị sôi động, huyện Nhà Bè vẫn giữ được nét bình yên và thơ mộng của vùng sông nước miền Tây. Nằm ở ngoại ô TP.HCM nhưng Nhà Bè mang đậm nét đặc trưng sông nước miền Tây. Địa phương có năm nhánh sông lớn chảy qua: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Soài Rạp, cùng nhiều mảng xanh tự nhiên.

Khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp tại các huyện vùng ven TP.HCM - 5

Đến với Nhà Bè, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân địa phương. Những chiếc thuyền ba lá lướt nhẹ trên sông, những vườn trái cây sai quả, những ngôi nhà sàn đơn sơ bên bờ sông... tất cả tạo nên một khung cảnh bình dị và thanh bình. Du khách có thể tham gia các tour du lịch sinh thái, tự tay câu cá, hái trái cây, hoặc đơn giản chỉ là ngồi thuyền ngắm cảnh và tận hưởng không khí trong lành.

Tour du lịch “Nhà Bè ngàn lẻ một đêm” là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Qua tour này, du khách sẽ được khám phá cuộc sống thường nhật của người dân, từ những hoạt động sản xuất nông nghiệp đến các lễ hội truyền thống. Đặc biệt, sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng địa phương đã góp phần làm cho tour du lịch trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Bà Nông Thị Kim Mai, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Nhà Bè, cho biết rằng ban đầu, người dân còn e dè với việc tham gia làm du lịch, nhưng sau quá trình động viên, bà con dần hiểu và nhiệt tình ủng hộ. Các hộ dân không chỉ đóng góp công sức mà còn trực tiếp giới thiệu văn hóa, ẩm thực và phong tục địa phương đến với du khách, làm nổi bật đặc trưng của Nhà Bè trong bức tranh đô thị TP.HCM.

Cần Giờ – Lá phổi xanh và thiên đường sinh thái

Du lịch Cần Giờ đang ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng du khách đây tăng lên hàng năm, đạt hơn 2 triệu lượt, chiếm 8,7% tổng lượng khách du lịch TP.HCM. Nhờ vậy, Cần Giờ góp phần vào thành tích chung của du lịch TP.HCM trong năm 2023 với 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa và tổng thu nhập từ du lịch đạt hơn 160.000 tỷ đồng, lọt top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023.

Khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp tại các huyện vùng ven TP.HCM - 6

Nhận thức được tiềm năng du lịch to lớn của Cần Giờ, TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư và triển khai nhiều giải pháp nhằm biến nơi đây thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn.

Theo Quyết định 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Cần Giờ sẽ được phát triển thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao được xác định là mũi nhọn phát triển của khu vực.

Huyện Cần Giờ đang tích cực triển khai kết nối các mô hình du lịch sinh thái nhà vườn để đưa vào khai thác, đồng thời nhân rộng mô hình này nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương. Việc phát triển du lịch sinh thái nhà vườn gắn liền với sản phẩm OCOP là hướng đi chiến lược nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của từng xã, thị trấn trên địa bàn. 

Khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp tại các huyện vùng ven TP.HCM - 7

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết, với điều kiện tự nhiên đặc trưng cùng di tích văn hóa, bề dày lịch sử, Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm đặc trưng (OCOP).

Những năm qua, huyện đã đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, tuyến du lịch mới, tăng cường quảng bá hình ảnh của du lịch Cần Giờ đến với du khách. Trên địa bàn huyện có làng nghề muối Lý Nhơn cùng nhiều sản phẩm OCOP 4 sao đặc trưng của vùng duyên hải. Ví dụ như xoài cát, khô cá dứa, mật dừa nước, tôm thẻ một nắng, tổ yến chưng…

Các huyện vùng ven TP.HCM không chỉ tận dụng lợi thế cảnh quan mà còn chú trọng phát huy giá trị văn hóa và bản sắc địa phương. Với chiến lược phát triển bền vững, TP.HCM đặt mục tiêu mỗi huyện sẽ có ít nhất một sản phẩm hoặc điểm du lịch đặc trưng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và bảo tồn văn hóa.

Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ không chỉ là những vùng đất giàu tiềm năng mà còn là những viên ngọc sáng trong bản đồ du lịch TP.HCM. Với sự đầu tư hợp lý và chung tay từ cộng đồng, những điểm đến này sẽ tiếp tục thăng hoa, thu hút du khách gần xa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT