Huế bàn cách sử dụng xe đạp công cộng cho du khách và người dân thành phố

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hệ thống xe đạp công cộng sẽ thuận lợi cho khách du lịch, người dân trong TP Huế, phù hợp với những quãng đường di chuyển ngắn.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan vừa tổ chức hội thảo chuyên đề “Thiết kế chương trình du lịch sử dụng xe đạp công cộng tại Thừa Thiên Huế”.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án Xây dựng thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng TP Huế, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, thông qua chương trình DeveloPPP.

Dự án này được triển khai dựa trên nội dung ghi nhớ giữa UBND TP Huế với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Cty CP Vietsoftpro. Nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy hiệu quả đô thị di sản và phát triển bền vững theo hướng đô thị sinh thái, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh, để phát triển Huế thành một thành phố xanh - sạch và môi trường thiên nhiên được bảo vệ.

Huế bàn cách sử dụng xe đạp công cộng cho du khách và người dân thành phố - 1

Xe đạp công cộng là phương tiện lý tưởng cho xu hướng giao thông xanh, du lịch xanh và sự phát triển chung bền vững của địa phương.

Từ giữa năm 2022, UBND TP Huế phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Cty CP Vietsoftpro, đã thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại TP Huế.

Hệ thống này được hình thành với tiêu chí thân thiện với môi trường, thuận lợi cho khách du lịch, người dân lấy và trả xe ở nhiều điểm khác nhau trong TP Huế, phù hợp với những quãng đường di chuyển ngắn.

Xe đạp công cộng là phương tiện lý tưởng cho xu hướng giao thông xanh, du lịch xanh và sự phát triển chung bền vững của địa phương. Do vậy, hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại Huế được xem là giải pháp giao thông đô thị cần thiết, giúp người dân và du khách có thể chuyển đổi dần sang phương thức giao thông bền vững hơn.

“Huế còn có nhiều danh thắng đẹp, nhiều di tích, làng nghề truyền thống với các sản phẩm đặc sắc, điểm trải nghiệm ẩm thực xen kẽ trong các khu dân cư, nhất là có những vùng còn duy trì nhà vườn, một nét độc đáo tiêu biểu của TP Huế,. Việc sử dụng xe đạp làm phương tiện để đi khám phá là hình thức trải nghiệm lý tưởng, hứa hẹn để lại nhiều dấu ấn thú vị trong chuyến hành trình của du khách ở Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho hay.

Cũng theo ông Phúc, việc phát triển chương trình du lịch bằng xe đạp công cộng còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa và gìn giữ môi trường thiên nhiên, phát triển du lịch theo định hướng xanh và bền vững cho Huế - một thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Festival và là Cố đô di sản của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, chuyên gia tư vấn GIZ, đã trình bày thiết kế các tour du lịch sử dụng xe đạp công cộng tại Huế. Đại diện công ty CP Vietsoftpro cũng giới thiệu về hệ thống xe đạp công cộng Hue Smart Bike.

Cũng tại hội thảo, Cty CP Vietsoftpro đã ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ với các công ty lữ hành du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh để cùng phối hợp khai thác sản phẩm.

Thừa Thiên Huế đang xây dựng địa phương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Du lịch xanh của Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường với sự linh hoạt và sáng tạo, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.