Hợp tác xã Tương Lai: Ứng dụng sấy năng lượng mặt trời, tăng năng suất, bảo vệ môi trường

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hợp tác xã Tương Lai, Củ Chi, đã thể hiện một mô hình tiên tiến về sự kết hợp giữa công nghệ, năng lượng mặt trời và sản xuất thủy sản chất lượng cao, đem lại sự tăng năng suất ấn tượng và giảm đáng kể chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ đang đẩy mạnh sự phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Hợp tác xã Tương Lai tại ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đã trở thành một ví dụ mẫu mực về việc ứng dụng công nghệ và năng lượng mặt trời để tăng năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sống.

Hợp tác xã Tương Lai: Ứng dụng sấy năng lượng mặt trời, tăng năng suất, bảo vệ môi trường - 1

Đặc sản khô cá sặc của hợp tác xã Tương Lai.

Truyền thống và thách thức

Khi nhắc đến khô cá sặc, một món ăn độc đáo và ngon miệng, không thể không nhắc đến những cơ sở sản xuất khô cá sặc truyền thống. Tuy nhiên, việc sấy cá sặc truyền thống đã đối diện với một số thách thức quan trọng. Cá sặc dày mỡ, gặp nhiệt độ cao sẽ tứa mỡ ra nên toàn phải phơi thủ công, cỡ bốn nắng mới đạt độ khô. Nhưng cách này lại không đảm bảo tiêu chuẩn vi sinh vì ruồi nhặng bu vào.

Công nghệ sấy nông sản, thủy sản nói chung và các công nghệ sấy ứng dụng năng lượng mặt trời nói riêng đã được nghiên cứu và triển khai ở nhiều nơi. Nhưng theo nghiên cứu của Hợp tác xã Tương Lai, những máy sấy đang được sử dụng hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng cảm quan, vệ sinh an toàn thực phẩm; không tận dụng được hết hiệu quả của năng lượng mặt trời, đồng thời gây ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, đa số máy sấy chưa có chức năng điều chỉnh nhiệt độ, tốc độ dòng không khí và tốc độ chuyển động của dàn sấy nên cá thành phẩm dễ mất màu, mất mùi và các loại dinh dưỡng thiết yếu trong cá.

Để giải quyết vấn đề này, một đề tài nghiên cứu khoa học đã đặt ra và giao cho ông Phan Văn Hiệp làm chủ nhiệm “Ứng dụng năng lượng mặt trời trong việc phơi sấy cá sặc rằn tại Hợp tác xã thủy sản Tương Lai, ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP. HCM”. Thiết bị này còn được gọi là máy sấy năng lượng mặt trời ITS.

Bằng việc ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp hiệu ứng nhà kính cho phơi sấy các loại nông sản và hải sản, mô hình sấy cá sặc rằn tự động có ưu điểm tạo ra sản phẩm cá sấy đạt yêu cầu về màu sắc, độ dai, độ ngọt thịt, đồng thời tiết kiệm năng lượng và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là giải pháp giúp cho các cơ sở sản xuất tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Công nghệ sấy tiên tiến

Máy sấy không chỉ đơn thuần là một thiết bị sấy, mà còn tích hợp quy trình khử vi sinh ngay trong buồng sấy. Điều này có nghĩa là sản phẩm không cần phải trải qua quá trình khử vi sinh bên ngoài mà thay vào đó, dãy đèn cực tím dải C (tia UVC) trong buồng sấy tạo ra một quy trình sấy khép kín, đảm bảo tính an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hợp tác xã Tương Lai: Ứng dụng sấy năng lượng mặt trời, tăng năng suất, bảo vệ môi trường - 2

Hệ thống máy sấy ITS đặt tại hợp tác xã Tương Lai.

Máy sử dụng hệ thống tách ẩm đầu vào để đảm bảo rằng luồng khí vào buồng sấy có độ ẩm thấp và sạch hơn. Điều này giúp hạ nhiệt độ sấy xuống thấp hơn, làm cho sản phẩm giữ được màu sắc đẹp và chất dinh dưỡng.

Tiết kiệm chi phí và tài nguyên

Một trong những ưu điểm quan trọng của máy sấy ITS là khả năng giảm chi phí đầu tư và vận hành. So với các máy sấy cùng công suất có sẵn trên thị trường, máy sấy ITS giá chỉ khoảng 1/4, đồng thời giảm lượng điện tiêu thụ đáng kể.

Kết quả, sau 5 tháng chính thức nhận đề tài nghiên cứu chế tạo máy sấy cá sặc ứng dụng năng lượng mặt trời, sản phẩm này đã giải quyết hiệu quả vấn đề về công nghệ sấy đối với các loại thủy sản nhiều mỡ như cá sặc, cá dứa và cá lăng. Trong thời gian chưa đến 24 tháng triển khai thương mại hóa thiết bị và công nghệ này, các cơ sở sản xuất đã thấy rõ sự cải thiện về hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm

Thiết bị sấy cá sử dụng năng lượng mặt trời đã được đưa vào vận hành tại Hợp tác xã Tương Lai (huyện Củ Chi, TP.HCM), và kết quả bước đầu là một minh chứng rõ ràng về sự thành công của dự án này. Sản lượng cá khô tăng lên gấp 3 lần so với phơi nắng truyền thống, đặc biệt là tiết kiệm nhiều năng lượng so với sử dụng lò sấy.

Hợp tác xã Tương Lai: Ứng dụng sấy năng lượng mặt trời, tăng năng suất, bảo vệ môi trường - 3

Thành phầm khô cá sặc của hợp tác xã Tương Lai

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, giám đốcĐại diện hợp tác xã Tương Lai, đã chia sẻ những con số ấn tượng, "Với xấp xỉ 160 kg cá khô thành phẩm, tương đương 320 kg cá tươi sau khi sơ chế, năng suất đã tăng đến 160% so với yêu cầu thiết kế ban đầu (100 kg cá khô) và tăng 320% so với phơi nắng thông thường. Lượng điện năng tiêu thụ cho một mẻ sấy chỉ khoảng 30 kWh, tính ra chưa tới 100.000 đồng, tiết kiệm rất nhiều so với sử dụng lò sấy vỉ ngang với cùng năng suất và thời gian sấy (tiêu thụ xấp xỉ 180 kWh)."

Những con số này không chỉ thể hiện sự hiệu quả kinh tế mà còn là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm tác động tiêu cực lên môi trường. Công nghệ sấy cá sử dụng năng lượng mặt trời tại Hợp tác xã Tương Lai đã tạo ra một sự kết hợp hoàn hảo giữa sự hiệu quả và bền vững, đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Không những vậy, chất lượng của sản phẩm sau sấy đã được nâng cao rõ rệt. Sản phẩm giữ nguyên cảm quan của việc phơi nắng và đồng đều về màu sắc. Hầu hết các mẫu thủy sản và thực phẩm đều đạt tất cả các chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đưa vào được các chuỗi tiêu thụ uy tín trong nước như SaiGonCoopMart, Bách Hóa Xanh, CoopExtra.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT