Hào Sĩ Phường sau 2 năm cấm chụp ảnh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khu chung cư cũ trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) không còn nhộn nhịp cảnh du khách ra vào chụp ảnh như xưa. Điều này khiến người dân hài lòng.

Hào Sĩ Phường sau 2 năm cấm chụp ảnh - 1

Sau 2 năm, người dân ở Hào Sĩ Phường vẫn không thích du khách tới chụp ảnh.

Cuộc sống ngày cuối tuần ở Hào Sĩ Phường yên tĩnh lạ thường, đối lập với sự xô bồ của đường phố bên ngoài. Nơi đây như một thế giới khác - thế giới của những người kiệm lời, khép kín và... ghét ống kính.

Không khí kỳ lạ

Khu chung cư cũ này từng là điểm check-in yêu thích của giới trẻ Sài thành cũng như khách du lịch. Tuy nhiên, khi tôi tới đây vào khoảng 9h30 - thời gian khá đẹp cho những buổi dạo chơi cuối tuần - chẳng có lấy một chiếc máy ảnh đang giơ lên.

Hào Sĩ Phường khá nhỏ nên người dân có thể nhận thấy khi một người lạ bước vào. Ở tầng trệt có một hàng mì nhỏ, dường như chỉ phục vụ người trong khu chung cư. Chủ quán không có nhu cầu mời gọi khách vào ăn dù tôi đã phi xe máy tới sát cửa (thực ra để tìm chỗ đỗ xe).

Lên tầng trên, có một cặp vợ chồng trung niên đang đứng chụp ảnh ở cuối dãy. Tôi tiến lại gần để bắt chuyện, tìm "đồng minh" giữa không khí quá lạc lõng. Tuy nhiên, họ đã chụp xong và bước qua cánh cửa ngôi nhà bên cạnh. Hóa ra họ là dân ở khu này. Ở đây, chỉ duy nhất tôi là người đang phân vân có nên lấy máy ảnh ra và chụp vài tấm không.

Hào Sĩ Phường sau 2 năm cấm chụp ảnh - 2

Những hành lang này từng đông đúc du khách, đoàn phim tới chụp ảnh, ghi hình.

Rõ ràng, hành động này chẳng hề khôn ngoan. Khi vừa đưa chiếc máy ảnh ra khỏi balo và bấm được 2, 3 tấm "test" máy, tôi thấy có những ánh mắt phía dưới nhìn lên một cách khó hiểu. Quay sang phía lan can đối diện là một tấm biển ghi dòng chữ "Yêu cầu không quay phim chụp ảnh ở đây. Cảm ơn".

Nó đã được chuyển sang đó sau 2 năm "lệnh cấm" được đưa ra. Hồi năm 2020, tấm biển được treo ở lối giao giữa 2 dãy nhà trên tầng 2. Do không muốn bị đuổi đi khi chưa hỏi han được ai, tôi cất máy ảnh vội và ngồi tạm vào một hàng nước nhỏ ở hành lang tầng 2.

Những chiếc cửa kéo sầm lại

Người bán hàng là một cô trung tuổi, bị lãng tai. Cô không nghe rõ khách nói gì nên thường được người xung quanh trợ giúp. Ví dụ, nếu gọi đá chanh, họ sẽ lấy chân đá ra để truyền đạt ý nghĩa. Từ "chanh" được truyền tải thế nào tôi cũng không nhớ nữa.

Nhìn thấy người phụ nữ vừa trợ giúp cô bán nước có vẻ thân thiện, tôi đến bắt chuyện và ngỏ ý được chụp ảnh khung cảnh trên tầng này.

Hào Sĩ Phường sau 2 năm cấm chụp ảnh - 3

Những người dân ở tầng trên "ác cảm" với khách tới chụp hình hơn.

Người phụ nữ này lập tức cau mày nói: "Không cho chụp hình đâu, thấy biển cấm ở kia không? Giờ cho một người chụp được, những người khác lại kéo đến". Nói xong cô này lập tức kéo cửa đi vào nhà. Trước khi kéo cửa, cô "ném" cho tôi một ánh mắt dò xét, dè chừng.

So với không khí có hơi nhộn nhịp ở tầng một, tầng 2 bị bao trùm bởi một không gian yên ắng. Có chăng chỉ là những tiếng kéo cửa để ra ngoài rồi đóng lại thật nhanh. Hiếm hoi lắm mới có một người ra ngoài phơi đồ để hỏi chuyện. Đó là cô Danh, một trong số ít người Việt sinh sống tại khu chung cư toàn người gốc Hoa.

Cô Danh mới chuyển đến Hào Sĩ Phường được 2-3 năm nay. Từ đó đến giờ, cô Danh không thấy cảnh nườm nượp người đến chung cư quay phim, chụp hình như trước. Thỉnh thoảng có một vài khách du lịch đến tham quan, chụp vài ba tấm hình rồi về. Hiện tại, chung cư vẫn để biến cấm chụp hình nhưng người dân không còn làm gắt như trước.

"Trước kia, mọi người đến đông quá, ồn ào lắm. Nhóm đến quay phim, nhóm đến chụp hình cưới, mỗi nhóm gần cả chục người, đi lại, cười nói. Cả khu dân cư bị làm phiền", cô Danh chia sẻ.

Hào Sĩ Phường sau 2 năm cấm chụp ảnh - 4

Biển cấm chụp hình vẫn được treo ở lan can.

Cuộc trò chuyện diễn ra khá chóng vánh. Cô có vẻ thấy lạ khi một vị khách lại tò mò quá nhiều như thế. Sau khi phơi xong mẻ đồ, cô Danh lập tức đi vào nhà, đóng cửa, không để tôi kịp xin chụp một kiểu ảnh.

Đó dường như là tâm lý chung của những người dân ở tầng 2. Sau 2 năm cấm khách đến chụp hình, họ vẫn không thích tiếp xúc với người lạ và ống kính. Sự tò mò trước kia đã làm phiền họ quá nhiều.

Du lịch để làm gì?

Cô Hương, người bán hàng nước ở chân cầu thang nơi dân cư để xe, đã hỏi như vậy. Giống nhiều người khác ở khu chung cư cũ này, họ không thích thú với việc khách du lịch xuất hiện. Với các đoàn quay phim, họ càng ác cảm hơn nữa.

Theo lời cô Hương, trước kia, khi chưa có quy định cấm chụp hình, nhiều người để xe ở ngay lối ra vào rất chật chội và bất tiện. Các đoàn phim lớn nhỏ từng tới đây để mượn bối cảnh quay. Khách du lịch lẻ cũng đến chụp hình thường xuyên khiến cuộc sống của mọi người bị đảo lộn khá nhiều.

Hào Sĩ Phường sau 2 năm cấm chụp ảnh - 5

Từ khi có thông báo cấm chụp hình đến nay lối vào chung cư thông thoáng, đường đi gọn gàng hơn.

Cô Hương bán nước ở đây đã vài chục năm, chủ yếu phục vụ cư dân của chung cư. Cô chia sẻ khách du lịch hay đoàn phim đến đây cũng không giúp cô kiếm thêm thu nhập.

“Đoàn phim đều chuẩn bị đồ ăn thức uống sẵn, khách du lịch thường đem theo chai nước nhỏ, chẳng mấy người mua hàng của tôi. Hơn nữa, tôi chỉ bán ở đây buổi sáng”.

Những người dân sống ở tầng trệt có phần thoải mái hơn so với những cư dân sống tại tầng trên. Họ không ý kiến nhiều việc một, hai khách tới chụp tấm hình rồi đi. Còn ở tầng trên, lối đi nhỏ, sát cửa nhà các hộ dân. Vì thế, họ cảm thấy không thoải mái khi có người qua lại, chụp hình, làm phiền cuộc sống riêng tư.

Hào Sĩ Phường sau 2 năm cấm chụp ảnh - 6

Cư dân ở đây không có nhu cầu biến Hào Sĩ Phường thành điểm du lịch.

Hay ông Tài, một người dân sống ở tầng trệt, cũng không hào hứng việc đón khách du lịch. Ông nói chẳng hiểu khu này có gì đẹp mà khách lại thích đến chụp hình thế.

"Nếp sống xưa giờ của người Hoa tại khu chung cư này luôn yên tĩnh, khép kín, không thích bị người khác nhìn thẳng vào nhà. Cho nên, khi có sự xuất hiện của quá nhiều du khách, đoàn làm phim nườm nượp kéo đến, họ không thích. Người dân trong khu này không muốn biến nơi ở của mình thành điểm tham quan, du lịch", ông chia sẻ.

Mặt khác, có những căn nhà ở đây là nơi sinh sống của 2-3 hộ gia đình nên đông người ra vào, chung cư sẽ rất phức tạp. Mọi người cũng lo khó bảo quản tài sản, đồ đạc. Hơn nữa, gia đình nào ở đây cũng có cuộc sống đủ đầy, họ không cần đón thêm khách du lịch để mở thêm dịch vụ cải thiện thu nhập. Họ chỉ muốn cuộc sống khép kín, thoải mái, yên bình.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bích Phương - Anh Tú. Ảnh: Anh Tú (Zing News)

CLIP HOT