Gói gọn bình yên trong nông trại Lá Mây
Cách trung tâm Hà Nội 40 km, giữa lưng chừng đồi núi và bao quanh bởi cánh rừng, có một nông trại mang tên Lá Mây - nơi nuôi dưỡng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững bằng tình yêu thiên nhiên và sự tận tâm, chân thành.
Lá Mây Farm nằm tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, là vườn rừng sinh thái trồng thảo mộc để sản xuất ra các sản phẩm xanh - sạch - lành và phân phối đến người tiêu dùng. Lá Mây Farm cũng đồng thời là "farm" của Maya Farm School (Trường học Nông trại Maya), mang nhiệm vụ hướng dẫn học sinh học tập và thực hành các dự án nông nghiệp.
Nơi phát triển hệ thống nông nghiệp sạch và bền vững
Lá Mây Farm xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững để sản xuất, phát triển các sản phẩm xanh, đồng thời nuôi dưỡng và chăm sóc hệ sinh thái thực vật theo hướng “vườn rừng”.
Chị Nguyễn Lê Mai Trinh - Co-founder của Lá Mây Farm cho biết: “Lá Mây tạo hệ sinh thái mô phỏng một khu rừng theo Syntropic Agroforestry - phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững, giúp tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái của làng Maya và rừng Thạch Thất. Khi cây lớn lên nhờ dinh dưỡng từ đất và năng lượng từ nắng, con người dùng một phần, động vật chia sẻ một phần, phần còn lại được trả lại thành phân xanh cho đất, nối tiếp dinh dưỡng cho các thế hệ cây tiếp theo”.
Với quan điểm tôn trọng cơ chế vận hành của tự nhiên, Lá Mây đề cao sự tồn tại cân bằng của cả hệ thống, bao gồm cây trồng và những tác nhân xấu như sâu bệnh. Thay vì dùng các loại thuốc trừ sâu, nông trại sẽ xây dựng một hệ sinh thái bền vững để mọi thành phần sinh sôi một cách hòa hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, các loài thực vật tại đây đều được lớn lên trên đất lành, được nuôi dưỡng từ ánh mặt trời dịu ngọt, ngấm những giọt sương mát lạnh của núi rừng buổi ban mai mà không có sự can thiệp "thô bạo" từ con người.
Mặc dù việc áp dụng phương pháp canh tác này khiến sản lượng thu được thấp hơn nhiều so với các cách trồng trọt truyền thống, nguồn cung cho các sản phẩm lại phụ thuộc vào mùa vụ nên không ổn định, Lá Mây vẫn chấp nhận đánh đổi với mong muốn phát triển một mô hình nông nghiệp sạch và bền vững.
“Phải mất đến 10 năm để khôi phục hệ sinh thái về trạng thái vốn có của nó. Lá Mây tới nay đã nỗ lực đến năm thứ ba và sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi con đường ấy” - chị Trinh chia sẻ.
Tại Lá Mây, người ta tìm thấy đủ các loại cây trồng, nông sản được chăm sóc cẩn thận: có những cây Hibicus nằm rải trên ruộng bậc thang, có rừng tre với những búp măng non mọc, có khu vườn với nhiều loại rau xanh như cải ngọt, cà chua, bắp cải đan xen với những đóa hoa cúc vàng,... Vẻ đẹp giản đơn và bình dị ấy tồn tại giữa lưng chừng núi rừng như một chốn bình yên, một nơi nương náu cho những tâm hồn cần sự xoa dịu của thiên nhiên.
Mọi hoạt động canh tác và sản xuất tại Lá Mây đều đi đôi với trách nhiệm trong việc sử dụng năng lượng, các nguyên liệu tự nhiên, an toàn và chất liệu dễ tái chế, đồng thời không tạo ra các loại chất thải bẩn gây nguy hại đến môi trường. Đặc biệt, để chung tay làm phong phú thêm hệ sinh thái rừng tại vùng núi Thạch Thất, Lá Mây còn lan tỏa hoạt động Gieo hạt cho rừng, tặng túi hạt giống nhỏ cho những đoàn leo núi trekking đi ngang qua khu vực, để họ chung tay rải hạt giống trên những cung đường của mình.
Nơi nuôi dưỡng tuổi thơ an lành
Được xây dựng cùng Maya Farm School giữa núi rừng xanh ngát, Lá Mây là nơi các em học sinh được quan sát sự phát triển và tác động của con người lên hệ sinh thái, học cách trồng và chăm sóc cây cối, nông sản cũng như tiếp thu những kiến thức về địa lý, động và thực vật học.
Những đứa trẻ tại đây lớn lên, học tập và lao động giữa thiên nhiên bao la một màu xanh ngát, tràn ngập hương thơm từ hoa cỏ, là điều mà thế hệ lớn lên ở những thành phố đất chật người đông khó có thể hình dung được. Sự êm đềm của cuộc sống gần gũi với tự nhiên, cùng những trải nghiệm thực tế ngay tại nông trại, đem đến cho các em vốn hiểu biết về thế giới xung quanh, đồng thời nuôi dưỡng ý thức về sự phát triển bền vững.
Tại Maya School, có bảy xưởng thực hành bao gồm: nông trại Lá Mây, xưởng chế biến nông sản, xưởng mộc và tự động hóa, xưởng Nghệ thuật, xưởng may thêu đan, xưởng gốm và Maya Kitchen. Vào đầu mỗi kỳ học, các em sẽ tự chọn cho mình một xưởng để tham gia thực hành những dự án phù hợp với sở thích và cá tính.
Chị Trinh chia sẻ, mùa thu năm ngoái, các bạn nhỏ tham gia xưởng nông sản Lá Mây được thực hành dự án “Tập trà”. Dưới sự hướng dẫn của chú Tuấn Linh đến từ phòng trà Đông Lai, các bạn hiểu cách ngọn trà ngấm tinh hoa từ đất trời, tự tay chắt lọc những giọt nước trong veo từ mạch nước chảy trong lòng núi hay sương sớm trên những cánh hoa làm nước pha trà, cho đến biết cách tĩnh tâm để chế biến và thưởng thức một ấm trà ngon trọn vẹn.
Dự án kết thúc vào đúng đêm Trung thu với lễ Kính Trà, có sự tham gia của cả phụ huynh và học sinh. Mặc áo dài gấm và ngồi trên tấm chiếu hoa, các em nhỏ áp dụng kiến thức và kĩ thuật học được để từ tốn pha những ấm trà bạch sen thoang thoảng hương thơm mời cha mẹ.
Một nông trại xanh mướt đầy cây trái, một cộng đồng bình yên ríu rít tiếng cười của trẻ thơ, bầu không khí ngọt lành và thoáng đãng của tự nhiên là những thành quả đầu tiên mà Lá Mây có được. Con đường phía trước còn dài, nhưng tình yêu và sự trân trọng dành cho thiên nhiên sẽ là động lực to lớn trên hành trình hướng đến sự phát triển bền vững mà nông trại Lá Mây vẫn ngày ngày theo đuổi.
Nông trại rộng 2000m2 của Lê My nằm liền kề cánh đồng lúa ngát xanh, nơi đây là không gian để du khách được trở về...