Đờn ca tài tử - "Báu vật" của miền sông nước Nam Bộ
UNESCO đã công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng để thật sự hiểu và thêm trân quý “báu vật” của nghệ thuật dân gian Nam Bộ, Tạp chí Du lịch đã gặp gỡ nhạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải – hiện là Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.HCM, để tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo này và vai trò của nó trong việc phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
Thưa nhạc sĩ Huỳnh Khải, so với các loại hình nghệ thuật của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì đờn ca tài tử có nét đặc thù riêng là được phát triển rộng khắp ở 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Xét trong đời sống văn hóa của bao thế hệ người dân Nam Bộ thì đờn ca tài tử đã để lại những giá trị gì?
Thế giới khi nói về đờn ca tài tử của chúng ta thường gắn liền với hai chữ “nghệ thuật”, tức là nghệ thuật của những bản đờn (đàn) và những bài ca tài tử được hình thành ở khu vực Nam Bộ.
Giá trị cốt lõi của đờn ca tài tử đến từ âm nhạc và ngôn ngữ. Âm nhạc của đờn ca tài tử được kế thừa từ những nhạc cụ dân tộc, trải dài khắp đất nước, từ Bắc xuống Nam, theo chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Đặc biệt trong đó phải kể đến là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu, là những nhạc cụ chứa đựng tinh hoa mà ông cha ta đã để lại. Những thanh sắc được tạo ra từ các nhạc cụ này cũng mang một hơi thở riêng, không trộn lẫn với các loại nhạc cụ khác.
Nghệ thuật đờn ca tài tử kế thừa phong cách âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Đó là ngũ cung, là lòng bản từ nghệ thuật miền Bắc, miền Trung đi vào miền Nam, rồi hòa hợp với quá trình sinh hoạt cộng đồng của người Nam Bộ. Lòng bản là một thuật ngữ chỉ lõi giai điệu của mỗi bài ca có khung nhịp cố định. Ví dụ như đờn ca tài tử có bài Lưu thủy trường được dùng làm lòng bản. Người sáng tác sẽ dựa vào lòng bản này để viết nên hàng trăm bài đờn ca tài tử khác nhau. Đây được gọi là nghệ thuật tô điểm lòng bản. Từ đó, hình thành nên một hệ thống đờn ca tài tử bài bản như bây giờ.
Về ngôn ngữ của đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật này chủ yếu dùng tiếng địa phương miền Nam để truyền tải thông điệp qua giai điệu, và nhờ vậy, ngôn ngữ Nam Bộ đơn sơ, mộc mạc đã được nâng lên tầm cao mới, được bảo tồn và phổ biến đến mọi miền đất nước và thế giới.
Những bài ca đờn ca tài tử được lưu truyền từ những năm 1900 chứa đựng những nội dung phản ánh văn hóa lâu đời của người Việt Nam, gắn liền với các đề tài về lịch sử, về công lao cứu nước – giữ nước, về những tấm gương anh hùng dân tộc. Ngoài ra, khía cạnh đạo đức, luân lý gia đình, xã hội cũng thường xuyên được nhắc đến, như tình cha con, sự thủy chung của vợ chồng, tình nghĩa bạn bè… Sang đến thời kỳ phát triển của thơ ca lãng mạn thì tình yêu đôi lứa được thể hiện qua những khúc tân cổ giao duyên, tiếp tục đề cao sự chung thủy giữa người với người.
Giá trị về văn hóa của đờn ca tài tử để lại là rất lớn, nhưng giá trị tinh thần của nó cũng quan trọng không kém. Thông qua đờn ca tài tử, người nghe có thể nâng cao hiểu biết của mình, học hỏi được nhiều thứ và nhất là thấm nhuần những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Theo ông, đờn ca tài tử đã có những đóng góp như thế nào đến sự phát triển của du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Theo quan điểm của tôi, đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật giản đơn và dễ ăn sâu vào tâm khảm mỗi người. Chính vì lẽ đó, từ những sân chơi đờn ca tài tử chớm nở trong giai đoạn đầu đã nhanh chóng phát triển thành những phong trào đờn ca tài tử lớn trên toàn miền Nam, mạnh mẽ nhất là ở xứ Bạc Liêu.
Đặc trưng của đờn ca tài tử là dễ biến tấu. Chính vì vậy, ở mỗi tỉnh thành Nam Bộ lại có một kiểu đờn ca tài tử riêng có, phản ánh giá trị văn hóa, nét đẹp địa phương của tỉnh thành đó. Do đó mà người nghe có thể “đi du lịch” thông qua những bài ca đờn ca tài tử. Tôi ví dụ như bài tân cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu có thể giúp người nghe mường tượng được về hình ảnh những người dân chèo ghe bán chiếu trên sông nước hoặc họ sẽ biết được có một làng chiếu truyền thống ở xứ Cà Mau, để rồi từ đó trỗi dậy ý định muốn được tận mắt chứng kiến những gì mình đã được nghe.
Chính vì vậy mà từ những năm 1991, khi du lịch bắt đầu được chú trọng ở Việt Nam thì đã có nhiều địa phương Nam Bộ tổ chức các hội thi sáng tác đờn ca tài tử về du lịch, khuyến khích ca ngợi những điểm đến du lịch của tỉnh nhà, nhằm thông qua lời ca mà quảng bá du lịch, thu hút nhiều khách tham quan.
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, đờn ca tài tử tuy vẫn có vị trí nhất định trong làng nghệ thuật dân tộc nhưng chưa phát triển hiệu quả. Vậy theo ông nên làm thế nào để duy trì và phát huy đờn ca tài tử?
Để có thể phát triển đờn ca tài tử trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận đờn ca tài tử là một thực thể sống, tức ở nó có sự vận động phát triển để thích ứng với xã hội đương đại. Phát triển là không ngừng tạo ra cái mới và vì vậy, chúng ta không nên gò ép đờn ca tài tử trong những khuôn mẫu lỗi thời mà nên khoác lên nó lớp áo trẻ trung, hiện đại hơn, để nó không xa rời với thực tế phát triển của xã hội. Cần có những sân chơi đờn ca tài tử trên sóng truyền hình, những ứng dụng thông minh về đờn ca tài tử trên smartphone, các diễn đàn trao đổi giữa những con người làm văn hóa, nghệ thuật để đờn ca tài tử gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ này.
Hiện nay, một số công ty du lịch tại Sài Gòn như Saigontourist, Vietravel… thường xuyên tổ chức các tour du lịch miền Tây ngắn ngày, cho phép du khách được thưởng thức những tiết mục đờn ca tài tử hấp dẫn khi ghé những miệt vườn tại Mỹ Tho hay tham quan quảng trường đờn ca tài tử tại Bạc Liêu. Đắm chìm trong không gian xanh, tươi mát của sông nước Nam Bộ và thưởng thức những câu vọng cổ ngọt ngào, đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử, trải nghiệm một bầu không khí tài tử sâu lắng nhưng thân thiện, hào sảng… du khách sẽ cảm thấy chuyến đi của mình thêm trọn vẹn, ý nghĩa.
Từ ngày 20/11 đến 22/11/2019, tỉnh Bạc Liêu tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 nhằm kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà công tử Bạc Liêu và tôn vinh công lao đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và cải lương, gồm nhiều hoạt động: triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, hội chợ du lịch, tọa đàm giao lưu và biểu diễn nghệ thuật, liên hoan đờn ca tài tử, khởi công dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu…