Chuyển đổi số thúc đẩy du lịch phát triển
Để công nghệ thực sự đem lại hiệu quả cao và có giá trị bền vững thì ngành du lịch phải có chiến lược bài bản, cùng với đó là cách thức vận hành, quản lý cần thay đổi thực sự.
Tạo đột phá
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới từ 10 - 25%. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á thuộc nhóm này. Việc chuyển đổi số trong du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực.
Việt Nam là điểm đến được nhiều du khách nước ngoài tìm kiếm trên nền tảng số.
Từ việc chuyển đổi số hoạt động quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp du lịch đã gặt hái được một số thành tựu trong việc tổ chức tour du lịch, đặt tour, đặt khách sạn… Những doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình hoạt động trực tuyến đã kịp thời thích nghi với những thay đổi, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tiến hành xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Những sản phẩm cốt lõi hỗ trợ thiết thực cho khách du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch như: Thẻ du lịch thông minh, hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, app Du lịch Việt Nam an toàn… Cùng với đó là hàng loạt các sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng.
Áp dụng chuyển đổi số đến nay, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công ty đã thực hiện chuyển đổi và quy chuẩn hoàn chỉnh các trình tự nhập liệu, theo dõi số liệu và quy trình công việc tại tất cả các bộ phận thông qua việc vận hành các công cụ, phần mềm kinh doanh mới. Hệ thống Lữ hành Saigontourist đã xây dựng được nguồn dữ liệu khách hàng có độ chính xác cao, thông tin dữ liệu đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu phân tích thị trường và chiến lược tiếp thị; Định hướng khách hàng sử dụng các kênh tư vấn, mua tour có kết nối tập trung, nhận diện và chăm sóc khách hàng trên một nền tảng số duy nhất.
Giám đốc Thương mại Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Phạm Hùng Việt cho rằng, chỉ có chuyển đổi số mới giúp các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng, mang tới những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, đồng thời chuyển đổi số cũng giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí, tối ưu các nguồn lực của mình.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, du lịch là một trong những ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số khi đưa việc đặt vé máy bay và khách sạn lên trực tuyến. Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đang diễn ra trên môi trường số.
Thông qua nền tảng số, các công ty du lịch lữ hành có thể dễ dàng kết nối với du khách.
Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Nhà nước và chương trình, đề án của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và Kế hoạch phát triển du lịch số 2021 - 2025.
Với mục tiêu nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý, địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành du lịch, Bộ VHTTDL cũng đã cho ra mắt Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch, cung cấp khung hướng dẫn các giải pháp tổng thể và hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, vai trò của các bên liên quan và lộ trình, bước đi, công cụ cụ thể để triển khai chuyển đổi số; hướng dẫn kết nối tích hợp vào các nền tảng số. Cùng với đó tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số du lịch tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, để thúc đẩy, phát triển ngành du lịch, trong thời gian tới cần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể, từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước, tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch, hoàn thiện hệ thống thông tin số, dữ liệu số ngành du lịch; phát triển các ứng dụng khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch nhằm hỗ trợ khách du lịch, hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến thông minh, quản lý doanh nghiệp thông minh; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch kỹ thuật số; phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch”.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, giải pháp then chốt để hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất, đồng bộ là cần phát triển các nền tảng số tầm quốc gia về du lịch. Việc phát triển các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia phù hợp với chủ trương chung hiện nay của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: Chuyển đổi số cần có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, chồng chéo, lãng phí và nhất là dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”.