Chàng trai Tày biến quả đồi hoang thành nông trại du lịch
Trên đường lên Pác Bó, đến thị trấn Xuân Hoà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nay còn có thêm một địa điểm tham quan mới với vẻ đẹp đậm chất “Non nước Cao Bằng”, vừa đơn sơ nhưng cũng rất “hữu tình”.
Ước mơ phát triển du lịch quê hương
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lý luận chính trị tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2015, chàng trai dân tộc Tày Nông Minh Nghĩa 29 tuổi, được về công tác tại Trung tâm bồi dưỡng lý luận huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Được đi học, có công việc ổn định, đúng chuyên ngành nhưng anh lại quyết định từ bỏ tất cả để rẽ theo một hướng hoàn toàn khác.
Là một người “Đam mê xê dịch”, tuổi trẻ anh Nghĩa gắn liền với những chuyến đi đó đây. Đi khắp muôn nơi, anh thấy rằng “không đâu đẹp bằng quê mình”. Nhưng vẻ đẹp của quê hương lại không được nhiều người biết đến.
Thấy “dưới xuôi” làm du lịch tốt, mà quê mình chỉ làm nông nghiệp hiệu quả không cao. Điều đó dấy lên trong anh ước mơ phát triển du lịch cho quê hương. Ước mơ đã thôi thúc anh bỏ ngang công việc mình đang làm sau bốn năm công tác, lập nhóm cùng hai người bạn cùng đam mê làm du lịch là Lương Hiền và Bùi Hoài để mở trang trại du lịch.
Chàng trai dân tộc Tày Nông Minh Nghĩa mở trang trại du lịch vì trăn trở với ước mơ phát triển du lịch cho quê hương.
Không đâu xa xôi, anh chọn quả đồi hoang ngay sau nơi mình sống để đặt nền móng cho ước mơ phát triển du lịch quê nhà.
“Đó là một quả đồi hoang, đất đai cằn cỗi, trồng ngô cũng khó, quanh năm chỉ để thả trâu bò…”, anh Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên, sau vẻ hoang sơ đó là cả một tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Thành viên Lương Hiền cho biết, quả đồi mà anh Nghĩa lựa chọn là một quả đồi hoang khô cằn nhưng cũng có những lợi thế riêng. Quả đồi nằm ở vị trí khá đẹp. Đặc biệt, có thác nước rất đẹp chảy theo mùa từ tháng 4 đến tháng 10.
Phần lớn diện tích trên quả đồi bỏ hoang làm bãi thả trâu bò, còn lại để trồng ngô và đậu, hiệu quả kinh tế không cao. Nếu chuyển hướng làm du lịch sẽ “cứu” được quả đồi hoang vu nhưng đẹp đẽ này.
Quyết tâm khai phá đồi hoang
Quả đồi mà anh Nghĩa định lập trang trại có một phần diện tích thuộc sở hữu của anh, còn lại anh thuê của người dân xung quanh dồn thành một khu có diện tích hơn 7.000 m2.
Khát khao xây dựng một khu du lịch cho quê hương nhưng anh Nghĩa không có vốn. Đến đầu năm 2019 anh mạnh dạn vay ngân hàng và cùng nhóm bạn góp mỗi người năm triệu đồng để triển khai thực hiện mô hình trang trại du lịch mang tên “Boong Farm”.
Trang trại Boong Farm nằm trọn trên quả đồi hoang và ruộng, nương xung quanh, có thác nước nhưng chỉ chảy theo mùa. Ảnh: N.C.
Tuy nhiên, ở thời điểm bắt đầu Boong Farm là một nơi rất hoang sơ. Do ở khá xa khu dân cư nên hoàn toàn không có điện, nước. Ruộng nương bị bỏ hoang lâu ngày, cỏ cây dại mọc khắp nơi. Con đường đá lên Boong Farm trước kia rất nham nhở, lầy lội.
“Ngày trước, đây chỉ là con đường cho trâu bò đi lại, rất dốc, mỗi khi trời mưa đất đá sẽ trôi xuống lầy lội, trơn trượt thậm chí có những khách lên còn bị trượt ngã… Thực sự mình rất lo ngại về vấn đề này”, anh Nghĩa chia sẻ.
Đều tốt nghiệp đại học, cả ba người là những cử nhân các chuyên ngành khác nhau, không có ai có kiến thức về nông nghiệp hay du lịch cả. Do trồng cây không đúng quy trình, đất đai lại quá cằn cỗi nên không hiệu quả, có lúc hỏng đến 2 triệu tiền hạt giống. Nhiều công việc như quản lý tài chính, phát triển mô hình du lịch, truyền thông thu hút khách tham quan,… cũng làm cho nhóm “đau đầu” vì thiếu kinh nghiệm.
Không nản lòng, nhóm ba người cùng hợp sức khai phá quả đồi hoang. Nhóm tự kéo điện, kéo nước lên đồi, tự rải đá, đổ bê tông làm đường. Nhóm cày cuốc, cải tạo ruộng nương xung quanh khu đồi, trồng nhiều loại hoa đẹp, có sức chống chọi tốt với điều kiện đất cằn cỗi, như hoa tam giác mạch, sao nhái, hoa cải vàng,…và một số cây ăn quả phù hợp với khí hậu địa phương. Để làm được những điều đó nhóm đã tốn không ít “mồ hôi, nước mắt”.
Anh Nông Minh Nghĩa và nhóm bạn luôn đầu tư cải tiến, sửa sang lại trang trại Boong Farm, đồng thời tạo công việc thời vụ cho người dân nơi đây. Ảnh: NVCC.
Gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, ông chủ trẻ Minh Nghĩa đã lặn lội ra Hà Nội học một khoá học về làm du lịch, tự mày mò học cách sản xuất nông nghiệp sao cho hiệu quả. Nghiên cứu đối tượng khách tham quan và tham khảo một số mô hình du lịch khác.
Nông trại trên quả đồi hoang
Sau gần 2 năm kể từ khi bắt đầu, Boong Farm giờ đây đã khoác lên mình “tấm áo” mới đầy màu sắc của hoa cỏ, vườn cây, nổi bật lên vẻ đẹp thiên nhiên của “non nước Cao Bằng”.
Boong Farm tận dụng những vật liệu có sẵn, vật liệu tái chế để trang trí. Ảnh: N.C.
Hiện tại, Boong Farm có tổng diện tích hơn 7.000 m2, trong đó có 1.000 m2 hoa theo mùa và 2.000 m2 trồng cây ăn quả lâu năm như, mận Bảo Lạc, lê vỏ đỏ, đào,… đều là những giống quả ngon của tỉnh. Dự tính, trong vòng hai năm nữa vườn cây có thể thu hoạch quả để phục vụ cho du khách và bán ra thị trường. Kết hợp với việc trồng hoa, nhóm còn nuôi thêm ong. Vụ đầu tiên đã được hơn 100 lít, đây là một trong những thành quả “ngọt ngào” đầu tiên của việc làm nông nghiệp.
Anh Tiến Nghĩa cùng nông trại của mình. Ảnh: N.C.
Ngoài ra, anh và nhóm lên ý tưởng, trang trí những khu vực check-in đẹp mắt. Biến nông trại thành một khu check-in lý tưởng cho giới trẻ. Qua những khung hình “sống ảo” của du khách, Boong Farm cũng đẹp không kém những địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Điều đặc biệt là những vật liệu trang trí đều tận dụng những vật liệu có sẵn và những đồ dùng tái chế.
Anh Nghĩa và nhóm cũng dự định trong tương lai sẽ phát triển Boong Farm theo hướng “Farm- Stay” du lịch dã ngoại gắn liền với nông nghiệp. Anh sẽ xây dựng những khu lưu trú và khu vực ăn uống dã ngoại, thưởng thức nông sản ngay tại vườn.
Mô hình của anh Nông Minh Nghĩa ban đầu còn lạ lẫm với người dân nơi đây, nhưng về sau rất được mọi người ủng hộ. So với việc bỏ hoang đất thì người dân lại có thêm nguồn thu nhập từ việc cho thuê đất và việc làm thời vụ của nông trại. Anh nghĩa luôn cho rằng, mình đi xa được đến vậy là do có sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân xung quanh, sự quan tâm của chính quyền.
“Khu du lịch mở ra đã thu hút một số khách du lịch đến địa phương và tạo việc làm cho một số người thất nghiệp… Bản thân tôi cũng như người dân và chính quyền địa phương rất ủng hộ những người trẻ có tâm huyết đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại quê hương, luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ…”, ông Nguyễn Duy Tiến – Bí thư chi bộ tổ Xuân Vinh, thị trấn Xuân Hoà cho biết.
“Đây là mô hình điển hình của thanh niên huyện Hà Quảng, đi đầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tại địa phương. Huyện đoàn đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền để có những giải pháp hỗ trợ lâu dài trong quá trình triển khai và phát triển.
Ngoài ra, Đoàn đã giới thiệu trên các kênh thông tin, trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn nhằm góp phần quảng bá. Bên cạnh đó, định hướng cỗ vũ nhóm tham gia cuộc thi “Ý tưởng thanh niên nông thôn khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cao Bằng năm 2020”, kết quả đạt giải ba cấp tỉnh”, chị Ngân Thị Hoàng Yến, Bí thư Huyện Đoàn Hà Quảng chia sẻ.