Bước chuyển quan trọng cho du lịch nông nghiệp từ Luật Đất Đai 2024

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch nông nghiệp và nông thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới du lịch tại Việt Nam, tạo cầu nối giữa đô thị và nông thôn. Sự kết hợp này không chỉ làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mà còn kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Triển vọng phát triển du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp đang được đánh giá là một mô hình tiềm năng, mang lại lợi ích kép cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình này, giúp nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang kết hợp giải trí và trải nghiệm.

Việc kết hợp này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo thêm nguồn thu nhập bền vững cho người nông dân.

Bước chuyển quan trọng cho du lịch nông nghiệp từ Luật Đất Đai 2024 - 1

Các chuyên gia dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng phổ biến và trở thành một lĩnh vực đầy triển vọng, mang lại đa lợi ích. Mô hình này không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ, hạn chế tình trạng ly hương, giữ chân lao động ở các vùng nông thôn.

Để được gọi là du lịch nông nghiệp, mô hình này cần đáp ứng bốn yếu tố cơ bản: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách tham gia vào các hoạt động nông nghiệp; gia tăng thu nhập cho người nông dân; và tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm giải trí, rèn luyện thể lực, gần gũi thiên nhiên và sống như một người nông dân thực thụ. Thông qua du lịch nông nghiệp, các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa, giúp kéo dài mùa vụ du lịch, đặc biệt là trong các giai đoạn thấp điểm của ngành.

Tại Việt Nam, du lịch và nông nghiệp là hai ngành kinh tế mũi nhọn, có mối quan hệ chặt chẽ và đều được xác định là ưu tiên phát triển trong các nghị quyết quan trọng của Đảng. Cụ thể, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã tập trung vào phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành vào ngày 16/01/2017 cũng khẳng định du lịch cần trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn được xác định là một trong năm dòng sản phẩm chủ đạo.

Bước chuyển quan trọng cho du lịch nông nghiệp từ Luật Đất Đai 2024 - 2

Với sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa, cảnh quan tự nhiên và hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch nông nghiệp không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần phát triển bền vững kinh tế nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa và cải thiện đời sống của người nông dân. Đây là một hướng đi đầy tiềm năng và cần được đầu tư, phát triển trong thời gian tới.

Theo các báo cáo từ địa phương, lượng khách tham gia vào các hoạt động du lịch nông nghiệp và nông thôn ngày càng tăng. Hiện tại, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, trong khi thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm đến 73%. Mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mà còn tạo cơ hội tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở nông thôn.

Bước chuyển quan trọng cho du lịch nông nghiệp từ Luật Đất Đai 2024

Du lịch nông nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ với sự thay đổi quan trọng từ Luật Đất đai 2024. Đây được coi là cú huých cần thiết để ngành du lịch nông nghiệp có thể “đẻ trứng vàng”, khai thác tiềm năng từ đất nông nghiệp một cách hợp pháp và hiệu quả.

Theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2013 trước đây còn nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp. Cụ thể, luật chưa có quy định cụ thể về loại đất phục vụ du lịch nông nghiệp, chỉ tập trung vào các phương thức sử dụng đất cho nông nghiệp truyền thống. Điều này đã gây khó khăn cho các mô hình như farmstay, homestay, khiến nhiều dự án chỉ có thể triển khai dưới dạng thí điểm tại một số địa phương như Lâm Đồng và Cần Thơ. Các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp muốn làm du lịch nông nghiệp thường rơi vào tình thế bị động, gặp nhiều rào cản pháp lý và phải mất rất nhiều thời gian để xin các giấy phép cần thiết.

Bước chuyển quan trọng cho du lịch nông nghiệp từ Luật Đất Đai 2024 - 3

Tháng 9/2020, UBND TP.HCM đã ban hành công văn số 3680 nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp, trong đó hướng dẫn thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè. Theo công văn, các cơ sở sản xuất tại các huyện thí điểm được phép xây dựng các công trình phụ trợ như nhà kho, nơi chứa phân bón, sơ chế nông sản trên đất nông nghiệp khác, với thời gian thí điểm kéo dài 3 năm.

Tuy nhiên, gần đây, Bộ Tư pháp đã nhắc nhở rằng nội dung văn bản này không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Trước thực tế này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo ngưng thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp tại các khu vực nói trên.

TS Bùi Thị Lan Hương, chuyên gia về du lịch nông nghiệp, cho rằng Luật Đất đai 2013 còn mâu thuẫn với Luật Lâm nghiệp, khi Luật Lâm nghiệp cho phép tổ chức du lịch dưới tán rừng, nhưng Luật Đất đai lại không hỗ trợ. Điều này đã khiến các HTX phát triển du lịch dưới tán rừng gặp nhiều khó khăn, phải lựa chọn các hình thức khác như mô hình homestay hay bãi cắm trại để có thể hoạt động.

Bước chuyển quan trọng cho du lịch nông nghiệp từ Luật Đất Đai 2024 - 4

Tuy nhiên, với Luật Đất đai 2024, vấn đề pháp lý cho du lịch nông nghiệp được mở rộng với việc xuất hiện cụm từ “đất kết hợp đa mục đích” trong Điều 218. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép các hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra trên đất nông nghiệp, chính thức hợp pháp hóa mô hình du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, Luật cũng cho phép sử dụng đất ở kết hợp với các hoạt động nông nghiệp thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX và doanh nghiệp phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.

Luật Đất đai 2024 cũng sửa đổi và bổ sung cho Luật Lâm nghiệp 2017, cho phép tổ chức du lịch trong các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, mở ra cơ hội phát triển du lịch dưới tán rừng một cách hợp pháp. Đây là bước tiến quan trọng, giúp khơi thông các rào cản pháp lý, thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, chuyên gia về kiến trúc sinh thái và du lịch nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 sẽ là bước ngoặt lớn, giúp giải tỏa những khó khăn pháp lý mà ngành du lịch nông nghiệp đang đối mặt. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp lớn nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, cảnh quan đa dạng và nền kinh tế nông nghiệp phát triển. Với sự điều chỉnh từ Luật Đất đai, ngành du lịch nông nghiệp hứa hẹn sẽ trở thành một trong những lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT