Bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố cổ tại Huế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày 22/12.

Trong tiến trình phát triển đô thị, các khu phố cổ tại Huế mang những giá trị về kiến trúc độc đáo, đa dạng, phản ảnh đời sống tinh thần của cư dân qua các thời kỳ. Với các ngành nghề thủ công truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn với quá trình đô thị hóa của vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế.

Nhiều thế kỷ qua, với sự thay đổi của cấu trúc đô thị ở Huế, sự tác động của thời cuộc và nhu cầu phát triển của vùng đất đã làm biến đổi cấu trúc các khu phố cổ tại Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố cổ tại Huế - 1

Quang cảnh hội thảo.

Các khu phố cổ là yếu tố quan trọng nối kết các giai đoạn hình thành đô thị Huế. Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý, bảo tồn để phát huy giá trị. Tuy nhiên, việc làm như thế nào để bảo tồn di sản, đồng thời phát huy giá trị để đảm bảo lợi ích cộng đồng, góp phần vào phát triển kinh tế vẫn là bài toán khó.

Với những yêu cầu đó, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố cổ tại Huế”.

Ban tổ chức đã chọn được 26 bản tham luận biên tập để in vào trong tập Kỷ yếu, chia thành các nội dung gồm Lịch sử hình thành và quá trình phát triển; Bảo tồn và phát triển các khu phố cổ.

Với phần lịch sử hình thành và quá trình phát triển, PGS. TS Nguyễn Văn Mạnh và ThS Trần Thị Tuyết Nhung trong bài Cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh: Quá trình tụ cư và dấu ấn kinh tế, văn hóa của người Hoa ở Huế, có ý kiến: “Những đặc điểm cổ kính nhất của di sản đô thị Huế, thương cảng Thanh Hà - Bao Vinh không chỉ để lại dấu ấn tụ cư, lập nghiệp mà còn nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Đó là những di sản lịch sử - văn hóa cần được điều tra, đánh giá tổng thể để có những giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản”.

Phố cảng Thanh Hà là trung tâm mua bán lớn, là nơi giao thương về thương mại, ngoại giao, văn hóa, đồng thời là trung tâm buôn bán lớn, và tập trung các mặt hàng có giá trị, Nghiên cứu về vấn đề này, TS Hồ Châu trong tham luận Phố cảng Thanh Hà - nơi quy tụ các mặt hàng xuất nhập khẩu có giá trị kinh tế cao ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn, cho rằng: “Trong quan hệ buôn bán với Đàng Trong, thương nhân ngoại quốc thường quan tâm việc mua các sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu được sản xuất, khai thác đây hơn là việc mang thật nhiều hàng hóa đến để bán. Vì vậy, các mặt hàng nhập khẩu dường như có vẻ như đơn điệu hơn so với hàng xuất khẩu”.

Được ví như: “Một Hội An giữa lòng thành phố Huế”, khu vực phố cổ Chi Lăng - Gia Hội được ThS Võ Sỹ Châu & ThS Lê Văn Thanh Hùng phân tích Kiến trúc đặc trưng khu phố cổ Chi Lăng - Gia Hội ở thành phố Huế, hai tác giả có nhận định: “Khu phố cổ Chi Lăng - Gia Hội là nơi tập trung đa dạng các loại hình kiến trúc, mà nhà ở thương mại đã tạo nên nét đặc trưng riêng, lưu dấu quá trình phát triển đô thị Việt Nam từ thời Nhà Nguyễn đến nay. Nếu biết khai thác các giá trị đặc trưng của các công trình sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách như cách mà phố cổ Hội An đã làm được”.

Bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố cổ tại Huế - 2

Phố cổ Bao Vinh. Ảnh tư liệu.

Với phần bảo tồn và phát triển các khu phố cổ, PGS. TS Nguyễn Văn Đăng trong bài Các khu phố cổ ở Huế với vấn đề phát triển du lịch có ý kiến: “Cần nghiên cứu và rút kinh nghiệm về những điều làm được và chưa làm được khi triển khai dịch vụ phố đêm ở đường Chi Lăng, Bạch Đằng… Trong đó, vấn đề trang trí, bố cục không gian kiến trúc gắn với các điểm di sản, giao thông, vệ sinh ở phố cổ, hàng hóa lưu niệm,… gắn với không gian tâm linh, dân dã, môi trường sống của cư dân cần phải được hết sức chú ý đúng mức”.

Tuyến phố Lê Huân được biết đến là phố cung cấp ẩm thực phục vụ cho cung đình triều Nguyễn trước đây, nhóm tác giả: TS Nguyễn Ngọc Tùng, ThS Lê Nguyễn Tâm Phổ, Nguyễn Hoàng Nhật Quyên, Lê Ngọc Minh và Trương Văn Dương trong bài Bảo tồn và phát huy giá trị phố Lê Huân có ý kiến: “Cần chú trọng và thực hiện nghiêm túc về xây dựng, cải tạo các công trình kiến trúc trên trục phố. Các công trình tại đây khi xây dựng cần tuân thủ các quy định và không có trường hợp ngoại lệ. Khi đó, kiến trúc cả tuyến phố mới đảm bảo sự đồng bộ và có tính thẩm mỹ cao”.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu và đại biểu tiếp tục có ý kiến đóng góp ở phần thảo luận về thiết chế các khu phố cổ ở Huế; vai trò của các khu phố cổ trong việc hình thành di sản văn hóa; các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố cổ; phát huy giá trị các khu phố cổ trong phát triển du lịch...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân

CLIP HOT