Bạc Liêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Một trong 4 phương hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, Bạc Liêu chọn xây dựng các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực ĐBSCL và cả nước.

Sáng 22/12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển

Phát biểu công bố quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết phạm vi, ranh giới quy hoạch địa phương này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển của tỉnh. Trong đó, quan điểm phát triển là phù hợp với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch, kế hoạch liên quan, đảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển.Bạc Liêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm - 1Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu công bố quy hoạch. Ảnh: Duy Khang.

Bạc Liêu phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số làm nền tảng để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các ngành kinh tế khác. Tỉnh này cũng tổ chức không gian phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ, bảo tồn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên kết vùng và đa mục tiêu, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, trọng dụng nhân tài; xây dựng Bạc Liêu phát triển toàn diện kinh tế biển, trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Ngoài ra, Bạc Liêu còn phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc con người Bạc Liêu gắn với bảo tồn giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững. Địa phương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động hội nhập quốc tế.

Theo ông Phạm Văn Thiều, mục tiêu phát triển đến năm 2030 của tỉnh này là xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; môi trường thiên nhiên được bảo vệ và phát triển; xã hội phát triển hài hòa, đời sống nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Về kinh tế, Bạc Liêu xác định tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 - 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020; GRDP bình quân trên người đạt khoảng 187 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 2 tỷ USD (trong đó xuất khẩu tôm đạt khoảng 1,7 tỷ USD).

Tầm nhìn đến năm 2050, Bạc Liêu phấn đấu là tỉnh có kinh tế phát triển; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh, người dân có cuộc sống khá giả, hạnh phúc; môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, bảo tồn. Hệ thống đô thị thông minh, sạch, xanh; nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững.Bạc Liêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm - 2Ranh giới quy hoạch Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển của tỉnh. Ảnh: Duy Khang.

Trong đó, 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển là khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nổi trội hướng vào phát triển 3 trụ cột chính là công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch; đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng ĐBSCL; cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.

Bốn ngành kinh kế quan trọng

Về phương hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, quyết định công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu xác định ngành thủy sản, trọng điểm là nuôi tôm là một trong 4 ngành trụ cột. Tỉnh Bạc Liêu xây dựng Bạc Liêu trở thành vùng tôm trọng điểm quốc gia; đẩy mạnh nuôi biển, nuôi biển kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch.

Ngành quan trọng thứ 2 là công nghiệp chế biến nông, thủy sản. Trong đó, xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng ĐBSCL. Thứ ba là ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Quan trọng thứ tư của Bạc Liêu là ngành du lịch. Trong đó xây dựng các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực ĐBSCL và cả nước, đặc biệt là đầu tư phát triển khu vực tiềm năng về du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận để đảm bảo đủ điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia.

Đối với phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh Bạc Liêu tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng hình thành phát triển hai tiểu vùng kinh tế. Trong đó, tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam Quốc lộ 1 (có cả vùng biển Bạc Liêu) gốm TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, huyện Vĩnh Lợi. Trong đó, TP Bạc Liêu là trung tâm kinh tế - xã hội của cả tỉnh, là cực tăng trưởng phía Đông của tỉnh; phát triển các ngành kinh tế biển; trồng rừng phòng hộ; bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia biển.

Tiểu vùng kinh tế Bắc Quốc lộ 1 gồm các huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai. Thị xã Giá Rai là hạt nhân tiểu vùng, cùng với đô thị Phước Long là 2 cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh. Tỉnh này phát triển kinh tế nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi.Bạc Liêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm - 3Bạc Liêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm. Ảnh: Đỗ Hiếu Liêm.

Đối với hành lang kinh tế Quốc lộ 1 là hành lang kinh tế động lực quan trọng nhất, chạy dọc qua thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, thị xã Giá Rai, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, kết nối Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau, hướng tới cảng Trần Đề - Sóc Trăng. Hành lang kinh tế Quản Lộ - Phụng Hiệp, chạy dọc qua các huyện Phước Long, Hồng Dân, kết nối Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cà Mau. Hành lang kinh tế ven biển, chạy dọc theo đường bộ ven biển và tuyến hàng hải ven biển Đông; kết nối trực tiếp vùng biển 03 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng.

Bạc Liêu cũng xác định 3 trục liên kết phát triển gồm: Trục liên kết TP Bạc Liêu - Ninh Quới - Ngan Dừa, chạy dọc theo tuyến cao tốc quy hoạch Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; nối Quốc lộ 1 với cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu; trục liên kết Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền, chạy dọc theo Quốc lộ 63B; nối cảng Gành Hào với thị xã Giá Rai đi Phó Sinh - Cạnh Đền và trục liên kết Hòa Bình - Phước Long - Hồng Dân, chạy dọc theo đường tỉnh ĐT.979, nối đường bộ ven biển với Quốc lộ 1 và đường Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Khang

CLIP HOT