Bảo tồn làng nghề đan giỏ trạc tại TP.HCM bằng OCOP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Biến các sản phẩm của nghề đan giỏ trạc thành sản phẩm OCOP tiềm năng nhằm bảo tồn các làng nghề truyền thống

Nghề đan giỏ trạc tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh vốn là một nghề thủ công cha truyền con nối từ hơn 50 năm nay và đang dần mai một.

Bảo tồn làng nghề đan giỏ trạc tại TP.HCM bằng OCOP - 1

Nghề đan giỏ trạc tại huyện Hóc Môn vốn là một ngành nghề cha truyền con nối được hình thành từ hơn 50 năm nay, nhưng nghề thủ công này đang dần bị thu hẹp. Hiện nay, xã Xuân Thới Sơn chỉ còn với 9 hộ tham gia, số lượng lao động thường xuyên là 15 người, chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ nội trợ, lao động nghèo, người thất nghiệp... tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Giỏ trạc vốn được người nông dân dùng để đựng các loại nông sản, thủy sản như trái cây, rau quả, cá,… Nguyên liệu chủ yếu làm ra giỏ trạc là cây trúc và một ít cây nứa hoặc cây mun để làm vành. Quá trình làm nên một chiếc giỏ trạc khá công phu với 7 giai đoạn: chẻ nang – lách nang – gày – khoanh lên – đương – vô vành – xỏ miệng. Thế nhưng giá thành của sản phẩm rất thấp, chỉ từ 30.000 – 32.000 đồng/cái lớn và 4.000 – 5.000 đồng/cái nhỏ.

Bảo tồn làng nghề đan giỏ trạc tại TP.HCM bằng OCOP - 2

Tuy nhiên, từ khi ngành sản xuất bao bì nhựa phát triển, những chiếc giỏ trạc đã dần bị thay thế bởi những chiếc giỏ nhựa bắt mắt và bền hơn. Công sức bỏ ra lớn, thu nhập bấp bênh nên số lượng người gắn bó với nghề ngày càng ít. Ngành nghề đan giỏ trạc theo đó cũng gặp nhiều khó khăn và dần bị mai một.

Ngoài ra, làng nghề cũng đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Diện tích trồng trúc, nguồn nguyên liệu tại chỗ, đang dần bị thu hẹp dần, các hộ dân phải mua nguyên liệu phục vụ sản xuất từ các tỉnh Long An, An Giang, Tây Ninh... Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu thu mua từ các tỉnh cũng không ổn định.

Mặc dù nghề đan giỏ trạc có tính thẩm mỹ không cao nhưng là ngành nghề truyền thống của xã, đã góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ và người già. Vì vậy, đây là ngành nghề cần được bảo tồn và phát triển.

Năm 2019, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn vùng nông thôn TP đến năm 2020 với định hướng tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: Rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh; 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề đan lát Thái Mỹ, Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, Làng nghề muối Lý Nhơn). Chương trình nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ, cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững trên địa bàn TP.

UBND TP.HCM cũng đã xây dựng và ban hành một số chính sách đặc thù, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, HTX kinh doanh nghề nông thôn trong việc đầu tư, sữa chữa và mở rộng mặt bằng sản xuất, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời gian tới, UBND TP.HCM giao UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện chủ trì, phối hợp khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa các sản phẩm làng nghề và nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu. Đồng thời gắn kết với các hoạt động du lịch nhằm quảng bá các làng nghề và các sản phẩm tiêu biểu.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT