Âm hưởng kinh đô Hoa Lư vang vọng tới ngày nay

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử, cách đây 30 ngàn năm. Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt.

Âm hưởng kinh đô Hoa Lư vang vọng tới ngày nay - 1

Một tiết mục tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Tối 28/4, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Ninh Bình tự hào là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử, cách đây 30 ngàn năm. Qua các tầng văn hóa khảo cổ mới được phát hiện trong những năm gần đây đã cung cấp nhiều bằng chứng khoa học có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và diện mạo vùng đất Ninh Bình 10 thế kỷ đầu công nguyên, phát lộ các chứng tích về một kinh thành có kiến trúc đặc sắc. Trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế với vai trò, chức năng trị sở lớn.

Thế kỷ X, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt sau khi Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp, thống nhất giang sơn, mở xưng hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc; nơi vua Lê Đại Hành khởi phát các quyết định lịch sử chống quân xâm lược Tống, giữ vững nền độc lập dân tộc, mở mang bờ cõi, tăng cường quốc lực, xây dựng quốc gia hưng thịnh, tạo tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của các thể chế nhà nước phong kiến trong các giai đoạn tiếp sau.   

Trải qua 86 năm, với tám đời vua của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đóng góp to lớn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, tạo nền móng vững chắc để các triều đại phong kiến sau này kế thừa và phát triển.

Hơn một nghìn năm trôi qua, nhưng âm hưởng của kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn vang vọng tới tận hôm nay. Những vết tích tường thành, nền móng cung điện hay cổ vật được khai quật từ các tầng văn hóa khảo cổ trong lòng đất cho thấy tầm vóc, kiến trúc đặc sắc của kinh thành xưa. Linh khí chốn kinh kỳ, công đức dựng nước, giữ nước, chăm lo cho muôn dân của các bậc quân vương, hiền minh vẫn còn in dấu trong suốt hành trình lịch sử, trong tâm thức nhân dân với tấm lòng tri ân sâu nặng.

Âm hưởng kinh đô Hoa Lư vang vọng tới ngày nay - 2

Lễ tế cửu khúc. Ảnh: Tiến Minh.

Lễ hội Hoa Lư được khai mạc hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý.

Lễ hội Hoa Lư xưa được các thể chế quân chủ phong kiến Việt Nam tổ chức như Lễ trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc.

Trải qua thời gian, Lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân, làm cho giá trị của Nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian và lịch sử.

Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, cùng với Cố đô Hoa Lư tạo nên giá trị đặc biệt của Quần thể danh thắng Tràng An, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Trước đó, sáng 28/4, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đã diễn các nghi lễ truyền thống của Lễ hội Hoa Lư do nhân dân xã Trường Yên và các xã trên địa bàn huyện Hoa Lư thực hiện.

Âm hưởng kinh đô Hoa Lư vang vọng tới ngày nay - 3

Lễ tiến phẩm. Ảnh: Minh Quang.

Trong đó, nghi thức tế lễ cổ truyền gồm 3 hình thức tế lễ (tế lão quan gồm các cụ lão nam, tế đồng quan hay gọi là tế nữ quan gồm các tế nữ từ 30 tuổi trở lên, tế hội đồng gồm cả nam và nữ độ tuổi lão quan và đồng quan). Nghi thức tế lễ ở đền Vua Đinh và Vua Lê là lễ tế cổ truyền, có các lễ tế chính: tế cáo, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ dâng hương, tế tiến phẩm, tế chính, tế cửu khúc, tế tạ...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.Nguyệt

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.