10 sản phẩm chủ lực giúp Sóc Trăng thu hút khách du lịch
Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 3.585.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 85.000 lượt; doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng.
Sóc Trăng được biết đến với nét văn hóa đặc sắc giao thoa giữa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, đồng thời có nhiều lễ hội, công trình kiến trúc độc đáo và những cù lao trù phú với những vườn cây ăn quả cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Đây là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tượng đài Ba Cô Gái, tượng trưng cho 3 dân tộc anh em tại tỉnh Sóc Trăng: Kinh, Hoa và Khmer. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, thu hút khoảng 3.585.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 85.000 lượt, khách nội địa là 3.500.000 lượt; doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng; công nhận 3 điểm du lịch, từ 1 - 2 khu du lịch; có từ 2 - 3 khách sạn 4 sao trở lên.
Sóc Trăng định hướng phát triển 10 sản phẩm chủ lực gồm: du lịch văn hóa tâm linh thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên huyện Châu Thành; du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách; du lịch sinh thái biển Cù lao Dung; du lịch sinh thái biển Hồ Bể Vĩnh Châu; điểm du lịch Tân Huê Viên Châu Thành; du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy huyện Mỹ Tú; du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm; du lịch sinh thái biển Mỏ Ó, huyện Trần Đề.
Đồng thời, tỉnh phát triển 6 sản phẩm du lịch bổ sung gồm: du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm, huyện Kế Sách; du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm, huyện Châu Thành; du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom, huyện Mỹ Xuyên; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây, huyện Cù lao Dung; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên - Trần Đề; du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung.
Du lịch Sóc Trăng khẳng định bản sắc từ thế mạnh đặc thù
Từ các sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương, Sóc Trăng tiến hành khai thác tiềm năng du lịch thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo; tour du lịch sông nước tuyến Cần Thơ - Kế Sách - Long Phú - Cù lao Dung - Trần Đề - Vĩnh Châu; thành phố Sóc Trăng - Kế Sách - Trần Đề - Cù lao Dung; tour thành phố Sóc Trăng - Chùa Chén Kiểu - Vườn cò Sáu Xom (huyện Mỹ Xuyên) - chợ nổi (thị xã Ngã Năm).
Địa phương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong phát triển du lịch và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các công ty lữ hành để phát triển tour tuyến du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh.
Sóc Trăng từng bước phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển du lịch, trong đó đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ, đặc biệt là công trình giao thông phục vụ các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch và phát triển du lịch thông minh vào quản lý khách du lịch, hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch hiện nay và có chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia phát triển du lịch.
Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thu hút đầu tư các dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa các dự án về du lịch, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch.